Sản phụ được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BVCC. |
Ca cấp cứu sản phụ C.T.B. (38 tuổi, Hà Nội) là lời cảnh báo cho các mẹ bầu về nguy cơ tiềm ẩn của chảy máu sau sinh.
Sau khi sinh thường một em bé nặng 3,6 kg tại cơ sở tuyến dưới, sản phụ B. bị đờ tử cung, chảy máu âm đạo liên tục. Sử dụng các biện pháp cấp cứu chảy máu sau sinh không kết quả, các bác sĩ tại cơ sở tuyến dưới đã chuyển cấp cứu bệnh nhân tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, lơ mơ, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám kiểm tra và chẩn đoán chị B. bị băng huyết sau sinh, sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng - toan chuyển hóa.
Sản phụ nhanh chóng được hồi sức và tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Cuộc mổ được thực hiện bởi thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Duy Toàn, Phó khoa Dịch vụ D5 và ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức diễn ra trong một giờ với nhiều khó khăn do bệnh nhân trong tình trạng thiếu máu nặng và rối loạn đông máu.
Tử cung của bệnh nhân không co hồi được nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định cắt tử cung bán phần. Nhờ sự nỗ lực của kíp mổ, ca phẫu thuật thành công, sản phụ qua được cơn nguy kịch. Tổng lượng máu và các chế phẩm máu truyền trong cuộc mổ lên tới gần 7 lít. Hiện tại, sức khỏe của sản phụ ổn định.
Chảy máu sau sinh là biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng của người mẹ nếu không được xử trí kịp thời. Chảy máu sau sinh có thể xảy ra ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ, hay không có bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo trước đó.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.