Nguyên nhân khó nổ
Rất nhiều người sử dụng xe máy ở khu vực phía Bắc đã gặp phải hiện tượng sáng mùa đông, dắt xe ra đi làm mà loay hoay mãi không thể khởi động được. Đề liên tục, kéo “le”, tắt chìa khóa đạp cần khởi động mà vẫn “bó tay”.
Hầu hết mọi người hiểu sơ qua là do trời lạnh thì thế. Trên thực tế, đây là hiện tượng khá phổ biến đối với những chiếc xe máy, đặc biệt là xe số Yamaha. Có nhiều nguyên nhân khiến xe máy khó khởi động vào buổi sáng mùa đông.
Có thể lý giải, khi thời tiết lạnh, khả năng bay hơi của nhiên liệu giảm làm cho hỗn hợp hòa trộn nhiên liệu và không khí thường không đủ độ đậm đặc (nghèo xăng) hơn lúc máy nóng hay thời tiết ấm. Chính vì vậy, tỷ lệ căn chỉnh gió và nhiên liệu tại bộ chế hòa khí ảnh hưởng trực tiếp đến việc khởi động xe khi thời tiết lạnh”.
Nguyên nhân xe máy khó nổ vào mùa đông thường bắt nguồn ở bộ phận chế hòa khí. |
Có trường hợp, khi trời lạnh hoặc độ ẩm cao, lượng không khí trong động cơ xe bị ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ trong chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu. Vì vậy, lượng không khí cần thiết để đáp ứng cho quá trình khởi động xe bị thiếu hụt gây nên tình trạng khó nổ.
Không những vậy, lượng nước bị ngưng tụ cũng có thế làm tắc một số bộ phận dẫn nhiên liệu hoặc ảnh hưởng đến bộ phận đánh lửa và nhanh tạo ra muội than tại bu-gi. Một số loại xe máy hiện nay được trang bị khóa xăng an toàn dạng chân không nên khi tắt máy xăng sẽ không xuống chế hòa khí. Do vậy, loại xe này cũng thường khó khởi động hơn vào mùa đông.
Như vậy, nguyên nhân xe máy khó nổ vào mùa đông thường bắt nguồn ở bộ phận chế hòa khí và kèm theo đó là khu vực đánh lửa bị ảnh hưởng”.
Khắc phục thế nào?
Nhiều nhà sản xuất và các kỹ thuật viên sửa chữa xe khuyên rằng, để khắc phục hiện tượng xe khó khởi động, đừng ngại mang xe đi bảo dưỡng đều đặn trong mùa lạnh và tập trung vệ sinh sạch sẽ bu-gi, đồng thời căn chỉnh bộ chế hòa khí một cách hợp lý sao cho không ảnh hưởng đến độ bền của động cơ và lượng tiêu hao nhiên liệu.
Về cách chỉnh chế hòa khí, việc đầu tiên bạn cần làm là dựng xe trên chân chống giữa. Dùng tuốc vít vặn cả ốc xăng và ốc gió vào hết cỡ. Ốc xăng là ốc nằm thẳng dưới trụ ga, ốc còn lại là ốc gió. Để nổ khoảng 5 phút cho máy nóng. Sau đó buông tay ga. Nới lỏng ốc gió chậm rãi theo chiều ngược kim đồng hồ. Ban đầu, máy sẽ nổ lụp bụp (do thừa xăng), bạn phải điều chỉnh sao cho tiếng lụp bụp đó hết dần rồi nhớ vị trí của ốc gió. Khi đã nhớ được vị trí ốc gió giúp máy nổ êm tiếp tục nới ốc gió.
Kéo le gió. |
Lúc này máy sẽ rú lên, càng nới, càng rú (do thiếu xăng, dư gió). Ghi nhớ vị trí tốc độ máy cao nhất. Bạn vặn ốc gió vào vị trí giữa hai điểm vừa nhớ. Đó chính là điểm hợp lý nhất để chế hòa khí lấy gió. Cuối cùng, bạn nới dần ốc xăng theo chiều ngược kim đồng hồ cho tới khi máy nổ ổn định, xe không rung, không tắt máy, tiếng nổ đều là đã chỉnh xong.
Ngoài việc căn chỉnh chế hoà khí lấy vừa đủ xăng và không khí, một vài thủ thuật khi khởi động cũng đáng để bạn lưu ý:
Đối với các dòng xe số phổ thông, cách khởi động tốt nhất vào mỗi buổi sáng là mở le (hay còn gọi là air, thường nằm ngay dưới vị trí còi) hoàn toàn, nhưng không nên vặn tay ga vì sẽ làm tăng lượng gió vào và giảm độ đậm đặc của hỗn hợp hòa trộn.
Nếu khởi động bằng nút đề mà máy không nổ thì phải sau 10 giây mới khởi động lại. |
Khởi động bằng cách ấn nút đề hoặc đạp cần khởi động. Nếu khởi động bằng nút đề mà máy không nổ thì phải sau 10 giây mới khởi động lại và mỗi lần khởi động không nhấn giữ nút đề quá 3 giây (gây hại tới ắc-quy). Khi động cơ đã nổ, đóng từ từ cần gạt le cho đến khi máy nóng và có tiếng nổ ổn định thì có thể đi. Thực hiện đúng quy trình như trên là cách sử dụng đúng đắn, tạo hiệu năng cao và tăng độ bền cho động cơ.
Đối với xe ga, trước khi nổ máy, hãy bật khóa điện rồi vặn tay ga một vài lần (chỉ thực hiện với tay ga, không thực hiện với xe số) rồi mới bấm đề. Động tác này giúp cho hỗn hợp xăng-không khí lấp đầy đường ống dẫn và xuống buồng đốt. Riêng đối với thao tác đề, hãy nhả hết tay ga rồi mới bấm đề. Nếu bạn kéo tay ga trong lúc bấm đề, hỗn hợp xăng-khí sẽ loãng hơn nên máy càng khó nổ.