Ngày 13/5, thông tin Việt Nam vượt Mỹ, Úc về Toán, Khoa học, đứng thứ 12 bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận được sự quan tâm của dư luận. Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ quan điểm về vấn đề này từ góc nhìn thực tế:
Trước tiên, chúng ta phải nhận thức và khẳng định rằng, đây chỉ là những con số mang tính ước lệ và phiến diện. Xếp hạng “chất lượng giáo dục toàn cầu” của OECD chỉ dựa vào kết quả điểm thi môn Toán và Khoa học ở độ tuổi 15, chứ không phải xếp hạng giáo dục Việt Nam. Rõ ràng, cơ sở để xếp hạng như thế là thiếu tính khoa học và chưa phù hợp thực tiễn.
Nếu giả sử - chỉ là giả sử - "chất lượng giáo dục toàn cầu” của Việt Nam xếp thứ 12 thế giới, trên các nước phát triển Mỹ, Anh, Pháp, Úc…, chúng ta cho con em sang những nước đó học làm gì nữa? Chúng ta cần gì phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện nền giáo dục?
Thầy Trần Trung Hiếu (bên phải) cùng GS Phan Huy Lê. |
Việt Nam chỉ mới bắt đầu cải cách toàn diện và đồng bộ giáo dục, vốn tồn tại quá nhiều bất cập, yếu kém trong nhiều năm qua. Và có lẽ, cũng phải mất nhiều năm năm nữa, chúng ta mới có một nền giáo dục phát triển.
Việc học sinh Việt Nam tham dự và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic châu lục và quốc tế không có nghĩa giáo dục nói chung của chúng ta đã tiến kịp và vượt các nước tiên tiến. Những nhân tài từng chinh phục được đỉnh cao của trí tuệ, sau khi thành danh, liệu họ có về cống hiến cho quê hương, đất nước? Nhà nước sẽ đãi ngộ và sử dụng “nguyên khí” đó như thế nào? Đó cũng là những vấn đề cần phải bàn cãi, tranh luận.
Từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn luôn là khoảng cách khó san lấp. Liệu chúng ta đã đánh giá được thực chất và chính xác về thực trạng yếu kém trong hệ thống giáo dục hiện tại, từ mầm non, tiểu học, trung học phổ thông đến giáo dục đại học?
Một điều chắc chắn là bức tranh giáo dục đô thị, đồng bằng so với miền núi, vùng sâu, xa còn nhiều tương phản. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục nước ta hãy cứ chịu khó “vi hành” để xem, lắng nghe và thấu hiểu. Hãy dũng cảm và trung thực nhìn nhận thực trạng đó để có những giải pháp kịp thời, phù hợp.
Cần một sự minh định rõ ràng và không đồng nhất ảo tưởng 2 vấn đề giáo dục với kinh tế. Hiện nay, nhiều nước tư bản phát triển đang rơi vào suy thoái về kinh tế, do khủng hoảng toàn cầu, nhưng họ vẫn luôn có nền giáo dục tiên tiến. Đó vẫn là những quốc gia văn minh, vượt xa chúng ta về trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh nhưng vẫn là quốc gia trung bình, GDP còn thấp, nền giáo dục lạc hậu nhiều so với khu vực, châu lục và thế giới. Vì vậy, việc xếp hạng “chất lượng giáo dục toàn cầu” hoàn toàn chỉ mang tính tham khảo, chứ không phải để chúng ta tự hào hay tự ti, hy vọng hay thất vọng.
Điều thú vị là chỉ sau ít ngày OECD đưa ra bảng xếp hạng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng công bố báo cáo “Nguồn vốn con người năm 2015”.
Kết quả của diễn đàn này không chỉ đề cập những chỉ số tuyển sinh và trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dân ở các quốc gia, mà còn phân tích cả những tiêu chuẩn như học hỏi ở nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp, hay những kỹ năng không tương xứng.
Theo kết quả nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhóm dưới 15 tuổi của Việt Nam xếp thứ 78 trong báo cáo “Nguồn vốn con người năm 2015”, chênh 66 bậc so với vị trí thứ 12 của OECD. Đó không phải điều để chúng ta đáng phải suy ngẫm hay sao?
Đầu năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố xếp hạng 177 nền kinh tế, Việt Nam xếp thứ 6 ở Đông Nam Á( sau Indonesia, Malaysia,Thái Lan, Singapore, Philippin), và đứng 42 thế giới (trong khi dân số Việt Nam đông thứ 13 thế giới).
Dân số Singapore 6 triệu người, bình quân thu nhập GDP theo đầu người/năm là 50.000 USD. Dân số Việt Nam hiện hơn 90 triệu người, nhưng bình quân GDP 1.500 USD. Sự so sánh này mang hàm nghĩa nào đó về vị thế, độ lớn của nền kinh tế, khi dân số lớn mà GDP thấp thì nước đó yếu, và ngược lại.
Chúng ta sẽ cảm thấy giật mình nhưng không bất ngờ về bảng xếp hạng ấy. Chúng ta đừng hoang tưởng và vội mừng về vị trí cao đó. Người Việt ta cần biết vị trí thực của Việt Nam như thế nào trên bản đồ thế giới để thấy được điểm yếu của mình, biết điểm mạnh của người.
Để sáng tỏ điều này, theo chúng tôi, cần phải xem xét nền giáo dục Việt Nam theo ba góc độ là đánh giá khách quan, trung thực thực trạng nền giáo dục; đặt nền giáo dục trước những yêu cầu, đỏi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới và đặt nền giáo dục trước (hay trong) hội nhập và cạnh tranh khu vực, quốc tế.