Rapper Phúc Du. |
Rating: 7/10
Bức tranh rap Việt từ 2022 đến nay cho thấy sự "soán ngôi" âm thầm của thế hệ trẻ. Khi ra mắt sản phẩm mới, các tên tuổi hàng đầu như Đen Vâu, Binz đều không tạo được sức hút như trước. Trái lại, lứa Gen Z (những người sinh sau năm 1996) vùng lên với 2 gương mặt đại diện là MCK và HIEUTHUHAI.
Trước tình thế đó, Phúc Du – một rapper không quá mới nhưng chưa đủ dày dặn để xếp vào “chiếu trên” – cũng không thể ngồi yên khi tung ra EP Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì. Sản phẩm gồm 6 track với 3 đĩa đơn và 3 bản remix. Trong đó, bài hát chủ đề đang gây chú ý, được nhiều khán giả chia sẻ trên mạng xã hội.
Ca khúc bị “phân mảnh”
Như tên gọi, thông điệp của Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì khá đơn giản. Phúc Du sử dụng những yếu tố đời tư để viết nên một bản rap love (rap về tình yêu). Anh kể với người nghe rằng vừa quen một cô gái, nhưng “muốn một cuộc tình dài” hơn chỉ là dừng lại ở những rung động thoáng qua.
Để khẳng định tình yêu với bạn gái, rapper sinh năm 1996 tung ra hàng loạt câu chữ ngọt ngào. Đặc biệt là khi tỏ tình, anh không ngại nhắc đến nghề nghiệp của mẹ, tự hào nhận mình là “con trai bà bán bánh mì”.
Phúc Du gây chú ý với ca khúc tán gái nhưng nhắc về mẹ. |
Viết rap về mẹ không phải là điều lạ ở làng nhạc thế giới. Snoop Dogg có I Love My Momma (1999), Kanye West có Hey Mama (2005), Lil B lại là Best Mom Ever (2010). Nhưng dùng mẹ như một chiêu để “cưa cẩm” bạn gái là điều lạ. Phần vì nó không phổ biến trong thực tế, phần vì nó đi ngược với quan niệm “mẹ chồng nàng dâu” quen thuộc của người Á Đông.
Ý tưởng Phúc Du đặt ra trở thành bài toán khó với chính anh. Sáng tác bị “phân mảnh” bởi 3 nội dung riêng biệt. Có lúc rapper dành nhiều thời gian để ca ngợi mẹ, lúc lại tự “quảng cáo” bản thân, và phần lớn vẫn là “thả thính” bạn gái.
Trước nay, ngòi bút là điều giúp Phúc Du được đánh giá cao. Lần này rapper không đặt nặng câu chữ, chủ yếu sử dụng ca từ đơn giản để dễ chạm đến người nghe. Anh chuộng thủ pháp nói lái như “tính anh hiền” – “hiến anh tình”, “gây cho em lú” – “gu cho em lấy”...
Điểm sáng nằm ở những hình ảnh so sánh, gợi nhớ lò bánh mì mẹ anh nấu hàng ngày. Đó là “nồi mơ ước”, “viên than hồng rực”, “khéo như mẹ làm pate”,… Qua từng câu chữ, người nghe cũng phần nào hình dung được con người rapper. “Anh là con nhà lính, tính nhà văn”, “tính anh hiền” và “đôi khi không trông chất”.
Đòn bẩy của Phúc Du
Thực tế, có đến 2/3 ca khúc trong EP được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào năm ngoái. Đó là Replay trên con Guây (hợp tác Đan Ni) và Đứa nào làm em buồn? (hợp tác Hoàng Dũng). Song, cả 2 bài đều không gây được tiếng vang quá lớn. Nếu không có Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì, hẳn nhiều khán giả đã quên mất sự hiện diện của Phúc Du.
Đặt lên bàn cân, ca khúc dễ nghe hơn hẳn 2 bài còn lại trong EP. Flow (nhịp rap) cũng nhẹ nhàng, dễ vào tai. Sự tính toán của Phúc Du nằm ở phần hook (điệp khúc) khi anh tách từ tiếng Anh “love” (tình yêu) thành tiếng Việt “lo ve”, từ đó tạo ra một tuyên ngôn vừa nam tính mà lại rất “Gen Z”:
“Hãy để con trai bà bán bánh bánh bánh mì / Lo lo lo cho em / Đừng lo lo lo lo gì / Ngoài lo lo lo lo ve”.
Rapper dụng công trong việc viết một đoạn hook bắt tai để tạo hit. |
Khác 2 đàn em tlinh, MCK chọn trường phái “đóng tune” – dùng autotune (phần mềm điều chỉnh tự động) để biến đổi giọng hát, Phúc Du có thể là đại diện tiêu biểu cho phong cách “tròn vành rõ chữ”. Anh có lối xử lý đơn giản, không nhiều luyến láy nhưng nhấn nhá chắc chắn, ít nhiều tạo nên cảm xúc nhất định cho bài.
Thế nhưng, chính bản phối của Dương K mới là điểm nâng tầm bài hát. Từ cách anh đặt piano nhỏ nhẹ làm nền, rải guitar đúng lúc đến lúc “bóp” từng âm thanh trở thành lo-fi đều hợp lý, nâng được chất giọng trầm ấm của Phúc Du.
Xuyên suốt ca khúc, nhà sản xuất dùng nhiều tiếng động nhỏ để làm đòn bẩy nâng phần điệp khúc. Nhưng dù ở bất cứ khoảnh khắc nào, Phúc Du đều được tự do bay bổng trong không gian Dương K tạo dựng.
Đáng tiếc ở cuối bài rapper chưa thực sự kiểm soát ngòi bút, dẫn đến việc sáng tác trở nên sến quá mức với những ca từ mùi mẫn. Đơn cử như câu “lời anh như thuốc độc, nên anh sẽ chết nếu nuốt lời”.
Hiệu ứng tốt nhưng cần đột phá hơn
Tạm bỏ qua 3 bản remix ở cuối, phần còn lại của EP vẫn là những bài rap love nhưng có phong cách hoàn toàn khác Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì. Phúc Du không “độc diễn” mà có thêm khách mời.
Trong Replay Trên Con Guây, rapper gốc Hà Nội bắt tay với Đan Ni – một giọng ca nữ còn khá mới trong làng nhạc. Sáng tác nhuốm màu hoài niệm, kể lại khoảnh khắc “xe máy rẻ, tình yêu sang” khi đôi lứa còn yêu nhau, cùng chở nhau đi trên chiếc xe wave – được cả 2 hài hước gọi là “guây”.
Đến Đứa nào làm em buồn?, Phúc Du hợp tác Hoàng Dũng. Anh trở lại gai góc khi rap về khoảnh khắc chông chênh trong tình yêu. “Mỗi khi em hỏi mai sau của chúng ta xin lỗi anh luôn lờ đi thật vô tình”, rapper trình bày.
Sự xuất hiện của các khách mời làm cho âm nhạc của Phúc Du mềm mại hơn. Song, cả 2 ca khúc đều chưa tạo được ấn tượng mạnh như cách anh thuyết phục bạn gái trong Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì.
Hình ảnh Phúc Du trong MV Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì. |
Sau 1 tháng ra mắt, EP tạo được hiệu ứng tốt nhờ ca khúc chủ đề. Hiện MV đạt gần 4 triệu lượt xem, cao hơn hẳn thành tích 3,3 triệu lượt xem của Replay Trên Con Guây (sau 5 tháng). Song, bài vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với Đứa nào làm em buồn? – vượt hơn 12 triệu lượt xem.
Thành tích chưa thể gọi là nổi trội, khó thể tạo một cú hit mạnh mẽ như Ngủ một mình của Hieuthuhai hay Chìm sâu của MCK. Tín hiệu mừng là sáng tác của Phúc Du đang được chú ý hơn nhờ mạng xã hội. Nhiều nghệ sĩ và khán giả thích thú chia sẻ phần điệp khúc. Song, trào lưu này chưa mang tính lan tỏa và có thể sẽ bị dập tắt nếu sắp tới làng nhạc có thêm bản hit mới.
Nhìn chung, Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì không phải là một EP quá đặc sắc. Ê-kíp Phúc Du có nước cờ tính toán khi đẩy mạnh quảng bá đĩa đơn mới, đồng thời dùng EP để “hâm nóng” ca khúc cũ. Nhưng cũng với công thức tương tự, MCK phát hành hẳn album gồm 16 bài tự sáng tác.