Ngày 8/10, TAND Tối cao TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm tử hình đối với Lê Anh Kiệt (SN 1964, ngụ TP.HCM), Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ Tây Ninh) và Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957, ngụ Tây Ninh) cùng về các tội danh “giết người”, “cướp tài sản”, "mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. |
Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian cải tạo tại trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước) các bị cáo quen biết với nhau. Ra tù, quen thói thích ăn chơi nhưng lười lao động nên nhóm này tập hợp lại và rủ nhau đi cướp tiệm vàng.
Để thực hiện kế hoạch, ngoài khẩu súng mà Võ Anh Kiệt có trước đó, các thành viên còn góp tiền lại mua thêm 2 khẩu K59 và hàng loạt hung khí như dao, kiếm, gậy sắt để sẵn sàng tấn công khi bị nạn nhân phản kháng, chống cự hay bị truy đuổi.
Từ tháng 9/2000 - 7/2005, băng này đã thực hiện trót lọt 8 vụ nổ súng cướp tiệm vàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Vĩnh Long, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh gây hoang mang dư luận.
Đặc biệt, trong vụ cướp tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) ngày 2/10/2004, do bị chủ tiệm vàng là ông Doãn Mỹ kháng cự quyết liệt nên Kiệt và Nhãn đã nổ súng tước đi sinh mạng của ông này lấy đi 50 lượng vào, 10.000 USD và 150 triệu đồng. Ngoài ra, ở những vụ án khác nhóm này còn nổ súng tấn công làm bị thương 7 người với mức thương tật từ 1 - 31%.
Tổng tài sản mà các bị cáo đã cướp được gồm 84 viên kim cương (trị giá 300 triệu đồng), 363 lượng vàng 24K, 350 lượng vàng 18K, 30 lượng vàng SJC, 605 triệu đồng tiền mặt, 210.000 yên Nhật, 16.500 đô la Mỹ, 500 đô la Canada, 300 đô la Úc (tổng số tiền cướp được tính tại thời điểm xét xử là hơn 33 tỷ đồng). Số tài sản cướp được băng cướp chia nhau tiêu xài.
Do bệnh nặng nên Tiếm - đối tượng cầm đầu băng cướp - phải hầu tòa bằng xe lăn. |
Sau khi gây án và chia tài sản băng cướp này "nằm im", không hoạt động, không liên hệ gì với nhau. Thậm chí Kiệt - người được chia tài sản nhiều nhất khi cướp được - sau khi gây án thì về nhà phụ vợ bán rau. Còn Tưởng mở công ty riêng làm ăn lương thiện nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra phá án.
Đến năm 2005, các đối tượng quyết định giải tán băng cướp và ném những khẩu súng xuống sông để phi tang. Ngày 8/10/2011, do hết tiền xài nên các thành viên nay lại “họp mặt” bàn bạc kế hoạch đi cướp thì bị lực lượng công an bắt gọn. Hai đối tượng Trần Hữu Lộc và Nguyễn Tấn Trung đã chết trước đó do sốc ma túy.
Tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 5, TAND TP.HCM đã tuyên án tử hình đối với Kiệt, Tiếm và Nhãn, còn Phan Văn Tưởng lãnh tù chung thân cùng về tội danh “giết người”, “cướp tài sản”, “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Đặng Văn Phước lãnh án 15 năm tù cho 2 tội danh “cướp tài sản”, “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Không đồng ý với mức án trên nên sau đó, Kiệt, Tiếm và Nhãn làm đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.