Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử trí đột quỵ não trong mùa lạnh

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm dài ngày, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Trong đó, đột quỵ não là căn bệnh đáng ngại nhất khi đe dọa tính mạng người bệnh.

Đột quỵ não là nguy cơ lớn trong điều kiện thời tiết lạnh. Ảnh: national_cancer_institute.

Theo thông tin mới đây từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não, với đa dạng các thể như nhồi máu não, xuất huyết não…

Đáng nói, tỷ lệ người trẻ tuổi trong nhóm này chiếm tới khoảng 20%. Đa số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng cao ở thời điểm mùa hè, nắng nóng gay gắt hoặc mùa đông lạnh sâu, rét đậm như hiện nay.

Nguyên nhân chính gây đột quỵ não

Về mặt lý thuyết, đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Trong đó, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.

Mặt khác, xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương cơ quan này.

xu tri dot quy nao anh 1

Người cao tuổi, bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ cao bị đột quỵ não mùa lạnh. Ảnh: BVCC.

Trong điều kiện lạnh sâu, thời tiết miền Bắc có những ngày xuống dưới 10 độ C dễ khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng đột ngột và gây nguy cơ vỡ mạch máu não.

Một nguyên nhân khác là vào mùa lạnh, số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ đặc quánh của máu, từ đó khiến nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu cao hơn.

Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao, khả năng hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu thậm chí cao hơn nữa, gây nguy cơ đột quỵ não.

Từ những nguyên nhân trên, nhóm người cao tuổi (từ 50 trở lên), bệnh nhân huyết áp cao, đái tháo đường, trường hợp hút thuốc lá và béo phì sẽ có nguy cơ đột quỵ não mùa lạnh cao nhất.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan lối sống thiếu khoa học cũng dẫn đến tình trạng đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa như ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia, rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay căng thẳng kéo dài…

Xử trí kịp thời người đột quỵ não

Trên thực tế, các bệnh nhân đột quỵ não cần được nhập viện sớm nhất có thể để được thăm khám và kịp thời xử lý. Điều này còn quan trọng hơn đối với trường hợp nhồi máu não. Bệnh nhân cần vào viện trong khoảng thời gian 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh.

Đây là thời gian vàng để sử dụng các biện pháp tái thông mạch máu, giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn, qua đó tăng cơ hội sống.

Để làm được điều này, các chuyên gia y tế đã đưa ra một số cách nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”:

  • Face (Mặt): Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua gương mặt người bệnh. Dựa vào tình trạng mặt bị mất cân đối hoặc một bên miệng bị méo. Có thể yêu cầu bệnh nhân cười để quan sát rõ hơn.
  • Arm (Tay): Yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước, bên đó sẽ được kết luận bị liệt.
  • Speech (Nói): Nhận biết sự bất thường trong ngôn ngữ. Yêu cầu người bệnh nói lặp lại một câu đơn giản nào đó. Nếu giọng nói không được tròn, rõ, lưu loát hoặc không thể nói được, đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ.
  • Time (Thời gian): Bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu xảy ra cả 3 dấu hiệu kể trên. Do đó, người xung quanh cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

Căn cứ vào tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám, đưa ra đánh giá và chỉ định điều trị phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng đơn nguyên Cấp cứu, cho biết: “Trước đây, bệnh nhân nhồi máu não có thể tử vong hoặc nếu được cứu vẫn phải chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, méo mồm… gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động thường ngày, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình”.

xu tri dot quy nao anh 2

Nhiều trường hợp đột quỵ não nặng được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng nề và gánh nặng điều trị. Ảnh: BVCC.

Tuy nhiên, hiện nay, với kỹ thuật mới, các trường hợp nhồi máu não được cấp cứu trong "thời gian vàng" vẫn có thể thoát khỏi tình trạng nguy kịch, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, hạn chế di chứng.

Để chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, người dân cần tự nâng cao kiến thức phòng bệnh và ghi nhớ một số phương pháp:

  • Giữ ấm cơ thể: Hạn chế thời gian ở ngoài trời lạnh, không đi tập thể dục quá sớm. Nếu cần ra ngoài, chúng ta cần mặc ấm, nhiều lớp, che đầu và tay, đi tất và giày; Uống nhiều nước ấm, không tắm muộn hay tắm nước lạnh, giữ ấm nhà cửa…
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Trên thực tế, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ. Do vậy, trong mùa lạnh, người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.
  • Đảm bảo dinh dưỡng trước thời tiết lạnh: Các bác sĩ lưu ý chúng ta tránh dùng nhiều đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ dầu mỡ nhiều cholesterol và chất béo, thức uống có cồn, nước có ga, rượu bia… Đồng thời, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt trắng, hải sản, trứng, ngũ cốc và các loại đậu…
  • Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/lần tập và duy trì 3-4 lần/tuần sẽ mang lại hiệu quả tăng cường sức khỏe tốt.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá: Đây là một trong những căn nguyên gây ung thư phổi và đột quỵ.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thói quen này giúp sớm phát hiện bệnh và tìm ra phương pháp điều trị sớm nhất.

Cuốn sách Khi hơi thở hóa thinh không mô tả khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Người phụ nữ hồi phục sau di chứng đột quỵ liệt nửa người

Tưởng sẽ phải gắn chặt cuộc đời với chiếc giường do di chứng liệt nửa người lâu năm sau tai biến, nữ bệnh nhân may mắn hồi phục nhờ can thiệp y học cổ truyền.

Phòng ngừa 5 căn bệnh nhờ có chế độ ăn dựa trên thực vật

Theo nhiều nghiên cứu, ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư vú, bệnh thận và đột quỵ.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm