Đại dịch bùng phát và kéo dài, nhiều chủ tiệm cà phê, quán ăn tại TP.HCM gặp khó khăn khi xoay xở đủ loại chi phí. Một số địa chỉ kinh doanh ăn uống buộc phải đóng cửa, nghỉ bán.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp F&B điêu đứng. Từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các chuỗi doanh nghiệp lớn đều chịu sức ép nặng nề khi chỉ có thể hoạt động cầm chừng, phục vụ đối tượng khách mua mang về hoặc đặt hàng online.
Trả mặt bằng sau một tháng đi vào hoạt động
Rê Coffee, quận Phú Nhuận
Mận Trần ấp ủ ý tưởng mở một quán cà phê nhỏ, kết hợp không gian dạy vẽ tranh và bán đồ decor từ khi còn là sinh viên. Đến tháng 4 năm nay, Mận mới tìm được mặt bằng ưng ý, bắt tay sửa chữa và sắm đồ đạc chỉn chu. Đến giữa tháng 5, chị khai trương quán cà phê trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) và lên kế hoạch hoàn thiện, trang trí không gian bên trong để bày đồ decor.
Khi hàng quán ở TP.HCM không được phép bán mang về, chị đành tạm nghỉ bán. "Tôi chủ yếu tập trung vào trải nghiệm của khách tại quán với không gian, âm nhạc, chỗ ngồi thoải mái chứ chưa có kế hoạch bán online", chị nói.
Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài nhiều tháng và không tìm được tiếng nói chung với chủ cho thuê, chị quyết định bỏ cọc, tìm mặt bằng mới. "Tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định do tiền cọc không phải là con số nhỏ".
Không dừng lại ở đó, khi đã chắc chắn về quyết định chuyển quán, thành phố ban hành Chỉ thị 16. Từ đó đến nay đã hơn 3 tháng, quán xá vẫn chưa thể mở bán cho khách đến ăn uống trực tiếp, kế hoạch kinh doanh của chị Mận cũng đành gác lại.
"Bây giờ đồ đạc của tôi đang gửi lại ở địa chỉ cũ. Tôi buồn khi phải đóng cửa quán, mất đủ thứ tiền nhà, tiền cọc nhưng hơn hết là bao nhiêu tâm huyết chưa thực hiện tới nơi tới chốn mà vì dịch bệnh phải dừng lại".
Chị Mận chia sẻ ý định mở một tiệm decor mới trong năm sau vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Đóng cửa quán sữa tươi 20 năm tuổi
Sữa tươi Mười, quận 1
Nằm trên con đường Phùng Khắc Khoan rợp mát bóng cây xanh, quán sữa tươi Mười từ lâu nổi tiếng với món đồ uống thơm ngon, giá rẻ. Trước dịch, nơi đây được nhiều bạn trẻ tìm đến để nhâm nhi chiếc bánh ngọt, trò chuyện cùng nhau, ngắm dòng người qua lại.
Mới đây, thông tin quán nhỏ đóng cửa vĩnh viễn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhiều người chia sẻ hình ảnh kỷ niệm, bày tỏ tiếc nuối.
Quán sữa tươi được mở bởi chị Lan và chị Dương hơn 20 năm để phục vụ bữa sáng nhẹ nhàng cho người Sài thành trước khi đi học, đi làm.
Chia sẻ với Zing về quyết định nghỉ bán, chị Dương cho biết: "Nguồn sữa tươi mỗi ngày tôi đều lấy từ trang trại bò sữa của người quen. Mùa dịch kéo dài quá, gia đình họ phải thu nhỏ quy mô nên không có thành phẩm cung cấp cho tiệm nữa". Chị đã dọn dẹp đồ đạc ở quán và trả mặt bằng từ ngày 5/10.
Chị Dương bày tỏ: "Tôi cũng buồn khi phải dừng công việc đã gắn bó mấy chục năm". Tuy nhiên, chị cũng nói mình vui vì nơi đây được thực khách yêu thương, thường xuyên ghé ủng hộ.
Trước mùa dịch, thực khách phải đợi 10-15 phút mới có chỗ ngồi uống sữa tươi. Ảnh: Thảo Ly. |
Diễm Kiều, khách quen của quán, chia sẻ: "Sau giãn cách xã hội, thèm sữa tươi nên tôi tìm số điện thoại, gọi hỏi cô chủ khi nào mở cửa. Tuy nhiên, tôi khá sốc khi biết thông tin cô đã đóng cửa nghỉ bán".
Suốt 3 năm sống và học tập tại TP.HCM, Diễm Kiều thường xuyên ghé quán uống sữa tươi, ăn sáng trước khi bắt đầu ngày mới. Đối với cô gái trẻ, quán nhỏ trên đường Phùng Khắc Khoan gắn với nhiều người bạn và những kỷ niệm. Kiều vẫn nuôi hy vọng quán sẽ mở cửa trở lại do bảng hiệu vẫn còn y nguyên.
Thanh lý nội thất, thuê mặt bằng rẻ hơn
Royaltea Vietnam by Hong Kong, quận Tân Phú
Năm 2018, Tuấn Nguyễn khai trương 2 quán ở quận Tân Phú để kinh doanh đồ uống. Suốt 4 năm hoạt động, anh cho biết chưa bao giờ trải qua giai đoạn nào khó khăn kéo dài như vậy. Cũng giống nhiều người làm chủ khác, đại dịch làm đảo lộn mọi kế hoạch của anh.
Trước đây, lượng khách ghé cửa hàng khá ổn định, mỗi ca phải có 6 nhân viên mới đủ quán xuyến công việc pha chế, phục vụ. Đến nay, quán chuyển sang bán đồ uống trên các ứng dụng trực tuyến. Số lượng nhân viên cũng chỉ còn lại 3 người.
Nguồn thu giảm đáng kể nhưng vẫn phải trả nhiều chi phí duy trì quán, anh Tuấn quyết định đổi địa điểm và hình thức kinh doanh vào đầu tháng 10. "Hai cửa hàng của tôi đều ở mặt tiền, giá thuê mỗi tháng khoảng 30-40 triệu đồng. Dù được một chủ nhà miễn phí tiền thuê mùa dịch, tôi vẫn không gồng gánh nổi. Thay vì trì trệ thêm, tôi chọn cách dọn đến không gian nhỏ hơn để giảm chi phí".
Anh Tuấn định hướng phục vụ khách hàng qua các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Ảnh: Royaltea Vietnam by Hong Kong Tân Phú. |
Anh cũng cho biết mình dự định nhắm vào nhu cầu mua mang về, gọi món online theo xu hướng mới. "Sau mùa dịch, tâm lý khách hàng vẫn còn e dè, quán xá chưa thể kinh doanh ổn định ngay được. Theo tôi, nhiều người sẽ muốn mua online hơn nên tập trung điều chỉnh thực đơn, giá cả hợp lý là điều quan trọng".
Thời gian này, anh Tuấn vừa đăng bài thanh lý nội thất bên trong quán vừa sửa sang, trang trí cho không gian mới khai trương đầu tháng 11.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh
The Coffee House
Chia sẻ với Zing, ông Lê Bá Nam Anh, CEO The Coffee House, cho biết chi nhánh trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) trả mặt bằng, dừng hoạt động nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp tình hình dịch, đáp ứng nhu cầu mới của người dùng.
Theo ông Nam Anh, quán signature là phiên bản chắt lọc những giá trị đặc trưng của chuỗi cà phê. Quán chú trọng không gian thưởng thức món và chủ yếu phục vụ cà phê đặc sản (specialty coffee). Vì thế, thực đơn và giá tại quán signature này có khác biệt so với các cửa hàng còn lại trong hệ thống.
Đại diện chuỗi cà phê cho biết khách hàng thường xuyên hỏi thông tin về thực đơn, cách thức giao hàng, cho thấy mua bán online sẽ tăng trưởng mạnh sau mùa dịch. "Việc đóng cửa cơ sở nằm trong lộ trình phát triển của chuỗi, là động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch. Chúng tôi cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới", ông Nam Anh khẳng định.
Theo đó, chuỗi cà phê này dự kiến trong tháng 10 sẽ tích hợp bán cà phê với hoạt động mua mang về, tập trung các khu dân cư, văn phòng, nơi mua sắm.
Quán signature là phiên bản chắt lọc những giá trị đặc trưng của chuỗi cà phê. Ảnh: Dương Minh Trực. |
Với khách hàng yêu thích phong cách cà phê và không gian quán, thông tin chi nhánh signature đóng cửa khiến họ tiếc nuối và hụt hẫng. Minh Trực, nhân viên IT, nói với Zing: "Nghe tin quán quen đóng cửa, tôi cảm thấy khá buồn. Giá đồ uống ở đây cao, bù lại không gian rộng rãi, thoáng, yên tĩnh, phù hợp để ngồi làm việc, tìm ý tưởng".
Từ khi biết đến địa chỉ này, mỗi tuần Minh Trực ghé quán 2-3 lần, thường là sau giờ làm hoặc thứ 7, chủ nhật. Anh cho biết rất khó để tìm được một không gian như vậy giữa lòng thành phố nhộn nhịp.
Đóng cửa chi nhánh vì phí thuê mặt bằng quá cao
Dolphy Cafe - đường Thảo Điền, TP Thủ Đức
Dolphy là chuỗi cà phê đi vào hoạt động khoảng 8 năm, với 4 chi nhánh ở TP Thủ Đức. Chuỗi cà phê thu hút thực khách nhờ hương vị đồ uống ngon, đậm vị, giá cả ở mức 30.000-65.000 đồng. Tuy nhiên, đầu tháng 10, trong một thông báo mở bán lại, quán bất ngờ chia sẻ thông tin đóng cửa một chi nhánh trên đường Thảo Điền.
Huyền Trang, quản lý Dolphy Cafe, nói với Zing quyết định đóng cửa quán trên đường Thảo Điền đã được cân nhắc kỹ lưỡng: "Đây là chi nhánh đầu tiên, nhiều kỷ niệm và cũng khá đông khách trước mùa dịch nhưng chi phí thuê mặt bằng cao. Khi đánh giá lại hiệu quả, doanh nghiệp quyết định thu gọn bộ máy và tối ưu chi phí để phù hợp với tình hình hiện tại".
Theo chị Trang, các chi nhánh quận 2 tập trung đông lượng khách nước ngoài. Tuy nhiên, mùa dịch, thực khách còn phải lo chi tiêu cho các kế hoạch quan trọng, người nước ngoài về nước nhiều nên doanh thu giảm đáng kể.
Thành phố nới lỏng giãn cách, khách hàng cũng quay trở lại mua cà phê tại tiệm nhưng chưa thể phục hồi ngay được. Khách hàng có xu hướng chuyển đổi sang dùng cà phê bột, các sản phẩm dễ pha chế tại nhà nên quán cũng tập trung phát triển loại hình sản phẩm này. "Ngoài ra, việc đem sản phẩm bán trên các app giao hàng, sàn thương mại điện tử cũng là điều quan trọng", đại diện quán nói.