Ngày 25/1, bác sĩ Jiang Jijun lên cơn đau tim, tử vong vì kiệt sức trong lúc làm việc. Đội ngũ y, bác sĩ ở Vũ Hán đang phải đối mặt rất nhiều áp lực, khó khăn khi dịch lây lan chóng mặt.
Thừa căng thẳng, thiếu thốn mọi thứ
Hàng nghìn người tại Vũ Hán đổ dồn về các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Hành lang bệnh viện luôn đông đúc, chật chội người xếp hàng chờ khám. Đó là cảnh tượng thường thấy lúc này tại “thành phố ma”, 3 ngày sau lệnh đóng cửa, cách ly Vũ Hán.
Báo cáo đến ngày 27/1 cho thấy 80 người Trung Quốc tử vong vì corona. 2.454 người Trung Quốc được xác định nhiễm virus này, theo SCMP.
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ giúp đỡ người bệnh tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán ngày 24/1/2020. Ảnh: AFP. |
Trước tình hình đó, một y tá mang thai 7 tháng vẫn phải đi làm. Nhiều bác sĩ khác phải đeo bỉm khi làm việc vì không có đủ thời gian đi vệ sinh.
Các bác sĩ khác cũng chịu cảnh tương tự vì sợ mỗi lần đi vệ sinh không may làm rách bộ đồ bảo hộ. Một số người khác, đôi bàn tay trắng toát vì liên tục phải tẩy sạch mọi thứ bằng thuốc khử trùng.
Bệnh viện thiếu giường bệnh, bác sĩ, y tá và không có đủ cả găng tay cao su hay khẩu trang y tế. Hai bệnh viện dự phòng khác đã được dựng lên nhanh chóng tại ngoại ô Vũ Hán, dự kiến cung cấp thêm 1.000 giường bệnh.
Hiện tại, ngoài Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh cũng bị “dán nhãn” khấp cấp cấp độ 1. Sự lây lan nhanh của virus corona khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc "như một quả bom hẹn giờ".
Bên ngoài Trung tâm điều trị y tế Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc có 60.000 bác sĩ đa khoa được cấp phép, chiếm 3,5% tổng số bác sĩ của đất nước 1,4 tỷ dân. Dù làm việc không ngừng nghỉ, đội ngũ y, bác sĩ không đáp ứng được cho việc chăm sóc và khám cho người dân Vũ Hán.
“Tình hình ở đây thật nghiệt ngã” - một y tá làm việc tại Bệnh viện Xincheng (Vũ Hán) chia sẻ trên WeChat - “Tất cả bệnh viện lớn ở Vũ Hán đều chật cứng người. Chúng tôi không thể nhận thêm bệnh nhân nữa”.
Ngay lập tức, nó được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người thêm lo lắng cho đội ngũ y bác sĩ tại đây.
Các bệnh viện tại Vũ Hán đều quá tải, thiếu thốn thiết bị y tế, y bác sĩ tuyệt vọng, kiệt sức. Ảnh: AFP. |
The Paper đưa tin ngày 25/1, tất cả cơ sở y tế đều thiếu trầm trọng thiết bị bảo vệ như khẩu trang, quần áo bảo hộ, kính… Nguồn cung hiện tại chỉ đủ cho họ cầm cự trong 5 ngày.
Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ 144 triệu USD tài trợ khẩn cấp. Một công ty khẩu trang đã kết thúc kỳ nghỉ lễ sớm để hoàn thành đơn hàng 80 triệu chiếc khẩu trang.
Thành phố "như quả bom nổ chậm"
Không khí căng thẳng bao trùm khắp Vũ Hán. Một bác sĩ ở Bệnh viện Liên minh Vũ Hán với tài khoản Mr.Do viết trên Weibo: “Bộ đồ bảo hộ chúng tôi mặc trên người có thể là cuối cùng. Tôi không thể lãng phí nó”.
Vũ Hán "như một quả bom nổ chậm" khi tình hình virus ngày càng lây lan, 80 người đã tử vong. Ảnh: AFP. |
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, 15 nhân viên bệnh viện tại Vũ Hán nhiễm virus corona. 14 người trong số họ (1 bác sĩ và 13 y tá) bị lây nhiễm từ một bệnh nhân. Ủy ban Y tế Hồ Bắc cũng cho biết 5 nhân viên y tế của thành phố Hoàng Cương (Hồ Bắc) nhiễm virus.
Sự lây lan của virus corona khiến nhiều người lo sợ. Candice Qin, bác sĩ tại Hồ Bắc, tâm sự cô đã tư vấn cho 4 người ở Vũ Hán nghi ngờ nhiễm virus. Trong đó, một bác sĩ 30 tuổi bị lây virus từ bệnh nhân. Khi biết bệnh viện không còn đủ giường, bác sĩ này đã chọn cách tự cách ly trong căn hộ của mình, không nói với bố mẹ.
“Điều cô ấy sợ nhất là cảm giác bất lực và cô đơn”, Lit Qin kể lại. Điều duy nhất đồng nghiệp của tôi có thể làm là uống một số thuốc chống virus và hy vọng bệnh thuyên giảm.
“Mọi y tá và bác sĩ ở Vũ Hán đều đang phải chịu áp lực lớn cả về thể chất và tinh thần. Bệnh nhân rất lo lắng nhưng hãy thông cảm cho đội ngũ y bác sĩ, bởi họ cũng là con người”, Lit Quin nhấn mạnh.
Đồ họa: Minh Hồng. |