Dù được gọi là làn thu phí tự động không dừng, làn ETC vẫn được trang bị các thanh chắn tương tự làn MTC. Không ít sự cố được ghi nhận do phương tiện xảy ra va chạm với thanh chắn khi di chuyển trên làn ETC.
Xe bị hỏng do thanh chắn không mở
Tài khoản tên Tô Thế đăng tải vào một nhóm trên Facebook hình ảnh một chiếc Kia Sorento xảy ra va chạm với thanh chắn khi đi vào làn ETC dù phương tiện này đủ điều kiện di chuyển.
Chủ tài khoản này còn cho biết có ít nhất 10 trường hợp tương tự xảy ra trong chưa đầy 30 phút. Địa điểm xảy ra tai nạn là trạm thu phí Pháp Vân (TP Hà Nội).
Không ít xe đi qua trạm ETC nhưng thanh chắn không mở gây va chạm. Ảnh: Việt Linh. |
Bên dưới bình luận, không ít người dùng chia sẻ nhiều lần gặp phải tình trạng thanh chắn không mở lên khi đi vào làn ETC dù xe đã dán thẻ định danh và tài khoản còn đủ tiền.
"Có lần đến gần thanh chắn không có dấu hiệu mở, em phải phanh gấp, tí thì toang", tài khoản T. Công chia sẻ. Tài khoản khác có tên Trần Hùng bình luận: "Cách đây 4 hôm mình cũng xém bị như vậy ở trạm Pháp Vân. May xử lý kịp".
Bên cạnh những bình luận cùng quan điểm, không ít người dùng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự cố là lỗi người lái.
Tuong Vu bình luận: "Cái thanh chắn chưa mở mà cứ chạy tới. Đáng đời". "Các bác tài qua trạm chạy chậm thôi, đợi thanh chắn mở lên rồi đạp ga đi tiếp", tài khoản Ng Thanh An viết.
Trải nghiệm thực tế, phóng viên từng gặp phải trường hợp thanh chắn làn ETC không mở lên tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (TP.HCM). Dù đủ điều kiện lưu thông vào làn ETC, người lái phải dừng hẳn xe và đợi nhân viên trực thực hiện mở thanh chắn thủ công. Quá trình này mất khoảng 45-60 giây.
So với thu phí thủ công, phương tiện gặp tình huống tương tự tại làn ETC mất nhiều thời gian hơn do nhân viên phải kiểm tra xe đã dán thẻ định danh hay chưa, ngoài ra còn kiểm tra số dư trong tài khoản khách hàng. Nếu tất cả điều kiện đều đạt, lúc này nhân việc trực trạm tiến hành nhấn nút mở thanh chắn.
Các nguyên nhân khiến thanh chắn không mở
Tình trạng thanh chắn làn ETC không mở xảy ra khá nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều phương tiện buộc phải dán thẻ ETC nếu muốn lưu thông trên cao tốc như hiện nay. Có thể chia sự cố này thành 2 nhóm chính là lỗi người dùng và lỗi hệ thống.
Lỗi người dùng thường gặp nhất là không dán thẻ định danh và di chuyển vào làn ETC. Hành vi này có thể bị xử phạt 2-3 triệu đồng.
Sáng ngày 1/8, Zing ghi nhận nhiều trường hợp chưa dán thẻ định danh nhưng vẫn di chuyển vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tài xế được yêu cầu cam kết dán thẻ hoặc phải quay đầu xe.
Một vài tài xế đã có tài khoản nhưng quên nạp tiền hoặc số dư tài khoản không đủ cũng không được phép di chuyển vào làn ETC. Phía VETC cho biết trường hợp khách hàng VETC đi vào làn ETC thuộc quản lý của công ty nhưng tài khoản không đủ tiền sẽ được nhân viên thu tiền mặt hoặc điều hướng sang làn MTC.
Nếu xe đã dán thẻ định danh và tiền trong tài khoản có đủ, thanh chắn không mở có thể do xe chạy với tốc độ quá nhanh, thẻ định danh bị chắn bởi vật thể như phim cách nhiệt kim loại nếu dán kính lái, hoặc nhiều yếu tố tác động khiến hệ thống không nhận diện được xe (ánh sáng, nhiệt độ, thẻ định danh gặp lỗi, hệ thống đọc thẻ gặp lỗi).
Đối với lỗi hệ thống, người điều khiển phương tiện không cần phải đưa tiền mặt. Nhân viên tại trạm sẽ ghi nhận thông tin của phương tiện và thực hiện thao tác mở thanh chắn cho xe chạy qua. Tài khoản ETC của người dùng sẽ được trừ tiền sau đó.
Lưu ý khi đi vào làn ETC
Do mới triển khai ồ ạt, việc tài xế lái xe chạy qua trạm ETC nhưng thanh chắn không mở có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Để điều khiển xe qua làn ETC một cách an toàn và thuận tiện, người điều khiển phương tiện nên chú ý nhiều hơn mỗi lần qua trạm để tránh va chạm đáng tiếc, trước khi hệ thống ETC có những nâng cấp cũng như có thể bỏ các thanh chắn trong tương lai.
Đảm bảo đủ số dư tài khoản ETC là điều quan trọng nhất lái xe cần quan tâm. Các ứng dụng ePass hay VETC có tính năng thông báo khi số dư tài khoản dưới 100.000 đồng, người dùng nên nạp thêm tiền khi nhận được tin nhắn này để tránh tình trạng tài khoản không đủ tiền.
Nên giữ khoảng 200.000 đồng trong tài khoản, các trạm ETC đều có lộ phí không quá số tiền này đối với xe du lịch. Trong trường hợp đi xa, cần tính trước chi phí đi qua các trạm thu phí và nạp sẵn tiền.
ePass và VETC hiện vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể về tốc độ tối đa khi qua trạm ETC do các công ty này quản lý. Phía VETC chỉ đưa ra lời khuyên người lái nên duy trì tốc độ tối đa 30 km/h khi qua làn ETC.
Trải nghiệm thực tế ở các trạm do ePass lẫn VETC quản lý, phương tiện có thể di chuyển qua trạm ở tốc độ khoảng 40 km/h. Tuy nhiên cần lưu ý quan sát kỹ đèn báo cũng như thanh chắn để tránh va chạm, đặc biệt khi hệ thống còn phát sinh không ít lỗi.
Người điều khiển xe nên bỏ thói quen bám đuôi phương tiện phía trước khi vào làn ETC. Nhiều trường hợp bám quá sát xe phía trước khiến cho hệ thống không nhận được thông tin của thẻ định danh, khiến cho thanh chắn không mở hoặc đóng lại khi xe đang chạy qua.
Đối với đèn báo, phía bên trái làn ETC có đèn tín hiệu kèm bảng điện tử thông báo biển số xe và số tiền lộ phi khi qua trạm. Khi hệ thống nhận diện được xe, bảng điện tử sẽ hiển thị biển số xe và chi phí, đồng thời đèn tín hiệu sẽ chuyển xanh và cùng lúc đó, thanh chắn lập tức mở. Người lái nên tập thói quen quan sát khu vực này khi chạy qua làn ETC, bên cạnh việc quá tập trung vào thanh chắn.