Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc: Tiếng Hoa là môn học tự chọn
Vụ trưởng vụ Giáo dục Dân tộc Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết việc áp dụng tiếng Hoa hoàn toàn có tính chất tự nguyện. Học sinh dân tộc Hoa tự chọn môn học, đăng ký với nhà trường, sau đó nếu trường đủ điều kiện thì Bộ sẽ áp dụng việc giảng dạy.
>> Sẽ dạy tiếng Hoa từ lớp 1
>> Không dạy đại trà tiếng Hoa
Theo dự thảo ban hành lại vào ngày hôm qua (14/3), Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không dạy đại trà tiếng Hoa cho tất cả học sinh, mà đối tượng là học sinh dân tộc Hoa cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đang sinh sống tại Việt Nam.
Học sinh dân tộc Hoa hoàn toàn tự nguyện với môn học tiếng Hoa. |
Với thông tin này, học sinh và phụ huynh dường như yên tâm hơn, bởi trước đó, khi chưa có sự thông báo chính xác đối tượng chỉ dành cho dân tộc Hoa sinh sống tại Việt Nam, nhiều người đã tỏ ra khá lo lắng, bởi với lượng kiến thức đang học vốn dĩ đã nặng, nay lại thêm một môn học rất khó thì áp lực học hành, thi cử càng lớn cho con em.
Tuy nhiên, với dự thảo ban hành lạị rõ hơn, phụ huynh không phải băn khoăn về vấn đề này. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếng Hoa bày tỏ sự đồng tình, bởi nhu cầu học của con em khá nhiều, hiện tại họ đã khá tốn kém với việc cho con đi học tiếng Hoa ở trung tâm bên ngoài.
Chị Đoàn Thị Cúc ở địa chỉ email Kimanh...@gmail.com bày tỏ: "Mình nghĩ chương trình mới này rất hay và có ý nghĩa. Theo mình biết trước đây những con em dân tộc Hoa muốn học tiếng Hoa phải đăng ký ở trường riêng. Nếu như các trường dạy tiếng Hoa cho những em học sinh dân tộc Hoa thì những gia đình không có điều kiện cũng có thể đăng ký cho con mình theo học".
Chiều nay (15/3), bà Nguyễn Thị Thu Huyền đã trả lời về vấn đề này: "Việc áp dụng tiếng Hoa hoàn toàn có tính chất tự nguyện. Học sinh dân tộc Hoa tự chọn môn học, đăng ký với nhà trường, sau đó nếu trường đủ điều kiện thì Bộ sẽ áp dụng việc giảng dạy".
Bà Thu Huyền nhấn mạnh, đối tượng của môn học này là học sinh dân tộc Hoa, và tự nguyện nên không phải toàn bộ học sinh dân tộc Hoa đều học môn này. Cũng như việc trước đây Bộ đưa tiếng Ê Đê vào giảng dạy cho người dân tộc Ê Đê thì không có nghĩa là tất cả học sinh người Ê Đê đều đăng ký học tiếng Ê Đê".
Ngoài ra, theo dự thảo thông tư, học sinh hoàn thành chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, có kết quả kiểm tra cuối cùng đạt điểm 5 trở lên được xét cấp chứng chỉ tiếng dân tộc theo quy định.
Quan trọng là chất lượng đào tạo "Đất nước đã bước sâu vào vấn đề hội nhập, thu hút người nước ngoài tới đầu tư và làm viêc tại Việt Nam. Họ cũng lập gia đình và sinh sống nơi đây. Hiện tại có rất nhiều cặp vợ chồng phối hôn với người nước ngoài. họ phải cho con đi học ở các trường quốc tế với mức phí khá cao chỉ để bổ sung cho con mình có đủ kiến thức về ngôn ngữ của cả cha lẫn mẹ. Nếu cho bổ sung thêm tiếng Hoa ngay từ lớp 1 thì các bậc phụ huynh sẽ bớt lo lắng khi phải chở con đi học xa va tốn khá nhiều chi phí. Nhưng yêu cầu chất lượng về các môn học cũng không được thờ ơ." - độc giả ở địa chỉ email quynhdung...@yahoo.com. |
Thủy Nguyên
Theo Infonet.vn