“Khi đi qua quốc lộ 91B Cần Thơ - Long Xuyên, xe của tôi bị trừ tiền trên cả ePass (VDTC) lẫn VETC dù xe chỉ dán mỗi thẻ ePass” anh Sơn Lâm, chủ của một công ty vận tải, phản ánh với Zing.
Theo anh Lâm, trong ngày 10/8 chiếc xe tải có gắn thẻ ETC ePass mang biển kiểm soát (BKS) 65C-036** đi qua trạm cao tốc quốc lộ 91B, tuyến Cần Thơ - Long Xuyên lại bị trừ tiền ở tài khoản của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) dù không dán thẻ này.
Trừ tiền gần như cùng lúc
Anh Lâm cũng khẳng định trong thời điểm anh sử dụng xe trên, 2 chiếc xe container dán VETC chỉ đi lại trong thành phố, không đi qua trạm thu phí nào.
“Xe của tôi bị trừ tiền vô lý ở tài khoản VETC dù chiếc xe này không sử dụng dịch vụ, thẻ dán ở trên xe rõ ràng là ePass nhưng tài khoản VETC cũng báo trừ tiền ”, anh Lâm, cho biết.
Trên ứng dụng của VETC và ePass, phía VETC thậm chí còn ghi nhận trừ tiền trước cả ePass. Cụ thể, ứng dụng của VETC thông báo trừ 137.000 đồng vào 10h55 ngày 10/8 trong khi ứng dụng ePass thông báo trừ 137.000 đồng vào 10h57 ngày 10/8.
Cả hai ứng dụng đều thông báo về cho anh Lâm xe bị trừ tiền khi đi qua trạm T1, km 17 Quốc lộ 91.
Xe 65C-036** của anh Lâm bị trừ tiền trong tài khoản VETC dù xe chỉ dán thẻ ePass. Ảnh: NVCC. |
Theo như chia sẻ của anh Lâm, trước đó vào năm 2018 VETC có liên hệ với công ty vận tải của anh để dán thẻ nhưng không thực hiện được.
Tới tháng 1/2021, công ty đã quyết định sử dụng dịch vụ thu phí không dừng ePass của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp và vẫn sử dụng bình thường từ đó tới nay.
Mới đây, do không thể đăng ký tài khoản ePass cho 2 chiếc xe container với BKS 65N-05** và 65N-04** nên anh Lâm đã mở lại tài khoản VETC để đăng ký 2 xe này.
Anh khẳng định đội xe chỉ có 2 chiếc xe này dùng thẻ của VETC, tất cả xe còn lại, bao gồm xe bi trừ tiền 2 lần tại quốc lộ 91B đều đang dán thẻ ePass.
Chủ doanh nghiệp này cũng lo ngại vấn đề tiếp tục tái diễn bởi đội xe của doanh nghiệp đang biên chế 50 xe, trong đó 48 sử dụng thẻ ePass. Xe của doanh nghiệp cũng thường xuyên di chuyển qua các trạm thu phí nên trong trường hợp tiếp tục bị trừ tiền oan, thiệt hại sẽ rất lớn.
Xe biển vàng, VETC ghi nhận biển trắng
Dù đã liên hệ với VETC, anh Lâm cho biết vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ doanh nghiệp này.
“Khi khiếu nại với tổng đài qua hotline của VETC, tôi nhận được câu trả lời là xe đã được đăng ký VETC nên giờ qua trạm sẽ bị trừ tiền. Trong khi vào năm 2018 họ nói với tôi xe này không đăng ký được nên tôi mới phải chuyển sang dùng ePass", theo anh Lâm.
Xe của anh Lâm sử dụng biển số màu vàng, trong khi trích xuất hình ảnh camera của VETC ghi nhận xe qua trạm sử dụng biển trắng. Ảnh: NVCC. |
Chủ doanh nghiệp này cũng cho biết hiện tại các mẫu xe của công ty là xe kinh doanh mang biển số vàng, nhưng VETC lại báo lại với anh rằng xe qua trạm bị trừ tiền mang biển số trắng.
Bên cạnh đó, đơn vị đang cung cấp dịch vụ ePass là VDTC cũng xác nhận với anh Lâm nếu xe của anh chưa đăng ký thu phí không dừng với VETC thì doanh nghiệp mới có thể thực hiện dán thẻ, lập tài khoản anh đang dùng.
Liên hệ với đại diện VETC về trường hợp này, Zing nhận được câu trả lời là doanh nghiệp đang làm rõ trường hợp của anh Lâm và sẽ sớm có phản hồi tới tài xế.
"Chưa bao giờ xảy ra vấn đề tương tự và trước giờ cũng chưa ghi nhận trường hợp nào. Chúng tôi đang yêu cầu các bộ phận làm rõ và sẽ sớm có phản hồi tới anh Lâm", ông Hồ Trọng Vinh - Phó tổng giám đốc VETC - cho biết.
Vị đại diện này cũng không thể lý giải được tại sao trên xe dán thẻ ePass lại bị VETC trừ tiền và khẳng định không thể có trường hợp như vậy xảy ra.
Ngày 10/8, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel (công ty mẹ của VDTC) đã có văn bản gửi Bộ GTVT để báo cáo sự việc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC dán chồng thẻ thu phí không dừng lên xe đã đăng ký dịch vụ ePass.
Viettel cho biết tình trạng xe đã dán ePass vẫn bị dán đè thêm thẻ của VETC xảy ra với 3.400 xe trong tháng 5; từ 1/6 đến 31/7 tiếp tục phát sinh thêm 12.637 xe. Đến nay đã có 39.954 xe gặp tình trạng này.
Theo thống kê của Viettel, việc VETC dán chồng thẻ đã khiến VDTC thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí nhân công và chi phí 120.000 đồng mỗi thẻ ETC.
Cả hai doanh nghiệp đã thống nhất đề xuất Bộ GTVT tiến hành thanh tra và hủy tất cả các tài khoản thu phí không dừng (ETC) bị kích hoạt ảo vẫn còn đang lưu hành.
Chia sẻ với Zing, ông Bùi Trình - Tổng giám đốc của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) - cho biết tính đến cuối tháng 7, doanh nghiệp đã có hơn 1,6 triệu thẻ ePass được dán trên các phương tiện.
Cùng thời điểm, VETC cũng thống kê đã dán thẻ cho khoảng hơn 2 triệu phương tiện. Như vậy, tính đến hết thời điểm áp dụng chính sách miễn phí dán thẻ ETC, cả nước đã có khoảng 3,6 triệu phương tiện đã thực hiện dán thẻ.