Bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Thu loạt bất động sản, tiền mặt của các bị cáo để đảm bảo thi hành án
Giai đoạn một vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã kết thúc. Theo báo cáo của SCB liên quan tới 1.284 khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan tại đây, tính đến ngày 1/4, một số khoản vay đã được tất toán cả gốc và lãi với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện tại, số khoản vay của bị cáo Lan giảm xuống còn 1.243 khoản, tương ứng với 1.122 mã tài sản đảm bảo.
Vì vậy, số tiền thiệt hại mà bà Lan có trách nhiệm bồi thường giảm xuống còn 673.800 tỷ đồng, bao gồm đã cấn trừ số tiền Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) và một số bị cáo khác khắc phục hậu quả.
HĐXX quyết định giao 1.122 mã tài sản này cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý. Quá trình xử lý các tài sản để thu hồi nợ, nếu còn dư thì phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan thì sẽ dùng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.
HĐXX cũng cho biết, quá trình giải quyết vụ án đã thu thập sổ tay ghi chép của các trợ lý bà Trương Mỹ Lan, cho thấy số tiền 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD chở về tòa nhà Vạn Thịnh Phát không chỉ từ SCB mà còn nguồn gốc trái phiếu.
Vì vậy, HĐXX đề nghị Cục C03 và VKSND Tối cao, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, tiếp tục làm rõ sai phạm xung quanh số tiền này để làm căn cứ giải quyết ở giai đoạn hai.
Cũng theo HĐXX, việc bị cáo Trương Mỹ Lan lấy tiền từ SCB đầu tư, chuyển nhượng nhiều dự án đang bị kê biên không có hồ sơ pháp lý rõ ràng. Do đó, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ số bất động sản, dự án liên quan tới bị cáo chưa được giải quyết trong vụ án này để xác định đúng bản chất, giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc kê biên khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, HĐXX cũng tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.
Bên cạnh đó, HĐXX buộc bị cáo Dương Tấn Trước phải bồi hoàn tiếp cho SCB hơn 692 tỷ đồng. Trong trường hợp tài sản của vợ chồng bị cáo Trước không đủ thì dùng toàn bộ các tài sản đang bị kê biên của bị cáo Cao Việt Dũng để đảm bảo tiếp nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trước. Tòa buộc bị cáo Trước phải nộp lại số tiền 2.204 tỷ đồng, số tiền này sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Buộc bị cáo Nguyễn Thanh Tùng và Công ty Dầu khí Đông Phương phải bồi hoàn số tiền 443 tỷ đồng cho SCB, chuyển số tiền 300 tỷ đồng mà ông Nguyễn Văn Hảo đã nộp khắc phục cho bị cáo Trương Mỹ Lan qua SCB để khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án.
Các bị cáo tại tòa. |
CQĐT đang điều tra giai đoạn hai vụ án
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, tại cuộc họp báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - cho biết đây là vụ án lớn, với số lượng bị can, người liên quan rất nhiều. Vì vậy, cơ quan điều tra tách vụ án để điều tra trong hai giai đoạn.
Ở giai đoạn hai, Bộ Công an tập trung điều tra hai tội danh chính là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến trái phiếu và "Rửa tiền" liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đối với hành vi “Rửa tiền”, Thiếu tướng Thành cho biết số tiền mà bị cáo Trương Mỹ Lan rút được qua hoạt động ngân hàng đã được bị cáo này đem đầu tư, mua gom các bất động sản trên toàn quốc và chuyển một phần ra nước ngoài.
Đối với hành vi lừa đảo phát hành trái phiếu, Thiếu tướng Thành cho biết cơ quan điều tra bước đầu xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã thông qua 4 doanh nghiệp để phát hành 25 gói trái phiếu. Các lô trái phiếu này có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng, đã bán cho người mua (trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.