Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ nhộm nhoạm bài báo khoa học: Bí mật những hợp đồng

Có những hợp đồng làm việc của trường đại học ký kết với các nhà khoa học bên ngoài với yêu cầu duy nhất là viết bài báo đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, năm 2017, Đại học (ĐH) T.D.T. ký hợp đồng làm việc với PGS.TS V.H.H. Người này được biết đến là giảng viên cơ hữu thuộc một trường ĐH khác tại TP.HCM.

Theo bản hợp đồng này, thời hạn hợp đồng là một năm, chức danh công việc là thành viên Nhóm nghiên cứu giải tích ứng dụng, khoa Toán - Thống kê của ĐH T.D.T. Trong các nghĩa vụ mà PGS.TS V.H.H. phải hoàn thành với ĐH T.D.T. có công bố ít nhất một bài ISI tác giả chính.

Kết quả thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu Scholar cho thấy năm 2018, PGS.TS V.H.H. có một bài đứng tên ĐH T.D.T. Năm 2019, người này có một bài đứng tên trường ĐH nơi mình là giảng viên cơ hữu và có 3 bài đứng tên ĐH T.D.T.

Bai bao khoa hoc anh 1

Số bài báo quốc tế của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Phóng viên cũng có thông tin về hợp đồng làm việc của ĐH T.D.T. với nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Hợp đồng này còn thể hiện rõ số tiền chi trả một bài báo đăng ở tạp chí.

Năm nay, trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới do Nhà xuất bản Elsevier công bố, ngoài các nhà khoa học ở trường này nhưng đứng tên trường khác đã được phản ánh, có những trường chỉ có một tác giả xuất hiện nhưng cũng không phải là cán bộ cơ hữu của trường.

Theo thống kê từ dữ liệu Scholar, ĐH T.L. năm nay có 104 bài báo khoa học được các tác giả đứng tên. Năm 2020, con số này là 75 và năm 2019 là 49.

Trong danh sách của Nhà xuất bản Elsevier có TS Đ.V.H. đứng tên ĐH T.L. Theo tìm hiểu, TS Đ.V.H là giảng viên cơ hữu của Trường Sĩ quan Không quân, đồng thời là cán bộ ban cơ hữu ĐH T.L.

Lẫn lộn

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2020, PGS.TS V.H.H. là ứng cử viên nặng ký của giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tuy nhiên, khi hồ sơ của ứng viên được đưa lên, hội đồng giải thưởng đã có tranh luận liên quan bài báo của người này khi đứng tên trường ĐH khác. Dù ứng viên có đưa ra hợp đồng hợp tác giữa 2 trường ĐH, cuối cùng, đến vòng bỏ phiếu, ứng viên đã không qua được.

GS.TS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho biết trong ngành Toán, không phải tất cả bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế đều chất lượng.

Theo ông, việc chạy theo số lượng bài báo để tăng các chỉ số trong xếp hạng của một số trường ĐH hiện nay là rất nguy hiểm vì đánh lừa người học.

Trong đó, quan trọng nhất là người học bỏ tiền đóng học phí nhưng không được thụ hưởng dịch vụ đào tạo từ chính những người viết bài báo khoa học đứng tên trường. Bởi họ chỉ hợp tác với trường trong việc công bố bài báo mà không tham gia đào tạo.

Nhộm nhoạm bài báo khoa học: Chưa có quy định xử lý thống nhất

Tình trạng nhà khoa học “đứng chân” ở nhiều trường trong bài báo khoa học khi đăng trên tạp chí quốc tế xảy ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, quan điểm của mỗi trường một khác.

https://tienphong.vn/nhom-nhoam-bai-bao-khoa-hoc-bi-mat-nhung-hop-dong-post1398256.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm