Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng nghề nghiệp đã được đề ra. Trong đó, chương trình “Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm an toàn lao động giai đoạn 2016-2020” của Bộ LĐ-TB&XH, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai, đã đặt ra các nhiệm vụ quan trọng: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề; chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các trường nghề.
Nhiều giáp pháp được triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. |
Cụ thể, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường nghề có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác quản lý và đào tạo. Ít nhất 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy và học nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN. Ít nhất 60% chương trình, giáo trình của các nghề đào tạo được số hóa và lưu trữ bằng công nghệ tiên tiến.
Về đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp, tổng cục sẽ xây dựng 3 chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giáo dục nghề nghiệp theo năng lực cho 3 trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) với 22.000 giáo viên được bồi dưỡng chuẩn hóa các nghiệp vụ này.
15.000 giáo viên giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng dạy học theo tín chỉ; biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, đánh giá theo năng lực thực tiễn và kỹ năng mềm.
Chương trình chú trọng bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nghiệp đạt chuẩn các cấp độ quốc tế, khu vực. Trong đó, 1.000 giáo viên sẽ nhận chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài. 6.000 giáo viên sẽ được đào tạo kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành cho những nghề trọng điểm.
Giáo viên, cán bộ trường nghề được bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn. |
Cơ quan quản lý chương trình sẽ huy động 600 giáo viên hạt nhân của ĐH Sư phạm Kỹ thuật, cùng giáo viên khoa sư phạm tại các trường ở quốc gia khác để đào tạo nhân rộng 40 chương trình bồi dưỡng giáo viên, chuyển giao trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, nhiều giáo viên trường nghề còn được đào tạo nâng cao kiến thức công nghệ, năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng nghề.
Bên cạnh giáo viên, hàng nghìn cán bộ quản lý giáo dục nghề sẽ được đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý trang thiết bị, năng lực nghiên cứu khoa học…
Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình sẽ triển khai những giải pháp nổi bật như xây dựng ngân hàng đề thi; hoàn thiện hệ thống tiêu chí trường chất lượng cao; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cho 80 trường cao đẳng, trung cấp; thiết lập và vận hành cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo cho 20 nghề trọng điểm quốc gia...
Tại Hội thảo Giáo dục 2019 diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định: “Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ và đồng bộ. Các điều kiện đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa”.
Chất lượng dạy nghề của giáo viên được nâng cao sẽ giúp học viên tiếp thu kiến thức hiệu quả, dễ dàng tìm được việc làm. |
Theo bà Nguyễn Thị Hà, trên 80% người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt gần 100%.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về các giải pháp nâng cao chất lượng nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai tại đây.