Tối 23/3, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng của CLB Hà Nội gãy chân sau cú vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh bên phía CLB TP.HCM. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Hùng Dũng sẽ mất khoảng 6 tháng để có thể tập luyện trở lại.
Chiều 24/3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã xử phạt Hoàng Thịnh 40 triệu đồng, cấm thi đấu đến hết năm 2021. Tuy nhiên, nhiều CĐV vẫn tỏ ra bức xúc. Có người thậm chí yêu cầu xử lý hình sự cầu thủ của CLB TP.HCM vì pha bóng triệt hạ, có dấu hiệu cố ý gây thương tích.
Hùng Dũng đau đớn sau cú vào bóng của Hoàng Thịnh. Ảnh: Quang Thịnh. |
Theo dõi tình huống, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho rằng không có căn cứ để xử lý hình sự hành vi của Hoàng Thịnh.
Luật sư nhìn nhận đây là tình huống ham bóng. Hoàng Thịnh vào bóng để cướp bóng, ngăn chặn pha tấn công, không nhằm mục đích khiến Hùng Dũng gãy chân. Ngoài ra, 2 cầu thủ này có mối quan hệ tốt. Thịnh không có hành vi đe dọa, thể hiện ý chí chủ quan sẽ đạp gãy chân Dũng trước khi trận đấu diễn ra.
Phân tích các yếu tố trên, ông Giáp khẳng định hành vi của Hoàng Thịnh không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Trong trường hợp cầu thủ đe dọa đạp gãy chân hoặc gây thương tích cho đối thủ khi trận đấu diễn ra, luật sư cũng cho rằng không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
"Khi trận đấu diễn ra, hành vi của những người tham gia thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bóng đá quốc tế và các văn bản liên quan do FIFA cũng như VFF ban hành. Do đó, chỉ có thể áp dụng Quy định về kỷ luật của VFF, không thể sử dụng Bộ luật hình sự 2015 để xử lý tình huống này cũng như những tình huống khác diễn ra trên sân", ông Giáp nhấn mạnh.
Trong trường hợp trận đấu đã kết thúc mà cầu thủ hay thành viên các đội bóng xô xát, đánh nhau gây thương tích, cơ quan công an có thể vào cuộc nếu có yêu cầu. Nếu đủ căn cứ, những người vi phạm sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây rối trật tự công cộng.