Sáng nay (26/11), phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) tiếp tục phần bào chữa của luật sư đối với các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), luật sư cho rằng mức án 7-8 năm tù mà VKS đề nghị là quá nghiêm khắc so với mức độ phạm tội.
Theo luật sư, bị cáo Tuấn không chủ động đòi hỏi bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) đưa hối lộ. Việc bị cáo Tuấn chỉ kiểm tra xác xuất vài điểm của doanh nghiệp trong quá trình thẩm định có nguyên nhân khách quan là sự thúc ép của cấp trên, chứ không phải vì nhận tiền mà làm sai.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đào Phương. |
Cũng theo luật sư, thời điểm năm 2021, dịch Covid-19 ở TPHCM bùng phát nên việc đi lại khó khăn. Hơn nữa, việc chậm trễ cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil có thể làm rối loạn thị trường xăng dầu.
Khi phát hiện sai phạm, bị cáo Tuấn chủ động đề xuất thanh tra và thu hồi giấy phép của Công ty Xuyên Việt Oil, hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng "biện pháp hình sự đặc biệt", tuyên phạt bị cáo Tuấn mức án từ 4-5 năm tù.
Tự bào chữa, bị cáo Tuấn bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của luật sư.
“Bị cáo cảm ơn đại diện VKS đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Rất mong được HĐXX xem xét công tội rõ ràng để cho bị cáo mức án thấp nhất, sớm trở về với gia đình” - bị cáo Tuấn nói.
Theo cáo buộc, khi bị cáo Hạnh nhờ giúp đỡ trong việc cấp lại giấy phép xuất nhập khẩu cho Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Tuấn không kiểm tra thực tế đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu mà đã ký biên bản xác nhận doanh nghiệp cơ bản đáp ứng điều kiện.
Với sự "giúp đỡ" này, bị cáo Tuấn đã 3 lần nhận hối lộ của nữ giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil số tiền gần 6 tỷ đồng.
Luật sư đề nghị tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Công thương dưới khung hình phạt
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) đồng ý với quan điểm luận tội của VKSND TPHCM. Tuy nhiên, luật sư cho rằng mức hình phạt từ 3-4 năm mà VKS đề nghị có phần nghiêm khắc.
Theo luật sư, thời điểm bị cáo Hải nhận được đề nghị giúp đỡ của bị cáo Hạnh là lúc dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, để ổn định thị trường xăng dầu trong thời điểm dịch bệnh, bị cáo Hải đã đồng ý giúp.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Đào Phương. |
Sau đó, bị cáo Hải chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước rà soát xem Công ty Xuyên Việt Oil có đáp ứng đủ các điều kiện hay không, và việc cấp phép phải tuân thủ quy định pháp luật.
Luật sư cho rằng khi tiến hành cấp phép, bị cáo Hải không thỏa thuận, ép buộc bị cáo Hạnh đưa tiền cảm ơn, và không vì mục đích vụ lợi cá nhân.
“Bị cáo Hải chưa bao giờ đặt vấn đề hay yêu cầu bị cáo Hạnh phải cảm ơn. Việc bị cáo Hạnh đưa 50.000 USD như một món quà vào dịp lễ, tết. Nếu vì tiền để được cấp phép thì con số đó phải lớn hơn rất nhiều” - luật sư khẳng định.
Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư cho biết gia đình bị cáo Hải đã khắc phục toàn bộ hậu quả và tự nguyện nộp thêm 100 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, bị cáo tích cực hợp tác và trước đó có nhiều thành tích suất sắc trong công tác, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen… Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Bên cạnh đó, luật sư cho biết thêm, bị cáo Hải có hoàn cảnh gia đình đặc biệt với vợ và chị gái mắc ung thư, anh trai bị bệnh tâm thần không ai chăm sóc. Bị cáo Hải cũng mắc nhiều bệnh. Đồng thời, gia đình bị cáo có công với cách mạng, chú ruột là liệt sỹ, bà nội là mẹ Việt Nam anh hùng… Bị cáo cũng được nhiều cơ quan, đơn vị có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Từ các quan điểm bào chữa trên, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Hải được hưởng mức án thấp hơn khung hình phạt, dưới mức đề nghị của VKS.
Tự bào chữa, bị cáo Hải đồng ý với quan điểm của luật sư. Bị cáo này cho biết khi làm việc với cơ quan chức năng và tại phiên tòa đều hoàn toàn nhất trí với tội danh “Nhận hối lộ” mà VKS truy tố. Bị cáo mong HĐXX và VKS cho mức án khoan hồng.
Cuốn sách "Giám hộ trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại" làm rõ cơ sở lý luận và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giám hộ ở Việt Nam.