Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) đã đề xuất nội dung trên trong phúc đáp về việc doanh nghiệp này dán chồng 40.000 thẻ ETC của ePass (Công ty CP Giao thông số Việt Nam - VDTC).
Theo đó, đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành quy định cơ sở về việc kích hoạt tài khoản khi có đầy đủ các điều kiện hợp lý, hợp lệ gồm hợp đồng/thỏa thuận với chủ phương tiện về việc sử dụng dịch vụ, hồ sơ dán thẻ (gồm ảnh thực tế đã dán ETC trên xe, giấy tờ chứng minh chủ phương tiện).
Doanh nghiệp này cho biết hiện cơ quan chức năng chưa có định nghĩa và phân loại cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về “lỗi” dán chồng thẻ ETC trên các phương tiện thông tin.
Cả 2 doanh nghiệp là VETC và VDTC đều đề xuất hủy toàn bộ các tài khoản thu phí không dừng bị kích hoạt ảo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
VETC khẳng định đang tích cực phối hợp, làm việc với Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ Việt Nam cùng VDTC để làm rõ, phân loại các lỗi thẻ ETC, trách nhiệm của các bên để có kết luận và giải pháp chung nhằm khắc phục triệt để các lỗi thẻ phát sinh.
Về phía VDTC, ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc VDTC - khẳng định phía doanh nghiệp hoàn toàn nhất trí với đề xuất hủy các tài khoản kích hoạt ảo. Ông Trình cũng cho biết hệ thống của VDTC sẽ thực hiện hủy đối với các tài khoản đăng ký có hồ sơ không hợp lệ.
"Tôi cho rằng cần có quy định và chế tài để kiểm soát tình trạng này từ phía các cơ quan quản lý", lãnh đạo VDTC chia sẻ thêm.
Ngày 10/8, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (công ty mẹ của VDTC) đã có văn bản gửi Bộ GTVT để báo cáo sự việc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC dán chồng thẻ thu phí không dừng lên xe đã đăng ký dịch vụ ePass.
Viettel cho biết tình trạng xe đã dán ePass vẫn bị dán đè thêm thẻ của VETC xảy ra với 3.400 xe trong tháng 5; từ 1/6 đến 31/7 tiếp tục phát sinh thêm 12.637 xe. Đến nay đã có 39.954 xe gặp tình trạng này.
Theo thống kê của Viettel, việc VETC dán chồng thẻ đã khiến VDTC thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí nhân công và chi phí 120.000 đồng mỗi thẻ ETC.