Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

YOLO: Trào lưu giúp người trẻ Hàn Quốc 'vơi bớt sự khốn khổ'?

Khóa học với nhiều chủ đề thú vị như chèo thuyền kayak, uống trà cùng người lạ, làm nước hoa... hiện là lựa chọn lý tưởng của các bạn trẻ bận rộn ở Hàn Quốc.

H

àn Quốc vốn được xem là quốc gia tiên phong sáng tạo khi nói về thời trang, công nghệ hay văn hóa nhạc pop. Tuy nhiên, đất nước này lại "bắt nhịp" khá chậm với trào lưu YOLO.

Ngay khi vừa xuất hiện, các khóa học một ngày - biến thể sáng tạo của trào lưu YOLO - nhanh chóng thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ. Họ đăng ký khóa học không chỉ để rèn luyện kỹ năng mới, mà còn nhằm "chạy trốn khỏi cuộc sống địa ngục" với vô số áp lực vô hình từ xã hội.

Trào lưu giúp vơi đi nỗi buồn của giới trẻ Hàn Quốc Tham gia những khóa học này, giới trẻ Hàn Quốc có cơ hội trải nghiệm vô số hoạt động mới mẻ, từ chế tác đồ gỗ, làm nước hoa đến thưởng thức rượu...

YOLO là cách viết tắt của cụm từ You Only Live Once (tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần duy nhất). Khẩu hiệu này thúc đẩy con người dám vượt qua những rào cản và "vùng an toàn" của bản thân để thử thách những điều mới mẻ.

Cụm từ YOLO được Drake - rapper nổi tiếng trong làng nhạc Âu Mỹ - phổ biến rộng rãi từ năm 2011, nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới.

Trào lưu YOLO và nhiều biến thể độc đáo

Sau 7 năm, trào lưu YOLO đã "len" vào đời sống của giới trẻ Hàn Quốc với biến thể độc đáo. Thay vì sử dụng cụm từ này như cái cớ biện minh cho những hành động liều lĩnh, các bạn trẻ xứ kim chi lại ứng dụng nó theo cách nhẹ nhàng, nhưng cũng tinh tế và hiệu quả hơn. Tinh thần này đã thúc đẩy mọi người hình thành thói quen sống tích cực.

"Khóa học một ngày" là chương trình workshop ngắn, thường chỉ diễn ra trong vài giờ. Chủ đề của workshop rất đa dạng, từ làm bánh macaron đến chơi nhạc cụ ukulele. Giới trẻ Hàn Quốc sẵn sàng chi trả một số tiền nhất định để làm phong phú bản thân thông qua những trải nghiệm mới lạ.

Khoa hoc mot ngay o Han Quoc anh 1
Học viên có thể tự làm nước hoa khi tham gia khóa học. Ảnh: Crescent website.

Các khóa học này trở nên hấp dẫn bởi nó phù hợp với khả năng tài chính và lịch trình bận rộn của công dân hiện đại. Mọi người chỉ cần đăng ký trực tuyến để tham gia, bỏ ra một số tiền (trung bình khoảng 5.000 won, tương đương 100.000 đồng). Mức phí này dao động trên dưới 5 USD tùy vào chủ đề khóa học.

Mỗi tiết học thường chỉ kéo dài 2 tiếng. Vì vậy, mọi người dễ dàng lựa chọn khóa học phù hợp với lịch trình cá nhân, có thể là sau khi tan ca hoặc vào ngày cuối tuần.

Sau buổi đầu tiên, học viên có thể lựa chọn tiếp tục tham gia khóa học nâng cao với cùng chủ đề, hoặc đăng ký khóa học khác - nơi họ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động mới mẻ hơn.

Hoạt động chủ yếu trong mỗi tiết học là chế tác, sáng tạo, từ các món ăn đơn giản như bánh ngọt của Pháp hay bia đến làm nước hoa, cắm hoa và vẽ chân dung theo phong cách pop-art. Các hình thức luyện tập như múa ba-lê và yoga cũng rất phổ biến.

Thậm chí, một số loại hình độc đáo hơn cũng được đưa vào nội dung giảng dạy như đi bộ đêm (mức phí chỉ 5.000 won), chèo thuyền kayak trên sông Hàn (mức phí khoảng 25.000 won) và chạy định hướng ngoài trời (mức phí khoảng 10.000 won).

Trong khi một số người lựa chọn khóa học không hề quan tâm đến nội dung, số khác lại có xu hướng làm việc một mình thì một số học viên coi đây như cơ hội giao lưu, trò chuyện.

Có những khóa học mà nội dung chính là tham gia bữa tiệc đông thành viên. Ở đó, mọi người có thể cùng dùng bữa trong bầu không khí thân thiện, vui vẻ. Đây là khóa học được nhiều người lựa chọn. Theo thông báo trên trang web, các buổi học đến cuối tháng 7 đã không còn chỗ trống.

Nội dung của tiết học được thay đổi đa dạng. Với những học viên quan tâm đến cả thể thao và nấu ăn, người hướng dẫn sẽ tổ chức một buổi tập yoga, sau đó mở một buổi tiệc nhỏ ngay trên sân thượng.

Khóa học với chủ đề "Chạy và uống" là lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn chạy bộ sau khi thưởng thức tiệc rượu. Bằng việc tạo cơ hội cho mọi người tham gia một hoạt động lành mạnh, khóa học này giúp họ phần nào xóa bỏ được cảm giác "tội lỗi" sau khi dùng đồ uống có cồn.

Khoa hoc mot ngay o Han Quoc anh 7
Khóa học về đồ uống có cồn là mô hình độc đáo ở Hàn Quốc. Ảnh: Culture Trip.

Bên cạnh đó, những chương trình ngắn hạn này còn nhằm mục đích xoa dịu tâm hồn. Học viên cần bỏ ra khoảng 18.000 won để làm tình nguyện viên tại một trạm cứu hộ động vật, hoặc 30.000 won tham gia buổi hội thảo nhằm học cách yêu thương bản thân và tăng cường lòng tự tôn cá nhân.

Ngoài ra, với những người muốn thêm chút "gia vị" cho cuộc sống cũng có thể lựa chọn chương trình độc đáo khác như bí quyết thưởng thức rượu, tập làm bạn với chính mình và với thú cưng, đi tìm "kho báu" sau khi tan ca, chia sẻ khoảng thời gian đọc sách, uống trà cùng người lạ hay học cách vẽ bằng mực truyền thống và giải tỏa căng thẳng.

YOLO là phương thuốc tinh thần hữu hiệu cho giới trẻ Hàn Quốc - những người luôn cảm thấy áp lực vì guồng quay học hành và kiếm tiền không hồi kết, với hy vọng giành được cơ hội công việc tốt hơn trong tương lai. Thay vì mệt mỏi trông mong vào cuộc sống lý tưởng sau này, những người trẻ đang dần học cách ưu tiên cho nhu cầu tinh thần ở hiện tại.

Họ bỏ tiền ra để thu về kinh nghiệm và tiếp thu những điều trước nay chưa từng biết. Thế hệ trẻ cho rằng lựa chọn này có nghĩa thiết thực hơn so với việc tập trung tiết kiệm mà không có mục tiêu cụ thể.

Tiếng lòng của người trẻ không được sống cho chính mình

Áp lực phải thành đạt, tiêu chuẩn ngoại hình hà khắc, quan niệm hôn nhân nặng truyền thống… là những "sợi dây thòng lọng vô hình" đang dần siết chặt lấy thế hệ trẻ Hàn Quốc. Do đó, nhiều người tìm đến trào lưu YOLO như cách trốn chạy thực tại và cố gắng giải thoát cho chính mình.

Jeong Ji-yoon (30 tuổi, phóng viên) cho rằng vì cái gọi là tiêu chuẩn của xã hội Hàn Quốc, nhiều người trẻ phải hy sinh đam mê của mình để đáp ứng mong đợi từ cha mẹ, chính cô cũng là một trong số đó. Dù Ji-yoon thích vẽ, cô vẫn từ bỏ ước mơ, tập trung thi vào đại học, tìm công việc ổn định và nhanh chóng kết hôn.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành tâm nguyện của phụ huynh, nữ phóng viên mới tự chất vấn bản thân rằng: Liệu chúng ta sống vì điều gì?

"Tôi muốn được một lần sống cho chính mình", Ji-yoon bộc bạch.

6 tháng trước, người phụ nữ 30 tuổi này đã lên kế hoạch cho chuyến đi vòng quanh thế giới với chồng. Sau khi nghỉ việc vào mùa hè năm nay, họ sẽ bắt đầu chuyến đi đến Indonesia, sau đó di chuyển tới Australia và đi xuyên Thái Bình Dương đến Nam Mỹ. Lý do khiến Ji-yoon đưa ra quyết định này là bởi công việc hiện tại khiến cô cảm thấy mệt mỏi.

Ji-yoon cho biết: "Khi tôi chia sẻ với cha mẹ, họ lập tức lo lắng và tư vấn tôi tìm kiếm một công việc thay thế. Trong quá khứ, hẳn tôi sẽ tin rằng lời khuyên của họ luôn luôn đúng, nhưng giờ thì tôi không nghĩ thế nữa".

Khoa hoc mot ngay o Han Quoc anh 8
Trào lưu YOLO đã thay đổi cách người trẻ suy nghĩ về lý tưởng sống. Ảnh: Unsplash.

Theo nữ phóng viên, việc quá tập trung vào tương lai không mang lại cho cô nhiều điều ý nghĩa.

"Nếu tôi chuyển hướng sự nghiệp và theo đuổi cái tôi thực sự đam mê từ khi còn nhỏ, có lẽ tôi sẽ tìm ra đáp án khiến bản thân thỏa mãn. Nhưng nếu không, tôi cũng có thể thay đổi một lần nữa", Ji-yoon lạc quan chia sẻ.

Vì thế, cô đã bắt đầu vẽ tranh trở lại.

Bên cạnh đó, YOLO cũng đang trở thành xu hướng mới trong các chương trình truyền hình và thị trường tiêu thụ. Non-summit - chương trình trò chuyện nổi tiếng của đài JTBC - mới đây dành ra một tập thảo luận về biểu hiện của tinh thần YOLO ở những khu vực khác nhau trên thế giới.

Chương trình Youn’s Kitchen của đài tvN ghi lại các hoạt động hàng ngày của nhóm diễn viên nổi tiếng tại nhà hàng trên một hòn đảo nghỉ mát ở Indonesia. Nhiều người xem đài cho biết đó là cuộc sống họ luôn mong muốn được trải nghiệm, nhưng thực tế không phải ai cũng có đủ can đảm từ bỏ mọi thứ hiện có để làm điều mình thực sự thích.

Khoa hoc mot ngay o Han Quoc anh 9
Hình ảnh cắt ra từ chương trình Youn’s Kitchen. Ảnh: Yonhap.

'Vui thôi đừng vui quá'

Được cổ vũ mạnh mẽ bởi giới trẻ nhưng YOLO không hẳn không có mặt trái. Sau một thời gian du nhập vào Hàn Quốc, trào lưu này dần đi chệch khỏi mục tiêu tích cực ban đầu.

Theo nhà báo Lee Haye-ah, hiện nay, nhiều người trẻ không còn quan tâm đến việc lên kế hoạch dài hạn cho cuộc sống. Mô hình định hướng tương lai trở nên không còn quan trọng. Thay vì tiết kiệm tiền, lập gia đình và mua nhà tạo lập nền tảng tốt hơn, họ lại chỉ muốn tận hưởng hiện tại.

Park Sora (23 tuổi, thợ làm móng ở Seoul) cho hay cô không có ý định tìm kiếm công việc ổn định hơn, cũng không lên kế hoạch cho chuyện kết hôn hoặc dọn ra ở riêng. Những mục tiêu sống của phần lớn người dân Hàn Quốc đều không có ý nghĩa gì với Sora, bởi cô không hứng thú với cuộc sống dài lâu và được cho là hạnh phúc khi hy sinh thời gian cho chồng con.

"Tôi từng ra nước ngoài và gặp gỡ một nhóm người ngoại quốc. Những người đó tìm thấy nhiều niềm vui khi được uống một tách cà phê ngon, hơn là khi tích lũy được thêm nhiều tiền. Tôi hoàn toàn đồng cảm với họ", Park Sora chia sẻ với phóng viên báo Yonhap News Agency khi đang trên đường đến nơi làm việc.

Với Sora, tập trung cho hiện tại luôn tốt hơn đầu tư cho tương lai. Đó là lý do tại sao cô dành tất cả số tiền kiếm được cho nhu cầu hàng ngày và du lịch.

Khoa hoc mot ngay o Han Quoc anh 10
Những "người trẻ lạc lối" ở Hàn Quốc ra nước ngoài để chạy trốn cuộc sống áp lực. Ảnh: The Chosun Ilbo.

Sora chỉ là một trong rất nhiều người trẻ Hàn Quốc đang hưởng ứng trào lưu YOLO từ phương Tây. Nói về công việc làm móng mình làm từ tháng 1, Sora tiết lộ: "Tôi không coi đây là công việc suốt đời. Tôi từng làm việc cho một hãng phim trong khoảng 5-6 năm, sau đó nghỉ việc và dành 4 tháng rong ruổi ở nước ngoài vào năm ngoái".

Động lực duy nhất để người thợ làm móng duy trì công việc hiện tại là cô có thể tích lũy đủ số tiền du lịch Paris (Pháp) vào tháng 12 và làm những gì khiến bản thân hạnh phúc. Trong trường hợp hết tiền, Sora sẽ quay lại Hàn Quốc kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, 9X cũng chia sẻ rằng cuộc sống ở Hàn Quốc thực ra không lý tưởng và hào nhoáng như nhiều người vẫn nghĩ. Để tồn tại được trong xã hội hà khắc này, người trẻ phải vật lộn mưu sinh.

"Ngay cả khi tôi nỗ lực làm việc thế nào đi nữa, cũng chỉ đủ tiền đi du lịch. Tôi không mơ đến mục tiêu lớn lao như mua nhà, nhưng ngay cả khi làm cùng lúc nhiều công việc, tôi nghĩ rằng mình cũng chẳng thể kiếm dư ra hay tích lũy được thêm bao nhiêu", Sora tâm sự.

Kết luận đó của Sora nhận được sự đồng tình từ đông đảo bạn trẻ. Giá nhà đất đang có xu hướng tăng cao.

Theo ước tính, một nhân viên văn phòng phải mất trung bình 12 năm mới có thể kiếm đủ số tiền cho một căn hộ nhỏ ở Seoul. Thêm vào đó, vấn nạn thất nghiệp cũng gây ra áp lực cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, sau khi kết hôn và có con, gánh nặng tiền bạc lại càng nhân lên.

Kwak Keum-joo (giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul) cho rằng ngay cả các doanh nghiệp cũng không thể tiên đoán được tương lai, bởi mọi xu hướng đều đang thay đổi chóng mặt. Thực chất, giới trẻ ngày càng tập trung vào hiện tại cũng bởi họ lo lắng về tương lai.

Ông nhận định: "Bản thân YOLO là xu hướng tích cực. Nó khuyến khích mọi người tìm kiếm niềm vui cho chính mình trong phạm vi ngân sách cho phép. Tôi nghĩ trào lưu này có thể mang lại luồng sinh khí mới cho đời sống của người dân Hàn Quốc, bởi vốn dĩ họ đã phải gánh trên vai quá nhiều áp lực".

Tuy nhiên, giáo sư Keum-joo cũng nhấn mạnh nếu mọi người ủng hộ trào lưu này một cách cực đoan, thái quá, họ có thể phải đối mặt với đổ vỡ tài chính và nguy cơ thất nghiệp cao.

Ngày nay, nhiều người trẻ chọn cách nghỉ việc đến những vùng đất mới, trải nghiệm văn hóa mới. Song không phải bất cứ khi nào trở về nước, họ cũng có thể tìm được công việc phù hợp. Điều đó còn phụ thuộc vào việc trong tương lai, liệu thị trường việc làm của Hàn Quốc có trở nên sôi động hơn hay không.

Nếu tình hình vẫn "đóng băng" và căng thẳng như hiện tại, các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi từ bỏ công việc hiện có để hưởng ứng trào lưu YOLO. Mặt khác, chính phủ cũng phải đưa ra những chính sách hậu thuẫn để giải quyết triệt để vấn đề này.

"Khi bạn tập trung vào hiện tại và nỗ lực hết mình cho nó, hiện tại sẽ trở thành tương lai. Nói cách khác, tương lai của một người có tốt đẹp hay không phụ thuộc vào những gì người đó làm ngay lúc này", giáo sư Kwak Keum-joo kết luận.

Những nàng mẫu béo đập tan định kiến: 'Con gái dưới 50 kg mới đẹp'

Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã tạo ra nỗi ám ảnh cho nhiều bạn trẻ về chuẩn mực hình thể, đến mức các cô gái nặng hơn 50 kg luôn nghĩ rằng mình béo và xấu xí.

Hoài Phương

Video: Frip

Bạn có thể quan tâm