Ngày 28/4, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Nội hô hấp đã lấy thành công dị vật là xương cá trong phổi gây biến chứng ho ra máu, viêm phổi nặng đối với bệnh nhân N.V.T. (61 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ).
Chiều 26/4, ông T. nhập viện với tình trạng mạch nhanh, huyết áp tăng cao, ho ra máu, khó thở. Bệnh nhân cho biết các triệu chứng này xuất hiện khoảng 4 tuần và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.
Ông N.V.T. đã hết ho ra máu. Ảnh: T.P. |
Bệnh nhân cho biết không rõ về sự cố ăn uống, hóc hoặc sặc dị vật trước đó. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang ghi nhận tổn thương đông đặc phân thùy giữa phổi phải.
Các bác sĩ chỉ định nội soi phế quản, lấy dị vật cấp cứu cho ông T.. Kết quả ghi nhận dị vật xương cá cắm sâu vào niêm mạc ở góc phải phế quản. Niêm mạc xung quanh và phía dưới dị vật viêm cấp, phù nề nặng.
Ê-kíp nội soi cho ông T. bơm rửa phế quản sau khi gắp dị vật. Thủ thuật kết thúc thành công sau 20 phút, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, phổi thông khí tốt, không ho ra máu thêm.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hoặc mạn tính là nhiễm trùng phế quản phổi. Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật, gây ra tình trạng viêm phổi hậu tắc nghẽn tái đi tái lại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.
Khi người bệnh có ho nhiều, viêm phổi tái diễn không rõ nguyên nhân phải đến cơ sở chuyên khoa sâu về hô hấp để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nội soi phế quản ống mềm giúp chẩn đoán xác định vị trí dị vật, bản chất dị vật, tổn thương phối hợp. Đây là phương pháp điều trị tối ưu lấy dị vật ra khỏi đường thở.
Theo bà Thúy, để phòng tránh dị vật đường hô hấp, người dân không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật như xương gà, xương cá, xương heo… Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi.
Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời, tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật vì thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
“Người dân cần chú ý phòng tránh hóc dị vật đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao như bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người giả, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.