"Công việc làm vườn khiến gia đình tôi bận rộn hơn. Tuy nhiên, mỗi ngày đứng ngoài ban công, được ngắm nhìn từng cây con lớn dần, đếm ngày để thu hoạch, tôi thấy vui nhiều hơn", chị Tuyết Vân (36 tuổi), sinh sống tại Đức, nói.
Chia sẻ với Zing, chị cho biết 2 năm nay, công việc của vợ chồng chị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc làm vườn đã giúp anh chị giảm stress trong chuỗi ngày dài phải ở nhà.
Chị Tuyết Vân coi việc làm vườn là niềm vui mỗi ngày. |
Khó khăn khi trồng rau Việt ở trời Âu
Định cư tại Đức từ năm 2016, tuy nhiên chị Tuyết Vân chủ yếu ăn đồ Việt. Nhà ở xa chợ, giá rau Việt tại Đức lại đắt đỏ, chị quyết định cải tạo 3 ban công của gia đình để trồng các loại rau của xứ nhiệt đới.
"Tại Đức, nếu muốn mua các loại rau củ quả của châu Á, tôi phải đi cách nhà 50 km. Giá các loại rau gia vị chủ yếu khoảng 80.000-100.000 đồng/100 g tùy từng thời điểm", chị Vân kể.
Thấy rõ sự bất tiện, chị tranh thủ thời gian mùa hè (tháng 6-9) để trồng đủ các loại rau trái của Việt Nam và trữ đông để ăn quanh năm.
Thời gian mùa hè ngắn, chị Vân phải gieo hạt trong nhà từ tháng 2 và đặt bên lò sưởi để cây được phát triển tốt nhất trước khi đem ra ngoài.
"Đến khoảng tháng 5, sáng tôi đem cây ra ngoài, tối lại mang vào trong nhà để cây kịp thích nghi với môi trường mới. Kể cả khi cây đã phát triển tốt, vợ chồng tôi vẫn phải theo dõi thời tiết thường xuyên. Có khi nửa đêm 2 vợ chồng cũng phải dậy để mang cây vào nhà do mưa đá quá lớn", chị Vân chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt khiến việc trồng một số loại rau gặp khó khăn. |
Tự nhận mình là người không có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chị Vân cho biết thời gian đầu trồng cây nào chết cây đó.
Rút ra bài học từ thất bại, chị Vân nhận thấy việc làm đất rất quan trọng. Khi chuẩn bị cho vụ rau mới, chị thường phải làm lại đất cũ để gieo một số loại cây dễ trồng và mua bổ sung đất mới thường xuyên cho các loại cây "khó tính". Với từng giai đoạn phát triển của cây, chị luôn theo dõi và bổ sung dưỡng chất phù hợp.
"Làm vườn vất vả chủ yếu giai đoạn đầu mùa xuân. Khi cây đã cứng cáp và phát triển tốt, tôi chỉ việc nhổ cỏ và tưới nước. Việc trồng rau tại ban công giúp tôi không phải vất vả nhiều trong việc diệt sâu bệnh", chị nói.
Hiện 3 ban công nhà chị Vân có khoảng 20 loại rau củ quả của Việt Nam. Khu vườn nhỏ đủ để gia đình không phải mua thêm rau củ trong những tháng mùa hè. "Tôi cũng trữ đông một số loại như bầu, hành, ớt, cần tây... để có thể ăn thêm trong những tháng mùa đông", chị Vân kể. Đôi khi không dùng hết, gia đình chị thường đem tặng người thân.
Nấu món Việt để lưu giữ hương vị quê hương nơi đất khách
Với khả năng nấu nướng của mình, chị Vân từng có kế hoạch mở một cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam tại Đức. Tuy nhiên, do vấn đề sức khỏe chị phải gác lại ước mơ của bản thân. Thay vào đó chị trổ tài nấu những món ăn truyền thống của quê hương để chiêu đãi bạn bè người nước ngoài.
Chia sẻ với Zing, chị Vân cho biết mỗi bữa cơm của gia đình đều có món ăn Việt Nam đan xen. Ngoài cơm canh hàng ngày, chị cũng thường xuyên nấu các món ăn cầu kỳ, tốn nhiều thời gian như nem chua, chả lụa, lạp xưởng, bún bò, phở... Những món ăn đều được chị bày biện đẹp mắt và hấp dẫn.
Đối với chị Vân, việc được nấu những món ăn truyền thống của Việt Nam chiêu đãi bạn bè và người thân là niềm vui. |
Chị Vân cho biết nhờ có khu vườn với đủ các loại rau gia vị Việt nên công việc nấu nướng của chị trở nên đơn giản hơn khi không phải đi xa để mua đủ nguyên liệu. "Nếu muốn ăn phở, tôi chỉ cần ngâm giá đỗ từ trước, chuẩn bị nước dùng, bánh phở. Đến bữa, tôi ra ban công hái rau là có đủ húng quế, hành lá, ngò gai để thưởng thức cùng tô phở chuẩn vị quê nhà", chị kể.
Chia sẻ với Zing, chị Tuyết Vân cho biết 2 năm chưa được về thăm gia đình, chị luôn coi việc nấu nướng và thưởng thức những món ăn truyền thống hay chăm sóc vườn rau Việt nơi trời Âu là cách để quên đi cảm giác nhớ nhà.