Vườn thú này nằm trong Công viên Rừng Núi Phượng Hoàng ở thành phố Ân Thi, trung tâm tỉnh Hồ Bắc. Nơi đây được mệnh danh là “vườn thú cô quạnh nhất thế giới” bởi rất ít người ghé thăm. Nhiều con vật sống tại đây cũng không khỏe mạnh, The Paper đưa tin.
Ông Luo Yingjiu (81 tuổi) bắt đầu nuôi động vật tại nhà từ những năm 1980. Sau khi chứng kiến những con vật hoang dã cụt chân bị nhốt trong lồng để bán ở chợ thực phẩm, ông động lòng thương cảm. Ông quyết định mua chúng về, tận tình chữa trị.
Ngoài giữ lại những con không còn khả năng sống độc lập, ông Luo trả về tự nhiên những con đã khỏe mạnh, lành lặn về tự nhiên.
Ông Luo giải cứu động vật và nuôi dưỡng chúng suốt 30 năm qua. |
Nhà ông Luo có nhiều động vật đến nỗi chính quyền địa phương đề nghị ông mở một vườn thú và chu cấp tài chính duy trì hoạt động. Ở giai đoạn “vàng”, vườn thú này có những động vật lớn, bao gồm một con hổ bị cắt đuôi và một con sư tử với bộ lông quý hiếm.
Thế nhưng, công việc kinh doanh trở nên sa sút vì du khách không muốn quan tâm đến những con vật “già, yếu, mắc bệnh và tàn tật”. Giá vé chỉ vỏn vẹn 10 NDT (1,6 USD) nhưng ông Luo cho biết hầu như không bán được.
Nhiều người khuyên ông Luo đóng cửa vườn thú. Thế nhưng, người đàn ông ở độ tuổi bát tuần từ chối và sử dụng khoản tiền trợ cấp khoảng 3.000 NDT/tháng (475 USD) để tiếp tục vận hành cơ sở này.
“Đây không chỉ là một sở thú, mà còn cung cấp môi trường sống cho các con vật. Nếu vườn thú đóng cửa, chúng sẽ đi đâu? Chúng chẳng thể sinh tồn ở nơi hoang dã”, ông nói.
Liên tục giải cứu
17 năm trước, ông đã cứu một con gấu đen bị thương ở chân. Khi nghe tin một nhà hàng mua gấu để nấu ăn, ông đến nơi và nói với chủ quán rằng hành vi đó vi phạm pháp luật Trung Quốc bởi gấu đen được xếp vào loài động vật được bảo vệ ở nước này.
Ông liền trả 3.000 NDT để mua lại con vật này, đặt tên là Guai Guai và chăm sóc nó. Suốt tháng tiếp theo, ông không có tiền để mua nhu yếu phẩm cho bản thân. Ông cũng thường mua bánh ngọt cho Guai Guai vì đó là món khoái khẩu của con vật.
Chú gấu Guai Guai được ông Lou cứu từ 17 năm trước. |
Con chó tên Dianzi ở vườn thú cũng được giải cứu bởi ông Luo. Người chủ cũ của Dianzi định ăn thịt nó.
Chia sẻ với The Paper, ông Luo cho biết tuy còn nhỏ, chú chó có trí nhớ tốt. Dianzi nhớ được trải nghiệm suýt bị giết chết nên không muốn gặp lại chủ cũ. Mặt khác, nó rất trung thành với ông Luo.
“Nó thường đến kiểm tra 2-3 lần mỗi đêm để xem liệu tôi chẳng may qua đời trong giấc ngủ hay không”, ông kể.
Một con khỉ mù cũng được nuôi ở sở thú suốt 30 năm qua. Nó mất thị giác do ánh đèn flash quá mức từ máy ảnh của các du khách.
“Con vật gặp khó trong việc ăn uống vì không thể nhìn thấy gì. Tôi cần phải bỏ thực phẩm vào tay nó hoặc bảo nó hãy ăn đi”, ông nói.
Ở tuổi 81, ông Luo vẫn miệt mài chăm lo cho các con vật trong sở thú của mình. |
Đối với những loài động vật đã qua đời, ông Luo chôn chúng trên ngọn núi gần đó. Ông cho biết mình nhớ tên từng con vật.
“Động vật và con người sinh ra đều bình đẳng. Chúng ta nên tôn trọng quyền sinh tồn của động vật và lòng tốt của chúng đối với thế giới này. Chúng ta nên kính trọng chúng”, ông nói.
Tháng 1, ông Luo mở một tài khoản trên nền tảng chia sẻ video Bilibili với sự giúp đỡ của cháu gái. Hiện ông thu hút được 126.000 người theo dõi.
“Tôi là người gốc Ân Thi và hiện làm việc ở thành phố khác. Tôi từng đến thăm sở thú đó khi còn nhỏ. Tôi đã nghĩ rằng vườn thú này đang lừa tiền du khách bằng cách trưng bày những con vật bị thương. Tôi không biết rằng đằng sau đó là cả một câu chuyện cảm động như vậy”, một người để lại bình luận.
“Lần tới về quê, tôi sẽ tới thăm sở thú. Tôi chúc ông lão nhiều sức khỏe và mong tình hình hiện tại được cải thiện”, người này nói thêm.