Cơ quan chức năng Hà Nội đang xác minh vụ một người phụ nữ bám vào cửa ôtô tại vành đai 3, đoạn qua cầu Thanh Trì nhập vào quốc lộ 5 hướng về nút giao Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo hình ảnh quay lại vào chiều 1/5, một người phụ nữ cố gắng mở cửa bên phụ chiếc Mazda CX-5 biển kiểm soát 89A. Tuy nhiên, người điều khiển xế hộp cho xe di chuyển mặc cho người phụ nữ bám víu vào cửa xe.
Sau khoảng 10 giây, người phụ nữ tuột tay, ngã ra đường, còn chiếc Mazda rời đi. Với hành vi trên, người điều khiển ôtô có bị xử lý?
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, cho biết hành vi của lái xe Mazda là nguy hiểm khi điều khiển ôtô cố tình tăng ga, lạng lách để khiến người phụ nữ rơi xuống đường, gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được sống của người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định", luật sư Thơm nói.
Ông Thơm nhận định hành vi của lái xe thể hiện sự côn đồ, hung hãn, có dấu hiệu phạm tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
"Nạn nhân không tử vong là do may mắn nên hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự", luật sư Thơm nói và cho biết lỗi của tài xế trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Người phụ nữ ngã ra đường sau khi cố gắng bám víu vào cửa phụ chiếc Mazda. Ảnh: Cắt từ clip. |
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, nhận định tài xế Mazda có dấu hiệu cố ý muốn hất người phụ nữ xuống đường, bất chấp người này đang bám víu vào cửa xe và sẽ gặp nguy hiểm. "Trường hợp người phụ nữ này thiếu may mắn, bị bánh xe ôtô đè lên thì hành vi của lái xe sẽ được xác định là hành vi giết người", tiến sĩ Cường nhận định.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng cần xác minh, làm việc với tài xế, làm rõ nguyên nhân sự việc, nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển ôtô, đồng thời giám định thương tích của người phụ nữ để có hình thức xử lý phù hợp.
Tiến sĩ cho biết trong trường hợp hành vi được xác định là vi phạm quy định về giao thông đường bộ, lạng lách, đánh võng, di chuyển xe từ lề đường ra mà không bật đèn tín hiệu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tình huống có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, tài xế có thể bị xử lý hình sự theo khoản 5, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trích dẫn điều luật, luật sư cho hay người nào vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự, theo ông Cường, lái xe ôtô sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 7, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Mức phạt là phạt hành chính từ 10 đến 12 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.