Em là Quang Nam, học sinh ở Hà Nội. Đọc sách Lịch sử, em thấy thông tin vua Mạc Đăng Dung có cây đao nặng tới 30 kg. Cây đao này được vua sử dụng khi đánh trận hay chỉ là vũ khí tượng trưng?
Theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Mạc Đăng Dung (1483-1541) lập triều đại nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Sách sử có ghi thanh long đao của ông dài 2,55 m, nặng 25,6 kg, sau khi đã gõ hết han gỉ. Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, nếu chưa han gỉ, nó có thể nặng đến 30 kg. Lưỡi đao dài 0,95 m, cán dài 1,6 m, được làm bằng sắt rỗng. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán thay thế cho khâu đao. Phần hình đầu rồng có cá chốt chặt lưỡi vào cán đao. Khi Mạc Thái tổ băng hà, thanh long đao được đem về thờ tại quê hương ông ở lăng miếu làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).
Sau này, trải qua nhiều biến cố, được giao mang thanh long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, Nam Định) và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc. Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, quá trình đào hồ bán nguyệt đã tìm thấy thanh long đao dưới lòng đất. Cuối năm 2010, chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh cùng con cháu dòng tộc đã nghinh rước thanh long đao về thờ tại Thái miếu, khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Những tư liệu lịch sử trên khẳng định Mạc Đăng Dung có cây đao này. Tuy nhiên, nó được ông dùng khi đánh trận hay chỉ rèn làm biểu tượng cho sức mạnh thì đến nay vẫn là điều bí ẩn. Có ý kiến cho rằng cây đao chỉ mang tính chất tượng trưng cho quyền lực vì với sức vóc của người Việt rất khó sử dụng vũ khí này trên chiến trường.
Mời bạn đọc tư vấn thêm cho Quang Nam. Bạn đọc có câu hỏi cần tư vấn gửi về tòa soạn theo địa chỉ email giaoduc@zing.vn.