Xuất hiện trước cổng trường tiểu học Phú Lâm (quận 6) hơn 20 năm nay, xe trà sữa dì Hoàng đã trở thành địa điểm yêu thích của nhiều thế hệ học sinh.
Chỉ dùng một xe đẩy nhỏ nhưng nhờ sắp xếp chai, hộp đựng nguyên liệu một cách khéo léo, thêm vào một tấm menu khá chi tiết, hàng trà sữa này nổi bật hẳn trên con đường nhỏ tấp nập quán xá.
Chia sẻ với Zing, bà chủ cho biết ban đầu chỉ bán các loại nước giải khát như cam vắt, cà phê, nước ngọt… Khi trà sữa trân châu xuất hiện, dì Hoàng bắt đầu học cách pha chế và may mắn nhận được sự yêu quý của các em học sinh.
Không riêng gì hàng nước của người phụ nữ 60 tuổi này, trong thành phố vẫn tồn tại những xe trà sữa gắn liền với tuổi thơ của thế hệ trẻ. Trước sự đổ bộ của các thương hiệu trà sữa hiện đại, không ít người vẫn tìm kiếm các hàng trà sữa bình dân để được thưởng thức hương vị của ngày xưa.
Trà sữa dì Hoàng - một trong những xe nước gắn liền với tuổi thơ của nhiều người trẻ tại quận 6, TP.HCM. |
Menu đơn giản, giá cả phải chăng
Dì Hoàng cho biết chỉ bán những món đơn giản như trà sữa, hồng trà, trà chanh, tắc. Về sau các em nhỏ đến mua thích ăn thêm trân châu hay thạch, dì bán thêm để chiều theo ý thích của khách.
“Giá nào tôi cũng bán, 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí học sinh tiểu học mua 5.000 đồng cũng được. Bán mấy chục năm nay, chưa bao giờ tôi đặt nặng chuyện lời lỗ. Cái tôi quan tâm là chất lượng và tình cảm với các khách hàng nhí”, bà chủ vừa luôn tay làm nước, vừa vui vẻ trò chuyện.
Dì Hoàng - chủ xe trà sữa nổi tiếng gắn với tuổi thơ của nhiều học sinh quận 6, TP.HCM. |
Là khách ruột là xe trà sữa dì Hoàng hơn 10 năm nay, Hoàng Thy (học sinh lớp 10, trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6) cho biết món yêu thích của mình là trà tắc trân châu.
“Ngày nào mình cũng phải uống 1 ly, như một thói quen rồi. Lâu lâu đổi món cho vui nhưng nhìn chung loại nào cũng vừa miệng, cô chủ cũng vui vẻ và nhớ sở thích của khách nên mình rất ưng ý”.
Hoàng Thy và bạn thường rủ nhau đi mua trà tắc trân châu của dì Hoàng bán. |
Nằm cạnh trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp), xe trà sữa bà Bông nằm khuất và có phần khiêm tốn hơn so với những hàng nước thường thấy.
Vốn cô chủ tên Hoa, lại lớn tuổi nên các em học sinh yêu quý gọi vui là bà Bông. Thông thường, cô sẽ bán từ khoảng 8h đến 18h mỗi ngày.
Cũng giống bà Hoàng, cô Hoa không bán nhiều món mà chỉ tập trung vào những món cơ bản, quen thuộc, dễ uống với học sinh như trà sữa và hồng trà trân châu.
Điểm nhấn của hàng trà sữa này là trân châu được nấu với đường đen để tăng thêm hương vị đậm đà. Cô chủ chia sẻ mọi thứ đều được cô làm đậm hơn bình thường để hợp với khẩu vị của các em cấp 1.
Các công đoạn pha trà sữa trân châu của cô Hoa (quận Gò Vấp). |
Ghé vào mua 3 ly trà sữa, bạn Ngọc Châu (22 tuổi, quận Gò Vấp) dặn cô làm ít ngọt một chút và thêm nhiều trân châu.
“Bà Bông bán có tiếng ở khu này chắc phải mười mấy năm rồi. Mình được bạn cho uống thử 1 lần mà ghiền tới giờ, vài ngày lại mua uống cho đã thèm”.
“Bà bán rẻ, chỉ 10.000 đồng/ly thôi nhưng mình thấy rất ngon. Hương vị kiểu này không phải dễ tìm lại dù trà sữa được bán ở mọi nơi trong thành phố”, cô bạn hào hứng chia sẻ.
Trà sữa trân châu của cô Hoa là món giải khát yêu thích của Châu và bạn bè. |
Vị ngon không đổi theo thời gian
Có nhiều lý do để người ta yêu thích những xe trà sữa bình dân lâu đời, đáng kể nhất chính là hương vị thơm ngon không thay đổi suốt nhiều năm.
Đối với hàng trà sữa chú Tư (quận Tân Phú), yếu tố làm nên thương hiệu 18 năm này là trân châu đặc biệt không nơi nào có. Viên trân châu to, được sên kỹ với nước đường, luôn ấm nóng để giữ độ mềm đặc trưng mỗi khi được bán cho khách.
“Từ lúc mới mở bán đến nay, niềm tự hào của tôi chính là trân châu. Uống trà sữa mà không có trân châu hoặc trân châu không chất lượng thì cũng bằng thừa, nên gia đình rất chú trọng vào chất lượng của từng mẻ trân châu. Học sinh, sinh viên ghé mua vẫn thường gọi thêm trân châu nhai cho đã ghiền nên một ngày bán được mười mấy kg là chuyện bình thường”, chủ xe trà trò chuyện với Zing.
Nhờ món trân châu đặc biệt, xe trà sữa chú Tư (quận Tân Phú) luôn đắt khách. |
Tố Trinh (sinh viên năm 3, trường Đại học Kinh tế TP.HCM) khoe không chỉ mình cô mà cả 3 chị em gái trong nhà đều là “mối” của hàng trà sữa này.
“Chị lớn của mình là cựu học sinh của trường cấp 3 gần tiệm nên thường ghé mua về cho các em. Uống mãi thành quen, nhất là trân châu ở đây thì to và ngon nhất trong số những hàng trà sữa mình từng uống”.
“Tính ra cũng phải hơn 10 năm rồi, vậy mà mình thấy hương vị vẫn gây thương nhớ như lần đầu tiên. Ở đây không có món ngon nhất, vì món nào uống với trân châu đặc biệt này cũng đều 'đỉnh' như nhau”, Trinh vừa khoe 3 ly hồng trà mới mua, vừa nhiệt tình cho biết.
Tương tự, trà sữa Thế Giới của cô Lợi nằm khá khuất trên đường Nguyễn Du (quận 1) nhưng nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng nhiều nơi nhờ món trân châu trứ danh.
Cô cho hay trân châu được làm từ bột năng theo công thức riêng nên bảo đảm được độ dai, mịn đặc biệt. Đây là công thức cô học được và đưa vào kinh doanh ngay từ những ngày đầu tiên đến tận bây giờ.
“Tôi hay đùa rằng mình đã gắn cả tuổi trẻ với xe trà sữa này, vì tính ra tôi đã bán được hơn 30 năm. Do may mắn nên tôi được các em học sinh ủng hộ nhiều, không ít em đã lớn và đi làm vẫn quay lại mua. Đó là động lực để tôi tiếp tục chăm chút cho từng ly trà sữa mình bán ra”, bà chủ tiệm bộc bạch.
Trà sữa Thế giới của cô Lợi (quận 1), sử dụng nguyên liệu tốt để làm nên hương vị thơm ngon cho món đặc trưng của tiệm - sữa ngũ cốc trân châu. |
Trò chuyện với trong lúc chờ đến lượt mua nước, Trúc Quỳnh (27 tuổi, quản lý nhà hàng tại quận 5) nói đã được mẹ cho uống trà sữa ở đây từ thời học cấp 2, đến giờ đã ngót nghét 15 năm mà vẫn chưa tìm được hàng trà sữa nào ưng ý hơn.
“Trước giờ mình thấy mọi người thường gọi trà sữa, hồng trà, riêng mình chỉ thích sữa ngũ cốc trân châu. Nguyên liệu pha ngũ cốc ở đây giống với món mẹ hay làm cho mình ngày trước. Giờ mẹ yếu nhiều rồi nên chỉ có thể tìm lại hương vị quen thuộc ở đây".
"Bên cạnh sự ngọt ngào giúp tinh thần phấn chấn hơn, trà sữa ở đây còn làm mình nhớ về những ngày tuổi thơ vui vẻ mà khó ở đâu mang lại được”, Quỳnh chia sẻ.