Chiều 29/5, phiên tòa xét xử vụ chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong tiếp tục tranh luận về trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án.
Yêu cầu bồi thường hơn 3 tỷ đồng
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền lợi cho 9 gia đình bệnh nhân tử vong) yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất phải bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho các bị hại.
Theo luật sư, trước khi diễn ra phiên tòa, cơ quan công tố xác định bệnh viện là bị đơn dân sự. Cụ thể, căn cứ pháp luật hiện hành, tòa án cho rằng cơ sở y tế là nơi để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, do đó, bệnh viện tỉnh phải bồi thường.
Người bảo vệ quyền lợi thay mặt 9 gia đình có người tử nạn, liệt kê mức yêu cầu bồi thường về mai táng phí, tổn thất tinh thần,... tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Danh Huế. Ảnh: Hoàng Lam. |
Đối đáp quan điểm của ông Trung, đồng nghiệp Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền lợi cho bệnh viện) cho rằng bệnh viện đã ký hợp đồng số 315 với Công ty Thiên Sơn. Bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã đại diện cho Thiên Sơn đến thực hiện các điều khoản trong hợp đồng.
Cơ quan công tố cáo buộc sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất khi sục rửa máy lọc nước. Bệnh nhân tử vong do ngộ độc, do đó, Công ty Thiên Sơn phải bồi thường toàn bộ trách nhiệm dân sự.
Phản bác lại quan điểm của ông Huế, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn) cho rằng đơn vị này đã hoàn thành hợp đồng cung cấp hệ thống máy lọc thận cho bệnh viện. Hợp đồng này đã được nghiệm thu, thanh lý.
Nữ luật sư khẳng định bệnh viện là cơ quan quản lý toàn bộ máy móc sau khi Thiên Sơn bàn giao. Việc sử dụng nước để lọc thận không phải trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn. Do đó, trong vụ việc, doanh nghiệp này không phải bồi thường.
Đáp lại các luật sư, đại diện VKS TP Hòa Bình tái khẳng định, cơ quan công tố có đủ căn cứ kết luận bệnh viện và Công ty Thiên Sơn đã ký xong hợp đồng số 315. Nữ kiểm sát viên lý giải, đại diện 2 đơn vị đều khai đã ký hợp đồng. Bị cáo Quốc đến bệnh viện để thi công với tư cách đại diện cho Công ty Thiên Sơn. Do đó, VKS vẫn giữ quan điểm buộc bệnh viện và đối tác phải liên đới bồi thường.
Bộ Y tế nói gì về tiêu chuẩn AAMI?
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) được tòa mời trở lại phòng xử án để trả lời các thắc mắc liên quan đến tiêu chuẩn AAMI.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo ông Quang, kỹ thuật lọc máu và tiêu chuẩn nước RO dùng trong chạy thận nhân tạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ văn bản quy định về quy chuẩn.
Ông vụ trưởng giải thích, bộ tiêu chuẩn AAMI ra đời từ những năm 70 và liên tục được cập nhật các chỉ số. Tiêu chuẩn này do Hiệp hội trang thiết bị Hoa Kỳ đề ra, rất tiên tiến và được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến câu hỏi của cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Y tế, đề nghị giải đáp việc sau khi sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc thận có cần phải xét nghiệm nước và phải xem xét có tồn dư hóa chất tẩy rửa hay không? Đại diện Bộ Y tế khẳng định tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AAMI trên cơ sở tự nguyện.
Phiên tòa kéo dài khiến các bị cáo tỏ ra mệt mỏi. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo ông Quang, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI (gồm 25 tiêu chí). Nếu hợp đồng giữa các bên có điều khoản xét nghiệm nước thì phải bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng.
Vụ trưởng của Bộ Y tế giải thích thêm, bản chất của AAMI là tuân theo tiêu chuẩn của Việt Nam, tiêu chuẩn này là tự nguyện. Còn lại, các trường hợp cụ thể phải tuân theo hợp đồng ký giữa các đối tác.
“Tuy nhiên, theo tôi, cách hiểu chuẩn nhất là sau mỗi lần sửa chữa, bắt buộc phải xét nghiệm tồn tư hóa chất trong máy lọc, còn các xét nghiệm khác chỉ là khuyến cáo, không bắt buộc”, ông Quang nói.
Cáo trạng nêu, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
VKSND TP Hòa Bình đề nghị HĐXX tuyên Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Sơn 4-5 năm tù. Riêng Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.