Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý nghĩa các món ăn không thể thiếu ngày Tết

Bánh chưng, bánh tét, giò chả hay thịt đông... chứa đựng thông điệp, ý nghĩa đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền.

Mâm cơm Tết ngập tràn màu sắc và hương vị mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ảnh: Chubs Eat Drink.

Trong tâm thức của mỗi người Việt, bữa cơm sum vầy ngày Tết luôn là một nét văn hóa đẹp đẽ. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng mỗi năm chỉ có một, khi cả gia đình quây quần bên nhau, cùng ôn lại những chuyện đã qua và kể nhau nghe những dự định sắp tới.

Mỗi món ăn truyền thống trong dịp này đều mang đến ý nghĩa riêng, chứa đựng những lời chúc tốt lành cho một năm mới vạn sự như ý, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Bánh chưng

Mon ngon ngay Tet anh 1

Bánh chưng mang dấu ấn ẩm thực của dân tộc, tạo nên phong vị ngày Tết Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bánh chưng được làm từ những nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết của người Việt.

Món bánh truyền thống này xuất hiện từ thời vua Hùng với tạo hình vuông vức, tượng trưng cho mặt đất. Ngoài ra, phần dây lạt buộc bên ngoài thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình cũng như sự gắn kết dân tộc.

Dù có đủ món ngon, trên mâm cỗ ngày Tết, bánh chưng vẫn luôn được đặt ở vị trí trung tâm và mang ý nghĩa thiêng liêng.

Ngày Tết, mỗi gia đình dâng cúng bánh chưng cũng nhằm thể hiện sự biết ơn với trời đất, cầu chúc một năm no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài ra, bánh còn thể hiện sự trân trọng đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Giò chả

Mon ngon ngay Tet anh 2

Những miếng giò ngọt vị thịt làm nên hương vị ngày Tết truyền thống. Ảnh: Sao Mai.

Giò chả mang ý nghĩa cầu mong “trong ấm ngoài êm”, hàm ý tạo ra phúc lộc đầy nhà, mang đến một năm may mắn.

Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu - một món được ưa chuộng trong ngày Tết của cả 3 miền. Nhờ vị chua nhẹ, cay dịu, thơm nồng của kiệu sẽ giúp các món như giò chả bớt ngậy và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Trong quan niệm của người xưa, củ kiệu, dưa hành ngày Tết tượng trưng cho tiền bạc, vinh hoa và phú quý.

Thịt đông

Mon ngon ngay Tet anh 3

Thịt đông chứa đựng ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự gắn kết và yêu thương. Ảnh: Giang Hoàng Linh.

Thịt đông là đặc sản của xứ lạnh, gồm nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt chân giò, tai heo, thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương… Phần thạch trong suốt đẹp mắt tượng trưng cho sự trong trẻo, tinh khôi của một năm mới. Phần nhân hòa quyện và kết dính tự nhiên, ngụ ý về tình cảm lứa đôi hòa hợp.

Chính vì thế, trên mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc thường có sự góp mặt của thịt đông, mang đến lời chúc “trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp” cho các thành viên còn độc thân trong gia đình, cầu mong cho đường tình cảm của người thưởng thức được thuận lợi.

Thịt kho tàu

Mon ngon ngay Tet anh 4

Thịt, trứng với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt mang ý nghĩa ấm cúng, sum vầy. Ảnh: Quanbuirestaurant.

Thịt kho tàu (hay thịt kho hột vịt) giản dị nhưng bao năm qua luôn giữ vị trí không thể thiếu trên mâm cơm Tết Việt. Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho là thấy Tết kề bên. Món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người nấu từ cách chọn thịt, khâu ướp gia vị đến thời điểm thêm nước dừa để thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh.

Thịt kho tàu thường được chế biến sẵn để dùng dần trong các ngày Tết Nguyên đán. Thịt ba chỉ được thái thành miếng vuông vừa ăn, tẩm ướp gia vị rồi đem kho cùng trứng đã luộc sẵn. Phần thịt hình vuông, quả trứng tròn thể hiện sự đoàn viên, gia đình gắn kết và mong ước viên mãn trong năm mới. Khi dùng bữa, bạn có thể dọn món ra ăn ngay với cơm nóng.

Canh khổ qua

Mon ngon ngay Tet anh 5

Canh khổ qua nhồi thịt không thể thiếu trong mâm cơm chiều 30 Tết của người miền Nam. Ảnh: Rasianbran.

Canh khổ qua thường được các gia đình ở miền Nam chuẩn bị trong mâm cơm ngày Tết bởi nó thể hiện niềm hy vọng về một cuộc sống sung túc, mọi khổ cực sẽ dần qua đi.

Món ăn này vị hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khỏe. Người chế biến làm sạch ruột khổ qua, sau đó nhồi hỗn hợp thịt băm cùng mộc nhĩ, bún tàu và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín.

Gà luộc

Mon ngon ngay Tet anh 6

Gà tạo hình cánh tiên, miệng ngậm hoa hồng, chân quỳ, cánh duỗi. Ảnh: Ngân Giang, Quỳnh Trang.

Thịt gà luộc là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình Việt. Gà phải được luộc thật khéo, giữ được lớp da vàng óng, mượt mà, được tạo dáng đẹp và chắc chắn.

Thông thường gà sẽ được luộc nguyên con để dâng cúng tổ tiên. Gà sau khi cúng được chặt miếng thật đẹp, ăn cùng lá chanh, muối tiêu và xôi.

Gà vốn là loài vật quen thuộc với con người, biểu trưng cho sự cương trực và mạnh mẽ, mang đến sức khỏe và công danh. Gà luộc cũng tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang và cầu gì được nấy. Đồng thời hình ảnh con gà còn có ý nghĩa đánh thức mặt trời trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, từ đó nhận về nhiều may mắn.

Với nhiều gia đình, gà luộc xé phay rau răm là phiên bản ẩm thực quen thuộc cho mâm cơm ngày Tết. Món ăn này có cách làm đơn giản. Người chế biến xé gà thành miếng nhỏ, trộn đều với hỗn hợp nước mắm chua ngọt. Hành tây, giá đỗ, rau răm… cũng được kết hợp mang đến hương vị thanh đạm, giúp bạn chống ngán.

Các loại mứt

Mon ngon ngay Tet anh 7

Mỗi loại mứt trong ngày Tết đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Ảnh: Vietnam Online.

Mứt dừa được xem là loại mứt truyền thống và được nhiều người chọn lựa đặt lên khay mứt ngày Tết mỗi độ xuân về. Mứt dừa có vị thơm ngọt đặc trưng và đa dạng về màu sắc nhờ các tạo màu khác nhau tùy theo khẩu vị của mỗi người. Không những thơm ngon, ngọt bùi, mứt dừa còn mang ý nghĩa quây quần, sum vầy hạnh phúc cho cả gia đình, bạn bè trong năm mới.

Mứt quất có màu vàng óng, vị ngọt chua nhẹ, là một trong những loại mứt thơm ngon không thể thiếu vào dịp Tết. Mứt quất có công dụng kích thích tiêu hóa, giúp giảm cảm giác ngán ăn trong ngày Tết. Mứt quất cũng chữa ho rất hiệu quả. Quả quất thường có bảy múi đều nhau, không nát, màu vàng óng đặc trưng và bắt mắt nên món ăn này được tin sẽ mang tới thịnh vượng, may mắn cho gia đình trong năm mới.

Mứt gừng được ưa thích trong ngày Tết bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Vị cay nồng ấm của gừng hòa quyện cùng vị ngọt thanh tao của lớp đường phủ bên ngoài. Tết đến, xuân về, mọi nhà đều dùng mứt gừng với ý nghĩa những cay đắng tuy vẫn còn đọng lại như vị cay của gừng nhưng vị ngọt chính là sự khởi đầu cho một năm mới thuận lợi, may mắn hơn.

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.

> Xem thêm: Tủ sách ẩm thực Tết

10 món ăn may mắn trong dịp Tết Nguyên đán

Vào dịp lễ Tết, những món ăn này thường được nhiều người châu Á chọn để mang lại nhiều điều may mắn, ấm no và sung túc cho năm mới.

Cúng Tết ông Công ông Táo

Chuẩn bị mâm cúng tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp là nét văn hóa lâu đời của người Việt.

Hương vị ẩm thực ngày Tết qua những trang sách

Mùi của Tết là hương thơm của tình thân và sự đoàn tụ. Những ngày giáp Tết, ta không quên dành cho riêng mình phút giây thư giãn bên trang sách hay.

Khánh Vân

Bạn có thể quan tâm