Bước vào mùa mưa, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập sâu khiến cho việc di chuyển của người dân gặp khó khăn, đặc biệt là xe máy. Hầu hết xe máy chạy qua vùng ngập nước đều gặp phải tình trạng chết máy và khó có thể đề nổ lại được.
Cần hạn chế đến mức tối thiểu việc di chuyển qua khu vực ngập nước. Ảnh: Phạm Thắng. |
Khi gặp trường hợp đường bị ngập, người điều khiển xe máy tốt nhất nên tìm lộ trình khác để di chuyển hoặc đợi đến khi nước rút. Trong trường hợp bắt buộc phải chạy xe qua vùng ngập, cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Di chuyển với tốc độ chậm, đều
Với tâm lý muốn thoát khỏi khu vực ngập càng sớm càng tốt, nhiều người thường cố gắng điều khiển xe thật nhanh. Hành động này vô cùng nguy hiểm cho người lái vì khó có thể quan sát và phản xạ kịp khi gặp phải các chướng ngại vật bên dưới mặt nước, đồng thời cũng ảnh hưởng đến các phương tiện khác đang di chuyển gần.
Di chuyển với tốc độ chậm và đều giúp cho xe ổn định hơn và người lái dễ dàng phát hiện các chướng ngại vật bên dưới mặt nước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khi đi qua vùng nước ngập, cần điều khiển xe với tốc độ chậm và đều để có thể đảm bảo được việc phát hiện kịp thời chướng ngại vật và giúp hạn chế va chạm với các phương tiện khác. Không nên tăng tốc hoặc giảm tốc đột ngột vì có thể tạo thành sóng ảnh hưởng đến những người xung quang, thậm chí là khiến xe chết máy do nước đi ngược vào ống xả.
2. Không chạy gần xe lớn
Các xe lớn như ôtô, xe buýt, xe tải... luôn tồn tại rất nhiều điểm mù xung quanh, nếu vô tình đi vào khu vực điểm mù này, tài xế sẽ không thể nào phát hiện được và có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc. Khi trời mưa, tầm nhìn của tài xế cũng bị giảm đi đáng kể, khiến cho khu vực điểm mù của xe cũng tăng lên.
Ôtô khi di chuyển nhanh sẽ tạo ra các sóng nước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, xe lớn chạy qua vùng ngập sẽ tạo nên các cơn sóng nước, những phương tiện nhỏ và người đi bộ di chuyển xung quanh có khả năng bị xô ngã bởi những cơn sóng này. Vì thế, bạn cần hạn chế đến mức tối thiểu việc di chuyển gần các phương tiện có kích thước lớn khi trời mưa, đường ngập.
3. Tuyệt đối không di chuyển qua vùng nước ngập cao hơn lọc gió
Xe máy vẫn có thể di chuyển qua vùng ngập kể cả khi mực nước cao hơn ống xả, tuy nhiên nếu nước cao hơn vị trí hộp lọc gió thì có thể gây nguy hiểm cho động cơ nếu cố cho xe chạy qua. Hộp lọc gió có tác dụng hút không khí để hòa trộn với nhiên liệu và đưa vào bên trong buồng đốt, nếu nước lọt vào buồng đốt có thể khiến cho động cơ bị hỏng do gặp phải tình trạng thủy kích.
Rất nhiều xe tay ga gặp vấn đề khi di chuyển qua vùng ngập sâu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thông thường những mẫu xe tay ga có vị trí hộp lọc gió thấp, dễ bị nước vào hơn những mẫu xe số. Mặc dù hiện tượng thủy kích hiếm khi xảy ra trên xe máy, tuy nhiên người dùng cũng cần chủ động phòng tránh để hạn chế thiệt hại cho phương tiện của mình.
4. Không cố đề nổ động cơ khi xe bị tắt máy
Trong trường hợp xe đột ngột chết máy khi đang di chuyển ở đoạn đường ngập nước, người điều khiển không nên cố gắng khởi động lại xe vì có thể khiến cho các chi tiết bên trong động cơ bị hỏng hóc. Có 2 nguyên nhân khiến cho xe bị chết máy khi đi qua vùng ngập nước là bugi bị ướt và nước lọt vào bên trong buồng đốt.
Nên dắt xe ra khỏi khu vực ngập nước ngay khi xe bị tắt máy. Ảnh: Phạm Thắng. |
Để xử lý tình trạng này, chủ xe nên dắt xe đến khu vực cao ráo và tiến hành tháo gỡ bugi ra lau chùi. Nếu là người không có kinh nghiệm tháo bugi, người dùng có thể đưa xe đến các tiệm sửa xe để nhờ sự giúp đỡ.
5. Rửa xe và thay nhớt càng sớm càng tốt
Sau khi chạy xe qua vùng nước ngập, nên mang xe đi rửa để làm sạch các chất bẩn bám vào, nhằm hạn chế tình trạng gỉ sét, ăn mòn các chi tiết bên trong. Việc làm này không tốn quá nhiều chi phí cũng như thời gian nhưng có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho phương tiện.
Rửa xe sau khi chạy qua vùng ngập giúp hạn chế tình trạng gỉ sét và tăng tuổi thọ cho phương tiện. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Đối với xe di chuyển qua khu vực ngập đến động cơ cần thay dầu nhớt mới, đặc biệt là dầu hộp số đối với xe tay ga. Dầu nhớt khi bị nhiễm nước sẽ giảm đi tác dụng bôi trơn cũng như làm mát động cơ, về lâu dài có thể khiến cho các chi tiết bên trong động cơ như bánh răng, trục khuỷu bị bào mòn.