Vừa làm việc vừa nghe nhạc có tốt hay không? Ảnh: WTOP. |
Hình ảnh các bạn trẻ đeo tai nghe để nghe nhạc trong mọi hoạt động - khi đi đường, lúc vui chơi hay cả khi làm việc - quen thuộc đến nỗi ta có thể gặp ở khắp mọi nơi.
Tranh cãi về thói quen vừa làm việc vừa nghe nhạc
Giới trẻ đương đại dù đang đi lại, học tập hay làm việc đều thích nghe một loại âm nhạc nào đó. Nhiều người nói rằng âm nhạc khiến công việc trở nên thú vị hơn. Thậm chí một số người đã quen với việc đeo tai nghe khi làm việc nói rằng, đây là cách giúp họ tập trung hơn, việc vừa làm việc vừa nghe nhạc không làm họ phân tâm, cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ.
Theo những bạn trẻ này, âm nhạc giúp cho công việc đáng cáu kỉnh trở nên thú vị nhất có thể. Công việc hằng ngày rất nhàm chán và một chút âm nhạc sẽ giúp cho mọi thứ trở nên thoải mái hơn.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho biết nếu vừa nghe nhạc vừa làm việc, họ sẽ không thể tập trung tối đa vào nhiệm vụ đang làm, tâm trí đôi khi bị cuốn vào giai điệu quyến rũ và hậu quả là năng suất giảm, thậm chí sự nhầm lẫn, sai sót có thể xảy ra.
Vì vậy, thói quen vừa nghe nhạc vừa làm việc có tốt hay không là điều vẫn luôn gây tranh cãi.
Vừa làm việc vừa nghe nhạc có tốt?
Một báo cáo khảo sát, tổng hợp các nghiên cứu về ảnh hưởng của âm nhạc mà Sohu đăng tải nêu ra 6 kết luận. Thứ nhất, âm nhạc thực sự có thể cải thiện tâm trạng. Khi nghe bản nhạc yêu thích, lượng dopamine được giải phóng trong não có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng.
Cụ thể, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Trend in Cognitive Sciences năm 2013 nêu kết quả thí nghiệm cho thấy, âm nhạc có tác dụng tương tự thuốc chống lo âu ở những bệnh nhân sắp phẫu thuật. Nói cách khác, âm nhạc có thể điều chỉnh tâm trạng và tâm trạng vui vẻ có thể cải thiện khả năng tập trung của chúng ta.
Câu trả lời cho câu hỏi "Vừa làm việc vừa nghe nhạc có tốt hay không" phụ thuộc vào các yếu tố: Loại công việc, loại âm nhạc, mức độ phức tạp và cấp bách của công việc... Ảnh: Ladders. |
Thứ hai, không phải loại nhạc nào cũng tốt cho công việc. Theo kết quả một cuộc khảo sát quy mô nhỏ năm 2012, các bài hát được phát ở nơi làm việc có thể làm giảm sự tập trung chú ý của mọi người, trong khi nhạc không lời không gây ra vấn đề này.
Một bài báo khác trên tạp chí Âm học ứng dụng khẳng định thêm rằng, lời bài hát càng rõ ràng thì sự can thiệp của nó vào hiệu suất làm việc của chúng ta càng lớn.
Thứ ba, âm nhạc rất tốt cho hoạt động thể chất, các loại công việc thể chất. Giáo sư Costas Karageorghis, nhà tâm lý học tại Đại học Brunel London, chuyên nghiên cứu tác động của âm nhạc đến các chức năng của con người, cho biết: “Khi tập thể dục, việc nghe nhạc có nhịp điệu và giai điệu tươi sáng có thể làm giảm mệt mỏi và tăng cường độ tập luyện”.
Thứ tư, âm nhạc có thể khiến những công việc lặp đi lặp lại trở nên thú vị hơn. Daniel Levitin, nhà thần kinh học, nhà tâm lý học nhận thức người Canada, khẳng định: “Âm nhạc có thể làm cho những công việc lặp đi lặp lại bớt nhàm chán hơn. Khi lặp đi lặp lại một việc, chúng ta có xu hướng mất kiên nhẫn do phải làm việc với cảm xúc khó chịu, lúc này âm nhạc có thể xoa dịu phần nào”.
Thứ năm, khi làm việc, nghe những bản nhạc quen thuộc sẽ hiệu quả hơn các bản nhạc mới lạ. Một nghiên cứu tâm lý học cho thấy khi chúng ta nghe giai điệu quen thuộc, các vùng não tạo ra cảm xúc và sự chú ý mạnh mẽ sẽ hoạt động tích cực hơn. Khi nghe bản nhạc lạ, sự chú ý của chúng ta sẽ bị phân tán vì phải làm quen với âm thanh mới.
Thứ sáu, nghe nhạc trong giờ giải lao cũng có tác dụng. Một nghiên cứu ở lứa tuổi thanh thiếu niên cho thấy rằng việc nghe nhạc trong giờ giải lao giúp cải thiện kết quả học tập và khả năng tập trung trong thời gian dài.
Vậy vừa làm việc vừa nghe nhạc có tốt hay không? Các nhà khoa học cho biết, điều này phụ thuộc vào 4 yếu tố: Tỷ lệ lời bài hát, mức độ quen thuộc của bản nhạc, mức độ lặp lại của nội dung công việc và công việc này thuộc lĩnh vực thể chất hay tinh thần? Việc chọn bản nhạc phù hợp để nghe khi làm việc cũng cần dựa vào các yếu tố này.
Với những loại công việc buồn tẻ, nhàm chán, lặp lại như làm biểu mẫu, người làm cần thực hiện các bước thông thường nên không cần tập trung toàn bộ sự chú ý, việc mở một vài bản nhạc thư giãn có thể khiến cơ thể và tinh thần thoải mái hơn, hiệu quả công việc có thể cao hơn.
Nếu công việc không đặc biệt phức tạp, bạn có thể chọn nghe một số bản nhạc êm dịu, điều này cũng có thể khiến công việc của bạn trở nên thú vị hơn.
Tuy nhiên, với các công việc phức tạp và mang tính cấp bách, ví dụ như xử lý một báo cáo quan trọng cần tìm nhiều thông tin, thực hiện phân tích cẩn thận..., bạn nên tắt nhạc và chỉ tập trung vào công việc.
Nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa năng suất và âm nhạc đã chỉ ra rằng, việc nghe nhạc thường gây giảm năng suất khi người ta làm các công việc phức tạp cần sự tập trung cao độ. Bởi vì các công việc khó khăn thường đòi hỏi nhiều nguồn lực tập trung để hoàn thành. Lúc này, nếu nghe nhạc, bạn phai làm hai việc cùng lúc và hiệu quả đương nhiên sẽ bị giảm sút.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.