Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp khi liên tiếp những clip học sinh đánh bạn xuất hiện trên các diễn đàn mạng.
Ngày 11/10, trường THPT Cẩm Thủy 3 ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã ra quyết định đình chỉ học một năm đối với hai nữ sinh đánh bạn bất tỉnh vì mâu thuẫn cá nhân.
Trước đó, hai nữ sinh ở Huế đánh bạn học tới tấp, nạn nhân chỉ biết đưa tay đỡ đòn, hoàn toàn không có năng lực phản kháng.
Hình ảnh các nữ sinh đánh nhau xuất hiện tràn lan trên mạng. Ảnh cắt từ clip. |
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây. Nhiều em đánh hội đồng bạn đến ngất xỉu chỉ vì mặc đồ giống nhau, “nhìn đểu”, giật người yêu, tranh chấp trên mạng...
Không ít học sinh còn "khủng bố tinh thần" bạn học bằng cách chửi rủa, sỉ nhục, lột đồ, quay clip tung lên mạng. Những hành vi bạo lực, sự bàng quan của người xung quanh cùng bình luận vô cảm từ cộng đồng mạng đã đẩy nạn nhân đến bờ vực tuyệt vọng.
Nạn nhân của bạo lực học đường thường trong độ tuổi mới lớn, có nhiều xáo trộn trong tâm lý. Các em dễ bị tổn thương, suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột.
Nhiều học sinh đã tìm đến cái chết như trường hợp nam sinh lớp 8 ở Yên Bái. Học sinh này đã tự tử sau khi clip em bị đánh, làm nhục trước đám đông lan truyền trên mạng xã hội.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, vì các vụ đánh nhau gắn mác bạo lực học đường nên người ta thường quy trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển nhân cách con người chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó văn hóa gia đình tác động trực tiếp đến hành vi của trẻ.
Thạc sĩ Duy cho rằng thay vì đổ hết lỗi lên nhà trường, phụ huynh và bản thân, học sinh phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình.
Ông cũng không ủng hộ xử phạt bằng cách đình chỉ hay buộc thôi học đối với học sinh đánh bạn, bởi nó cho thấy sự bất lực của nhà trường và giáo viên. Thay vào đó, thầy cô nên đưa ra cách xử lý phù hợp đặc điểm tâm lý của học trò.
Cô Hoàng Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định giáo viên luôn hy vọng những em trót phạm sai lầm có thêm cơ hội sửa sai. Chỉ khi không có cách nào khác, trường mới phải đình chỉ hay đuổi học các em theo đúng quy chế.
Tuy nhiên, việc kỷ luật học sinh chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn chứ chưa ngăn chặn bạo lực học đường ngay từ đầu.
Tại hội thảo xây dựng môi trường văn hóa trường học do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/10, ông Trương Đình Chiến - Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM - cho rằng một bộ phận học sinh đang có sự lệch lạc từ nhận thức đến hành vi.
Điều này xuất phát từ việc các em không chịu ảnh hưởng quy tắc ứng xử nào đó. Vì thế, các trường phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của học sinh.
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định cả nhà trường, gia đình và xã hội đều có trách nhiệm trước tình trạng bạo lực học đường.
Bà cho biết thêm việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử sẽ tạo ra môi trường văn hóa trong trường học, đưa học sinh vào nề nếp, kỷ cương, góp phần hạn chế bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT luôn coi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng và định hướng xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và an toàn để các em phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chỉ là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tình trạng bạo lực học đường.
“Quy tắc ứng xử là những quy định tối thiểu về hành vi trong nhà trường. Nó phải trở thành văn hóa mới phát huy được hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giảng viên cao cấp tại Học viện Quản lý Giáo dục – nói.