Sáng 29/11, phiên tòa xét xử Trần Phương Bình và 25 đồng phạm bước vào ngày thứ 3. Phan Văn Anh Vũ và nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB vẫn đang bị cách ly tại trại giam để đảm bảo cho việc xét xử.
HĐXX thẩm vấn Trần Phương Bình và nhóm các bị cáo là nhân viên của DAB. Những người này bị cáo buộc giúp sức cho Trần Phương Bình gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng.
Lấy tên vợ, con mua cổ phần DAB
Đầu giờ sáng, đại diện cơ quan công tố thẩm vấn Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DAB) về việc chiều hôm qua, ông Bình có khai với HĐXX là “cảm thấy có lỗi với Phan Văn Anh Vũ”. Đại diện VKS yêu cầu ông Bình giải thích rõ hơn về lý do: “Lỗi là lỗi gì?”.
“Bản thân bị cáo nguyên là giáo viên nên luôn luôn thấy có lỗi với Vũ ở chỗ không thông báo đầy đủ cho Vũ về thực trạng hoạt động của ngân hàng. Đây là điều bị cáo thấy có lỗi rất nhiều với Vũ”, ông Bình trả lời.
Về việc mua cổ phần và chia cổ tức, ông Bình khai nhờ vợ và các con đứng tên mua cổ phần. Vài năm trước đó, ông Bình nhờ những nhân viên đứng tên mua.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017 khi cổ phần bán còn thừa, Bình muốn mua lại nhưng không nhờ được người ngoài đứng tên nên nhờ vợ và con đứng tên. Những người này không hề biết đứng tên để mua cổ phần. Ngay cả khi mua xong rồi họ cũng không biết.
Ông Trần Phương Bình bị áp giải đến tòa. Ảnh: Lê Quân. |
Khi bán cổ phần DAB, ông Bình khai có một số hạn chế với thành viên và gia đình thành viên HĐQT nên Bình không thể bán cổ phần ông và người thân đứng tên. Vì vậy, ông Bình giữ lại cổ phần của vợ và các con.
“Cổ phần đứng tên bị cáo thì bị hạn chế bán. Nếu thực hiện bán cổ phần đứng tên mình, vợ và con thì phải công bố trước công luận. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DAB”, ông Bình trả lời HĐXX.
Đến kỳ nhận cổ tức, DAB chuyển qua tài khoản người đứng tên cổ phần. Sau đó, Bình sẽ nói người thân chuyển hoặc nói nhân viên chủ động chuyển trên hệ thống qua tài khoản cá nhân sử dụng.
Trần Phương Bình khai không nhớ về giá trị số cổ tức Bình và gia đình hưởng, ông nói có lần được cán bộ điều tra cho hay số cổ tức bị cáo và gia đình nhận đến nay là hơn 100 tỷ.
VKS chất vấn có phải ông Bình muốn thâu tóm quyền lực tại DAB nên mới mua cổ phần lại cho vợ và con. Bình phủ nhận. Ông cho hay tỷ lệ phần trăm cổ phần của ông và người thân đứng tên chưa bao giờ đạt đến con số 20%.
Ông không thể xác định phần trăm bao nhiêu thì mới nắm quyền cao nhất, tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết. “Bị cáo nghĩ phải trên 30%”, Bình khai.
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình khai trong khoảng thời gian từ 2007-2014, DAB bán cho Công ty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” tổng cộng 50 triệu cổ phần với đơn giá 10.000 đồng.
“Giá cổ phần DAB lúc đó xuống thấp, bán cho Vũ giá đó thì so với giá mua vào năm 2007 thì không những không cao hơn mà còn bị âm”, ông Bình trình bày.
Tổng số tiền thu được từ việc bán cổ phần cho Vũ là 500 tỷ, ông Bình khai toàn bộ số tiền này sử dụng cho hoạt động DAB để tất toán hồ sơ vay mang tên Ngọc Linh nhằm chống âm quỹ những năm trước và thanh toán các hợp đồng vay trước đó.
"Làm thủ quỹ mà không biết gì hết”
Sau phần thẩm vấn ông Bình, HĐXX gọi nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB Nguyễn Đức Vinh, bị cáo này bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Vinh bị cáo buộc xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua cổ phần DAB, mua USD giúp Vũ "nhôm"; xuất khẩu vàng trái phép, tất toán khống; thu khống; chi lãi ngoài.
Trả lời HĐXX về việc có ký hiệu gì để biết tiền nào là thật và tiền nào ảo, Vinh khai để hợp thức hóa cho các khoản khống, Vinh nói với Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB) là trong số tiền điều về, có bao nhiêu tỷ vật chất bao nhiêu tỷ tiền treo. Từ đó, Hùng mở sổ theo dõi riêng.
Vũ "nhôm" nắm 50 triệu cổ phần của DAB với đơn giá 10.000 đồng. Ảnh: Lê Quân. |
“Ví dụ, 10 tỷ điều về có 7 tỷ tiền treo, Hùng sẽ ghi: 7 tỷ (anh Bình), có nghĩa là anh Bình chưa chuyển về 7 tỷ và làm theo sự chỉ đạo của anh”, Vinh khai. Sau đó, Hùng sẽ đảm nhận việc theo dõi, cuối mỗi ngày Vinh sẽ kiểm tra sổ nhưng không ký.
“Cuối năm, để đối phó với kiểm toán, thủ quỹ Hùng ghi ra tờ giấy để đưa cho bị cáo. Bị cáo sẽ báo cáo với chị Xuyến để Xuyến gặp Bình trình bày”, Vinh trả lời và cho biết Xuyến phụ trách trực tiếp Phòng ngân quỹ nên phải báo cáo với nữ Phó tổng giám đốc DAB.
Để đối phó với Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Xuyến nắm lịch, kế hoạch rồi phân bổ xuống cho Vinh điều vốn khống về chi nhánh mà NHNN không thanh tra kiểm quỹ.
Đỗ Thanh Hùng thừa nhận Vinh khai đúng. Bị cáo này phụ trách kiểm ngân tại Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM), về phụ trách quỹ VNĐ tại DAB Hội sở từ giữa năm 2008. Trước đó, Hùng khai chưa học qua lớp nghiệp vụ ngân quỹ nào, bị cáo chỉ học kiểm ngân.
Khi chủ tọa hỏi: “Quỹ tiền vật chất ở DAB thường để nhiều tiền không?”. Hùng ấp úng nói: “Đầu năm không nhiều lắm, cuối năm điều chuyển tiền về nhiều”.
Hùng trả lời không rõ về quỹ vật chất ở DAB, chủ tọa tiếp tục truy vấn về quy định của NHNN về quỹ tiền mặt để ở ngân hàng phải là con số bao nhiêu, Hùng trả lời không biết. Lúc này chủ tọa gay gắt: “Làm thủ quỹ mà không biết gì hết. NHNN có quy định hết chứ. Quy định bao nhiêu tiền thì phải điều chuyển về NHNN, chứ ai cho để tại ngân hàng nhiều tiền thế này”.
VKSND Tối cao buộc Hùng phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại hơn 2.536 tỷ đồng cho DAB.