Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Xin cảm ơn, những chiến binh áo trắng!

Những người hùng mặc áo blouse đã có nhiều ngày trắng đêm, tắm mồ hôi trong đồ bảo hộ. Họ chưa bao giờ cô độc bởi hàng triệu trái tim vẫn hướng về tuyến đầu.

Trong đại dịch Covid-19, những người hùng mặc áo blouse đã có nhiều ngày trắng đêm, tắm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Họ chưa bao giờ cô độc bởi hàng triệu trái tim vẫn hướng về tuyến đầu.

Từ ca bệnh đầu tiên tới thời gian giãn cách xã hội, kiểm soát các ổ dịch và khi bệnh nhân 91 hồi sinh một cách kỳ diệu, cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go chưa bao giờ vắng bóng những chiến binh áo trắng. Đó chính là đội ngũ y bác sĩ đã và đang dồn tất cả trí tuệ, sức lực để cùng cả đất nước vượt qua đại dịch, bước vào thời kỳ “bình thường mới”, tạo ra những kỳ tích mới.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hàng nghìn bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên... trong hệ thống y tế đã trở thành những chiến binh, ngày đêm xét nghiệm, chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân.

“Chống dịch như chống giặc”, chúng ta khó lòng hình dung được hết những vất vả, khó khăn và căng thẳng của y bác sĩ tuyến đầu, như một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy từng chia sẻ: “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Từ khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1, họ túc trực ngày đêm dõi theo từng nhịp thở của bệnh nhân, sẵn sàng lao vào ổ dịch với tất cả tâm huyết và trái tim của người làm nghề.

Bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp, lực lượng dịch tễ, tổ công tác, các cấp quản lý... ai cũng có những vất vả, mệt mỏi riêng. Đó là những bữa cơm ăn vội; là giấc ngủ chập chờn, thấp thỏm chờ tiếng còi báo động; là cuộc họp căng như dây đàn để xử lý tình huống khẩn cấp giữa đêm. Đó là khuôn mặt mướt mồ hôi, sưng đỏ, đầy vết hằn khẩu trang. Đó còn là nỗi nhớ gia đình quay quắt ít ai hiểu.

Kể về những ngày đầu chống dịch, bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đó là giai đoạn đầy khó khăn, phải tác nghiệp trong tiết trời lạnh giá và quan trọng hơn hết là người dân chưa thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Thấy đoàn dịch tễ mặc quần áo bảo hộ kín mít xuống xét nghiệm, một số người đóng cửa ở trong nhà, cả đoàn phải ngồi ngoài cửa thuyết phục rất lâu, nhờ tới sự giúp sức của gia đình, người thân để động viên họ mở cửa cho điều tra dịch tễ. Đến giờ, toàn trung tâm vẫn luôn có phương án chuẩn bị, sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” khi có tình huống xảy ra, để thực hiện công tác chống dịch tốt nhất bởi Bình Xuyên là nơi có nhiều chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài về làm việc.

Trong khi đó, những người làm công tác xét nghiệm như bác sĩ Mai Văn Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Trung ương Huế, không chỉ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, mà còn chịu nhiều khó khăn, áp lực từ phía bệnh nhân, đơn vị cách ly... Bác sĩ Tuấn chia sẻ cứ 2 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần, tất cả đều rất mong chờ kết quả. Toàn bộ chạy đua với thời gian, nhưng vẫn phải đảm bảo quy trình xét nghiệm chuẩn xác.

Cuộc chiến chống Covid-19 còn có sự đồng hành của những điều dưỡng viên thầm lặng. “Công việc của chúng tôi là tiếp xúc và chăm sóc trực tiếp với bệnh nhân, nếu bệnh nhân nặng thì là 24/24. Nghề điều dưỡng truyền nhiễm là nghề thầm lặng và nguy hiểm. Mỗi lần bệnh nhân ra viện là một niềm vui lớn với chúng tôi”, chị Doãn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ.

Tri an nguoi hung ao trang anh 1

Là điều dưỡng trưởng, chị Nguyệt luôn có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho cả điều dưỡng và bệnh nhân, cùng đồng nghiệp hướng tới lời tôn vinh của WHO: Nhiệm vụ, vai trò của điều dưỡng và nữ hộ sinh là giữ gìn một thế giới khỏe mạnh.

Trong những ngày chống dịch, các điều dưỡng và bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 thường phải ở lại cơ sở điều trị dài ngày, chỉ được thấy gia đình qua vài phút gọi video ngắn ngủi. Nữ điều dưỡng chia sẻ: “Lúc đông bệnh nhân, không ai nghĩ đến ngày nghỉ. Có những anh chị ở bệnh viện đến 3 tháng, chỉ tập trung vào điều trị. Khi số lượng bệnh nhân giảm đi, chúng tôi thực hiện chiến lược tham gia trực tiếp 14 ngày, tiếp đó là cách ly 14 ngày, rồi về với gia đình 5-7 ngày”.

Nỗi nhớ con trong những ngày dài đằng đẵng khiến không ít điều dưỡng, bác sĩ ứa nước mắt. Không chỉ vậy, áp lực tâm lý khi về nhà, nỗi lo lây nhiễm bệnh cho người thân, hàng xóm cũng khiến những ngày bên gia đình của họ chưa trọn vẹn. Thế nhưng, với những người hùng áo trắng, khoảng thời gian chống dịch cũng vô cùng đáng nhớ.

Tại đêm “Tri ân các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19” tổ chức tại Phú Quốc, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 chia sẻ trong thời gian chống dịch, ông và những người đồng nghiệp có nhiều kỷ niệm đẹp.

Trong đó, trường hợp bệnh nhân số 91 vô cùng đặc biệt. PGS Khuê chia sẻ: “Tôi muốn nói lời cảm ơn và tri ân tất cả thầy thuốc, y bác sĩ . Chưa bao giờ hệ thống y tế dự phòng, các bác sĩ trong tất cả lĩnh vực đoàn kết và đồng lòng đến vậy. Với bệnh nhân 91, tất cả giáo sư đầu ngành ở các chuyên khoa nội, ngoại, cấp cứu, thần kinh, truyền nhiễm đến những chuyên khoa khác như phục hồi chức năng, dinh dưỡng, kiểm soát vi khuẩn... đều hợp sức lại để có một phác đồ điều trị, chiến lược điều trị tốt nhất”.

Và như một điều kỳ diệu, bệnh nhân 91 đã hồi sinh từ cửa tử. “Bệnh nhân đã sụt hơn 20 kg, và các bạn biết nằm hơn 3 tháng người sẽ nhũn ra như thế nào, mà giờ có thể trở về quê hương của mình. Đây là niềm vui của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, và của tất cả thầy thuốc, giáo sư trực tiếp tham gia hội chẩn”, PGS. Khuê nói.

Cuộc chiến của các y bác sĩ, đội ngũ y tế tuyến đầu vô cùng cam go, khó khăn và vất vả, nhưng những chiến binh khoác blouse trắng chưa bao giờ chiến đấu một mình. PGS Khuê kể lại trường hợp bệnh nhân 91: “Có những lúc, chúng tôi tưởng bệnh nhân sẽ ra đi, tưởng phải thay phổi. Ngày 11/5, tôi có tuyên bố cần có phổi ghép cho bệnh nhân, thì đến 19/5, có 59 người dân Việt Nam đăng ký hiến phổi, người lớn nhất đã 76 tuổi. Đó là tấm lòng của tất cả người dân Việt Nam, cùng chung tay với thầy thuốc điều trị cho người bệnh”.

“Đến giờ phút này, những khó khăn, vất vả như vơi đi phần nào, khi nỗ lực của chúng tôi được Chính phủ, ban ngành và quý trọng, nhất là người dân ghi nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cá nhân cũng đã chung tay, chung sức hỗ trợ và chia sẻ. Chúng tôi trân trọng từng chai nước, từng món quà nhỏ của mọi người”, chị Nguyệt xúc động chia sẻ tại lễ tri ân do VinGroup và Vietnam Airlines phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch là sự đồng sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền các cấp.

Từ em bé, cụ già, người dân vùng sâu vùng xa, các bạn trẻ, nhân viên văn phòng, đến công ty, tập đoàn lớn... tất cả đều bày tỏ sự cảm kích, tri ân sâu sắc với lực lượng y tế tuyến đầu - những người đã đóng góp công sức lớn lao trong việc duy trì 80 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp Việt Nam bước vào thời kỳ bình thường mới.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines - một trong hai đơn vị phối hợp tổ chức chương trình kỳ nghỉ tri ân cho 5.000 bác sĩ tuyến đầu, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng thắng lợi này đến từ sự nỗ lực, công sức, mồ hôi, thậm chí cả nước mắt của rất nhiều cá nhân, tập thể, trong đó đóng góp lớn nhất thuộc về lực lượng ngành y. Đặc biệt, các gia đình, người thân của lực lượng y tế đã thể hiện vai trò là hậu phương vững chắc để những chiến binh áo trắng có đủ dũng khí, lòng can đảm và vững tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Tri an nguoi hung ao trang anh 2

Trong chương trình tri ân những “chiến binh áo trắng”, 10.000 vé máy bay Vietnam Airlines, 5.000 đêm ở biệt thự Vinpearl sẽ được dành tặng cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu thay cho lời cảm ơn. Ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn, đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Chúng tôi mong các y bác sĩ sẽ dành khoảng thời gian này để hồi sức sau những tháng ngày kiên cường chiến đấu với dịch bệnh, cũng như chuẩn bị thật tốt cả thể chất và tinh thần để sẵn sàng đón nhận, vượt qua thử thách mới trong tương lai”.

Đầu tháng 7, tạm gác lại sau lưng những khó khăn, mệt mỏi, 70 chiến binh áo trắng đầu tiên từ Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM đã có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên người thân, gia đình. Từ sân bay đến tận nơi nghỉ, các y bác sĩ và gia đình được chào đón nồng nhiệt, đầy trân trọng, như một phần lời tri ân của cộng đồng dành cho những cống hiến của họ.

Sau những ngày dài vất vả, kỳ nghỉ đặc biệt này càng trở nên ý nghĩa. Đây sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ cho các y bác sĩ trong chặng đường sắp đến, như lời chia sẻ của PGS. TS Lương Ngọc Khuê: “Ngày hôm nay, không có bệnh nhân nào tử vong, không có bác sĩ, điều dưỡng nào tử vong, đó là điều vui nhất với những người làm quản lý như chúng tôi. Bản thân chúng tôi chưa có ngày nghỉ nào, nhưng trong cộng đồng đã có 80 ngày không có ca dương tính trong cộng đồng. Cuộc chiến này vẫn còn đang ở phía trước, tất cả thầy thuốc không mất cảnh giác, vẫn phải chăm sóc, xét nghiệm, cách ly kịp thời, làm mọi điều... để cộng đồng được sống trong những giây phút hạnh phúc thế này”.

Giang Hoàng Linh

Ảnh: Hoàng Hà
Đồ họa: Ái Tân Luật

Bình luận

Bạn có thể quan tâm