Câu 1: Vua nào được sử sách đánh giá “đánh đâu thắng đấy”?
Lê Hoàn (Lê Đại Hành) là vị vua lập nhà Tiền Lê. Ông nổi tiếng giỏi võ, cầm quân ra trận. Sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết: "Vua đánh đâu thắng đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy". |
Câu 2: Ai nhận định vua Đinh Tiên Hoàng “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”?
Đó là nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu thời Trần về vua Đinh Tiên Hoàng: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...". |
Câu 3: Ai được Phan Bội Châu đánh giá “vua Tổ Phục hưng dân tộc”?
Ngô Quyền là vị vua tài giỏi, có công diệt trừ phản loạn (Kiều Công Tiễn), tiêu diệt ngoại xâm (đánh tan quân Nam Hán). Các nhà sử học đều ca ngợi ông là vị vua dũng lược. Nhà cách mạng Phan Bội Châu từng tôn vinh ông là "vua Tổ Phục hưng dân tộc”, vì có công giành lại độc lập cho nước nhà sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. |
Câu 4: Vua nào được sứ thần Trung Quốc làm thơ ca ngợi?
Khi đi sứ nước ta, tận mắt chứng kiến đất nước Đại Cồ Việt hùng cường, dưới thời vua Lê Hoàn, sứ thần Lý Giác của nhà Tống đã ca ngợi vua là bậc tài giỏi, không khác gì vua Tống. |
Câu 5: Vua nào bị chê cười vì “ăn chơi vô độ”?
Trần Dụ Tông là vua thứ 7 của nhà Trần, trị vì từ năm 1341-1369. Khi ở ngôi, Trần Dụ Tông nổi tiếng ăn chơi vô độ, đất nước suy yếu. Về sau, ông bị các sử gia phê phán gay gắt. Ngô Sĩ Liên chép rằng: "Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó". |
Câu 6. Vua nào bị sử sách chế giễu “cõng rắn cắn gà nhà”?
Lê Chiêu Thống (1765-1793) bị sử sách chế giễu “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi dày mả tổ”. Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu cứu, dẫn đường cho quân Thanh xâm lược nước ta. Cuối cùng, đội quân này bị Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh cho tan tác. Lê Chiêu Thống phải trốn chạy sang Trung Quốc, bị vua Thanh ngược đãi, cuối cùng chết nơi xứ người. |
Câu 7. Vua nào được xem là “sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược”?
Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê được sử sách đánh giá là vị vua vĩ đại nhất của chế độ phong kiến Việt Nam, bởi tài kinh bang tế thế. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" đánh giá rằng: "Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được...". |
Câu 8. Vua nào lên ngôi khi hơn 1 tuổi, được đánh giá "thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ"?
Vua Lê Nhân Tông của nhà Hậu Lê lên ngôi khi mới chỉ hơn 1 tuổi, nhờ mẹ nhiếp chính. Lớn lên, vua được khen anh minh, biết dụng người tài. Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng: "Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ...". |