Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán chè Đèn Dầu hơn 45 tuổi ở TP.HCM

Bắt đầu bán từ năm 1976, hàng chè đêm của bà Sáu trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) đã trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng, đặc biệt nổi tiếng với giới trẻ Sài thành.

19h30, bà Sáu (78 tuổi) bắt đầu bày hàng trên góc vỉa hè dọc đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Với dáng người nhỏ nhắn, bà như lọt thỏm phía sau những nồi chè lớn được bày trên chiếc kệ.

Được mở cách đây ngót nghét 45 năm, quán của bà không chỉ quen thuộc với những người quanh khu vực mà còn được nhiều người ở xa tìm tới, đặc biệt là giới trẻ và các nhóm khách du lịch khi ghé thăm TP.HCM.

"Nhiều người thường gọi quán tôi là 'quán chè Đèn Dầu' bởi từ xưa tới nay tôi luôn thắp chiếc đèn dầu, đặt cạnh những nồi chè để soi sáng. Bây giờ có đèn điện sáng ngoài đường nhưng tôi không bỏ thói quen đó. Sau hàng chục năm, chỉ cần đi ngang qua thấy ánh đèn le lói, khách đã biết ngay là quán chè nóng mà không cần quan tâm đến địa chỉ, số nhà", bà Sáu nói với Zing.

quan che den dau anh 1

Hàng chè nóng của bà Sáu quen thuộc với nhiều người bởi ánh đèn dầu le lói.

Chén chè 5.000 đồng

Vừa hỏi chuyện, múc chè cho khách, bà Sáu vừa tranh thủ đong chè vào những bịch nhỏ để tiện bán cho khách mua về. Chỉ khoảng 30 phút, hàng chục chén nhỏ của khách ăn xong đã chất đầy một góc.

Suốt nhiều năm qua, quán của bà chỉ bán đúng 5 món là chuối chưng, trôi nước, táo xọn, đậu trắng và đậu xanh bột báng. Mỗi chén chỉ 5.000 đồng, riêng trôi nước có giá 10.000 đồng.

“Tôi bán từ hồi mỗi chén chè có giá 3 hào, 5 hào, dần dần mới lên mức như bây giờ. Nhiều người cũng thắc mắc tại sao không tăng giá, nhưng bản thân tôi hiểu mình chỉ bán giá bình dân, khách người ta thương mới ghé nhiều. Có không ít khách là dân lao động, họ làm việc cực khổ, tôi không nỡ bán đắt”, bà nói.

Trên đường đi chơi đêm cuối tuần, Thanh Hà (quận Phú Nhuận) cùng nhóm bạn ghé vào quán chè bà Sáu. Đây là thói quen Hà giữ được nhiều năm nay.

"Chúng mình phát hiện ra quán chè Đèn Dầu này cũng trong một lần dạo phố đêm. Lần đầu tiên ăn xong, hỏi giá, tụi mình mới biết mỗi chén chỉ 5.000 đồng. Bán đêm vất vả mà lấy giá rẻ như vậy, mình rất bất ngờ".

Hà thích nhất ăn chè trôi nước, vừa có vị bùi của nhân, vỏ bánh dẻo, ngậy của nước cốt dừa và mùi thơm của vừng.

"Mình đã thử hết các món của quán, không thể đòi hỏi ngon xuất sắc nhưng hương vị đều khá ổn, mình thích ra ăn ở đây phần lớn là bởi không khí thoải mái, giá cả phải chăng".

Đường về nhà phải đi qua hàng chè, mỗi tối về muộn, anh Tuấn (28 tuổi) thường tranh thủ vào ăn để lót dạ. Tính tới nay, anh đã ăn ở đây hơn 15 năm.

"Quán Đèn Dầu cũng gắn với nhiều kỷ niệm vì mình thường đưa bạn bè, người yêu tới đây ăn. Những lúc có chuyện buồn, mình thích ra đây ngồi, nói chuyện với bà Sáu. Quán vỉa hè, lại bán đêm nên mang một cảm giác rất bình yên, rất Sài Gòn. Những hôm ghé qua mà bà nghỉ bán cũng có cảm giác hơi hụt hẫng. Có thể do ăn ở đây quen rồi, mình không muốn tới hàng khác nữa", anh tâm sự.

Dù vất vả vẫn muốn gắn bó với hàng chè

Trước đây, nhiều khách quen với hình ảnh bà Sáu và chồng là ông Tư cùng ngồi bán chè. Ông bà mở hàng từ tối muộn, sau 21h, bán đến 2-3h sáng mới dọn về.

“Ông nhà tôi mới mất cách đây ít tháng. Trước ổng hay phụ rửa chén rồi đợi để đẩy xe hàng về nhà. Bây giờ tôi phải thuê thêm người làm, sức cũng yếu nên tôi bán sớm hơn, đến khoảng 0h là dọn rồi. Hôm nào muộn thì tới 1h, không ngồi lâu được nữa”, bà kể.

Gần 21h, bà để chị nhân viên phụ bán hàng rồi kê chiếc ghế nhựa vào một góc, tranh thủ ăn bữa tối để bán tiếp. Vì bán chè đêm, mỗi ngày bà đều uống vài ly cà phê mang sẵn để tỉnh táo.

quan che den dau anh 5

Bà Sáu chuẩn bị thêm ấm trà nóng để khách uống sau khi ăn chè.

Tuổi đã cao, sức khỏe cũng giảm sút nhiều, mỗi lần đứng lên, ngồi xuống bà đều gặp khó khăn vì đau lưng.

Mỗi ngày, công việc của bà thường lặp đi lặp lại và xoay quanh chuyện chuẩn bị cho những nồi chè.

Bột nếp và đường đặt giao đến, riêng chuối tươi bà tự bắt xe ôm đi ra khu chợ gần nhà để chọn cho tươi ngon.

"Dù vất vả nhưng còn làm được ngày nào, tôi vẫn muốn tiếp tục bán. Nghề này không chỉ là kế sinh nhai, còn giúp tôi được giao thiệp với mọi người, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống".

Có những khách ghé quán 5-10 phút, ăn hết chén chè lại vội vã đi ngay. Nhiều người đi cùng bạn bè tới đây, vừa ăn, vừa ngắm nhìn đường phố và trò chuyện đủ thứ với nhau, với bà.

“Khách tôi đủ các tầng lớp, nghề nghiệp. Nhiều khách quen cứ đến là hỏi han sức khỏe, hỏi bà đau lưng không, bà nay uống mấy ly cà phê, bà đừng uống nhiều hại thần kinh. Có người còn giúp dọn chén dơ, xếp lại ghế. Có mấy bạn trẻ còn tới kể chuyện đi học, đi làm. Nhiều hôm, tụi nhỏ đi chơi về khuya ghé vào đây, vừa ăn chè, vừa tám chuyện vui lắm, thấy mấy đứa cười đùa tôi cũng vui hẳn lên”.

Sống ở ngay con hẻm đối diện, vãn khách, bà Sáu chậm rãi xếp đồ lên xe hàng để đẩy về. Vài vị khách ngồi muộn biết ý, nhanh chóng phụ bà dọn dẹp.

"Quán Đèn Dầu ở đây lâu lắc rồi, đôi khi không nhớ tên đường, mình toàn gọi là 'con đường quán bà Sáu'. Nếu ngày nào đó, bà không bán nữa, chắc nhiều người, trong đó có cả mình, sẽ buồn lắm", Phương Nguyên (28 tuổi, quận Tân Bình) nói.

Món xôi cay nổi tiếng của gia đình người Hoa tại TP.HCM

50 năm qua, nhiều người sống ở khu vực chợ An Đông (quận 5) đã quen và dành niềm yêu thích đặc biệt với món xôi cay Hai Cô.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm