Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Xử lý ra sao nếu chủ cano Phương Đông không đủ khả năng bồi thường?

Trường hợp Công ty Phương Đông không đủ khả năng chi trả toàn bộ thiệt hại, việc chấp hành nghĩa vụ bồi thường sẽ phải lùi lại tới khi công ty này đủ điều kiện chi trả.

Chiều 26/2, cano chở khách du lịch của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông do ông Lê Sen làm thuyền trưởng vận chuyển khách từ xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm, vào Cửa Đại thì bị lật. Vụ tai nạn khiến 17 người thiệt mạng, 22 người được cứu sống.

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Trường hợp được xác định có lỗi, thuyền trưởng Lê Sen cùng phía Công ty Phương Đông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Tuy nhiên, với số lượng 17 người tử vong và nhiều người khác bị tổn hại sức khỏe, số tiền bồi thường sẽ không nhỏ. Nếu phía Công ty Phương Đông không đủ khả năng bồi thường, vụ việc sẽ được giải quyết ra sao?

Luật sư Hà Công Tâm - Giám đốc Công ty Luật Onekey

Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, cano được xác định là phương tiện vận tải thủy nội địa. Để cano được phép sử dụng, phương tiện phải đáp ứng các điều kiện lưu hành và người điều khiển cũng phải có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ. Trường hợp xác định có lỗi trong quá trình vận hành, khi xảy ra sự cố gây thiệt hại cho người khác, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ thuộc về chủ sở hữu phương tiện.

lat cano o Hoi An anh 1

Cano Phương Đông gặp nạn tại biển Cửa Đại ngày 26/2. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trong vụ việc này, Công ty Phương Đông là đơn vị quản lý phương tiện vận tải chở đoàn khách du lịch. Do đó, phía công ty này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi dẫn tới thiệt hại hoàn trả một khoản tiền theo quy định. Nguyên tắc là bồi thường toàn bộ, kịp thời, đầy đủ tất cả khoản về vật chất và tinh thần đối với những người bị thiệt hại.

Các khoản bồi thường phải chi trả có thể bao gồm: Chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015) và chi phí bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015). Ngoài ra, người chịu trách nhiệm còn phải đền bù tổn thất về tinh thần cho nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ việc.

Đối với các hành khách bị rơi điện thoại, ví tiền hay tài sản khác dẫn tới hư hỏng hoặc bị thất lạc, họ cũng có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy này bồi thường theo quy định.

Số tiền bồi thường sẽ do Công ty Phương Đông thỏa thuận, đàm phán với gia đình các nạn nhân. Trường hợp không thỏa thuận được mức bồi thường, phía nạn nhân có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án dân sự, chấp hành viên sẽ xác minh điều kiện thi hành án của người có nghĩa vụ thi hành án. Trên thực tế, trong nhiều vụ việc, người có nghĩa vụ không có đủ tài sản, không đủ khả năng thi hành án. Khi đó, việc xử lý vụ án dân sự sẽ căn cứ Luật Thi hành án Dân sự 2008.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 44 Luật Thi hành án Dân sự 2008 quy định trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Nếu người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án và đang thuộc diện phải chấp hành hình phạt tù mà thời gian còn lại từ 2 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh ít nhất là 1 năm/lần.

Nếu sau 2 lần xác minh mà người có nghĩa vụ vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án, tức phía nạn nhân, về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện của người phải thi hành án.

Trường hợp này, mức bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp không đạt được thỏa thuận và phía Công ty Phương Đông cũng không đủ khả năng chi trả toàn bộ thiệt hại, việc thi hành án sẽ phải chờ tới khi công ty này có đủ điều kiện thi hành theo quy định.

Có dấu hiệu hình sự trong vụ lật cano chở 39 người tại Hội An?

Theo luật sư, nếu hành vi của lái tàu có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định.

Ai chịu trách nhiệm vụ cano chở 39 người bị lật tại Hội An?

Theo luật sư, thuyền trưởng Sen cùng Công ty Phương Đông có trách nhiệm phối hợp bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự, người liên quan sẽ bị khởi tố.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm