Tối 23/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Nguyễn Công Toàn (33 tuổi, ngụ Bến Tre) về tội "Hành hạ người khác". Bị can này tạm trú tại khóm 3, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), cùng với mẹ ruột là bà Phạm Thị Hà - chủ tàu cá BT 97993-TS.
Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc) cùng bị khởi tố, tạm giam với Toàn. Các quyết định đã được cơ quan công tố cùng cấp phê chuẩn.
Hai nạn nhân là ông Trương Văn Trung (47 tuổi) và anh Lê Văn Bình (30 tuổi, cùng ngụ Kiên Giang). Trong đó, ông Trung có tỷ lệ thương tích 48%, còn anh Bình đi đánh bắt ngoài khơi, gia đình và cơ quan chức năng chưa liên lạc được.
Trước đó, ngày 23/5, ông Trung bị Toàn, Tỵ và Nguyễn Văn Hùng đánh gây thương tích, cụ thể là dùng kìm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cái răng, dập môi và gối chân phải.
Ngày 24/5, ông Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng.
Nạn nhân Trương Văn Trung. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Trao đổi với Zing về quyết định khởi tố, tiến sĩ luật Nguyễn Thành Tô cho rằng hành vi của các bị can đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo luật sư Tô, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành căn cứ vào mối quan hệ giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân, mục đích thực hiện hành vi của người gây án để khởi tố về tội hành hạ người khác để đưa ra những kết luận chính xác nhất.
“Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích hoặc chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Tô phân tích.
Cụ thể, luật sư Tô cho biết hành vi hành hạ người khác là thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực đến mức tàn ác, không phù hợp với đạo đức xã hội giữa những người lệ thuộc với nhau và hậu quả gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, gây ra rối loạn hành vi và có thể là còn tổn thương cơ thể. Hành vi này có thể không gây ra thương tích hoặc thiệt mạng nạn nhân, nên mức hình phạt mà điều luật quy định không quá 3 năm tù.
Còn đối với tội cố ý gây thương tích, hành vi trực tiếp tác động trái pháp luật đến thân thể của nạn nhân (mục đích là xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân chứ không phải là mục đích xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm). Đối tượng thực hiện hành vi nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích của nạn nhân có thể xảy ra.
Tội cố ý gây thương tích không quy định bắt buộc mối quan hệ giữa đối tượng gây án và nạn nhân là mối quan hệ lệ thuộc. Bởi vậy, bất kỳ chủ thể nào cũng có thể bị xử lý về tội danh này nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Hành vi cố ý gây thương tích có thể dẫn đến chết người hoặc các hậu quả nghiêm trọng khác về thân thể của nạn nhân, nên mức hình phạt của tội danh này rất nghiêm khắc, mức cao nhất mà điều luật quy định có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân (nếu hậu quả chết 2 người trở lên).
Theo nhận định của luật sư Tô, trong vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người thực hiện hành vi với nạn nhân có phải là quan hệ lệ thuộc hay không.
Đồng thời, làm rõ tất cả hành vi xâm phạm đến thân thể của các nạn nhân, làm rõ động cơ mục đích, nhận thức của người thực hiện hành vi.
“Hành vi đánh gãy xương sườn, bẻ răng, cắt tai..., những người thực hiện hành vi hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi này là trái pháp luật và có thể gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe cho nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích của nạn nhân xảy ra, có thể xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích", luật sư Tô nhận định.
Luật sư Tô nêu quan điểm: “Trong vụ án, có thể có đối tượng chỉ bị xử lý về tội hành hạ người khác, còn có những đối tượng có thể bị xử lý về cả về 2 tội danh là hành hạ người khác và cố ý gây thương tích nếu có nhiều hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và các hành vi này đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm”.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.