Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Để hết bỡ ngỡ khi về lại văn phòng trong 'bình thường mới'

Covid-19 thay đổi thói quen làm việc của hầu hết chúng ta. Với cuộc sống bình thường mới, cả nhà quản lý lẫn nhân viên đều cần học cách thích nghi.

work life balance hau Covid-19 anh 1

_______

work life balance hau Covid-19 anh 2
  • Giảng viên Tâm lý học Tổ chức, Đại học Griffith, Australia.
  • Nghiên cứu về quản lý ranh giới giữa công việc và cuộc sống; phương pháp làm việc từ xa hiệu quả; những loại stress liên quan đến nghề nghiệp, công nghệ.

Chia sẻ với Zing, Tiến sĩ Carys Chan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp, chia sẻ và điều chỉnh linh hoạt giữa những người cùng làm việc với nhau.

Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách và cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, chắc chắn sẽ có một số thay đổi nhất định trong văn hóa làm việc nơi văn phòng. Lý do lớn nhất là khi ở nhà và tiết kiệm thời gian di chuyển hàng ngày, cách chúng ta sắp xếp công việc đã không còn như trước.

Kinh nghiệm từ một số quốc gia đi trước cho thấy hậu giãn cách, không ít nhân viên từ chối trở lại văn phòng vì họ không muốn mất đi những lợi thế của work from home, như tự do chọn thời điểm chợp mắt, ăn uống, tắm rửa,...

Thực tế, nhiều khảo sát nước ngoài đã chỉ ra rằng một số lượng đáng kể nhân viên mong muốn được tiếp tục làm tại nhà, hoặc kết hợp làm việc vài ngày ở văn phòng, vài ngày ở nhà.

Tuy vậy, vẫn có những người mong muốn sớm quay về môi trường làm việc chuyên nghiệp. Và cả hai trường hợp trên đều hoàn toàn bình thường.

Với nhóm ngại đi làm fulltime, nguyên nhân có thể đến từ việc họ lo lắng về vấn đề đi lại, thuyết trình hay chính trị văn phòng - những thứ vốn không tồn tại khi ở nhà. Sợ nhiễm Covid-19 cũng là một lý do phổ biến, vì dịch vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Với nhóm sau, có lẽ họ muốn ngồi ở nơi có đầy đủ thiết bị, công cụ giúp tập trung và đạt hiệu suất cao hơn. Bên cạnh đó, họ cũng muốn tìm lại sự tương tác với người khác sau thời gian trao đổi, họp hành online.

Để quá trình chuyển tiếp qua "bình thường mới" dễ dàng hơn, sau đây là việc nhà quản lý và người đi làm có thể thực hiện cùng nhau.

work life balance hau Covid-19 anh 3


Trao đổi thẳng thắn

Lý tưởng nhất là nhân viên nên thảo luận với đồng nghiệp về kế hoạch quay lại văn phòng hậu Covid-19. Nhiều người có cùng mối quan tâm có thể giúp nhau chọn giải pháp để vượt qua nỗi sợ và sự do dự.

Nếu gặp khó khăn hoặc thắc mắc về các quy định mới, bạn có thể trò chuyện với sếp trực tiếp của mình.

Ngược lại, các leader cũng nên chia sẻ mong muốn với nhóm làm việc và tìm điểm gặp gỡ. Hơn lúc nào hết, khoảng thời gian khởi động cần sự đồng lòng của từng thành viên.


Hiểu rằng việc thích nghi cần thời gian

Mọi thay đổi đều cần thời gian để chấp nhận và làm quen. Thay vì căng thẳng, cố gắng ép bản thân và người khác về cách sinh hoạt cũ, bạn nên thông cảm và ăn mừng những chiến thắng nhỏ với đồng nghiệp, gia đình.

Trong thời gian chuyển tiếp, "celebrate small wins" sẽ là chìa khóa giúp nhân viên và cả nhà quản lý giữ vững tinh thần, tự tạo động lực và chuẩn bị cho những dự định sắp đến.


Điều chỉnh môi trường văn phòng

Những tháng work from home đã cho nhân viên sự tự chủ gần như tuyệt đối về thời gian, không gian. Do đó, để khuyến khích họ trở lại văn phòng, nhóm lãnh đạo cần có những hành động cụ thể hơn lời nói suông.

Đáp ứng nhu cầu của nhân viên như trang bị thêm bàn làm việc đứng, cây xanh,... có thể là một khởi đầu tốt. Bằng cách giúp nhân viên dễ chịu trong chính không gian làm việc, họ sẽ sáng tạo và chủ động hơn trong công việc của mình.

Ngoài ra, cấp quản lý hay bộ phận liên quan có thể tổ chức các sự kiện họp mặt, tiệc tùng tại văn phòng để những người làm tại nhà FOMO (sợ bị bỏ lỡ) và thường xuyên đến văn phòng hơn.

Những cuộc họp cố định hàng tuần, hàng tháng cũng là ý hay. Dù vậy, hãy tiếp cận một cách nhẹ nhàng, không ép buộc bởi một số nhân viên có thể có lý do cá nhân hay sức khỏe.

work life balance hau Covid-19 anh 4


Ghi nhận ưu điểm của làm việc từ xa

Cách làm việc của đa số dân văn phòng đã khác kể từ khi có dịch Covid-19. Đồng thời, khái niệm làm việc từ xa đã trở nên phổ biến hơn xưa rất nhiều. Trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta không thể phủ nhận điều này.

Thời gian giãn cách đã cho phép nhân viên rèn luyện kỹ năng tự quản lý công việc, cân bằng cuộc sống và phục hồi thể chất, tinh thần sau giờ làm. Vì vậy, có thể không ít người sẽ sẵn sàng đổi việc để giữ sự linh hoạt này.

Để thích nghi và giữ chân những nhân viên xuất sắc, các leader có thể:

  • Liên tục cập nhật và minh bạch về kế hoạch trở lại văn phòng.
  • Lắng nghe và hỗ trợ nhân viên khi cần.
  • Tạo sự tin tưởng giữa nhân viên và leader, nhân viên và tổ chức.
  • Tạo điều kiện cho "work-life balance", nghĩa là tôn trọng các ranh giới của nhau.

Nhiều khả năng mô hình làm việc linh hoạt sẽ tiếp tục tồn tại dù tình hình dịch Covid-19 không còn căng thẳng. Như đã đề cập, văn phòng hiện đại cần có thêm không gian mở và các phòng riêng để đáp ứng đa dạng hình thức họp.

Ở khu vực trung tâm thành phố, có thể một vài nơi làm việc sẽ phải thu hẹp quy mô trước sự phát triển của mô hình hub-and-spoke (trụ sở chính và văn phòng vệ tinh).

Các "hub" (trụ sở chính) thường ở quận trung tâm và là nơi phục vụ những cuộc họp quan trọng, gặp gỡ khách hàng, tuyển dụng,... Còn những "spoke" (điểm vệ tinh) có thể nằm ở khu vực xa hơn, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc với vị trí thuận lợi, không gian thoải mái, ít trang trọng.

Nhờ work from home, nhiều nhân viên cũng đã nâng cấp không gian làm việc tại nhà. Điều này có nghĩa là họ không nhất thiết phải có mặt ở văn phòng mới có thể hoàn thành việc hiệu quả.

Thiên Hân

Minh họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm