Sáng 26/5, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết bệnh nhân là T.V.C. (45 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang).
Ngày 20/5, ông C. bị đau ngực trái đột ngột khi đang đi trên đường. Người thân đưa ông C. vào bệnh viện địa phương cấp cứu trước khi chuyển lên tuyến trên vào 17h cùng ngày.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho ông C.. Ảnh: T.P. |
Sau 30 phút vào BVĐKTWCT, ông C. đột ngột gồng người, mạch khó bắt và ngừng tim. Được bác sĩ cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp và sốc điện, 10 phút sau tim ông C. đập trở lại nhưng phải sử dụng thuốc vận mạch liều cao vì huyết áp thấp.
Trước tình trạng nguy cấp, các bác sĩ bỏ qua mọi thủ tục hành chính để đưa ông C. vào phòng thông tim can thiệp. 15 phút sau, huyết động của bệnh nhân ổn định dần và ngưng thuốc vận mạch khi được đặt một stent phủ thuốc.
Đến trưa 26/5, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau ngực nhiều, chuẩn bị xuất viện.
Bác sĩ Trần Văn Triệu, Phó khoa phụ trách khoa Tim mạch can thiệp, cho biết tắc LM cấp tương đối hiếm gặp. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh này thường rất nặng, rơi vào choáng tim, phù phổi cấp hoặc loạn nhịp nguy hiểm đưa tới đột tử.
“Nếu can thiệp mạch vành cấp cứu thất bại, 100% trường hợp tử vong trong bệnh viện. Bắc cầu mạch vành vẫn được ưu tiên chọn lựa trong trường trường hợp tắt LM ổn định. Tuy nhiên, phẫu thuật bắc cầu mạch vành cấp cứu không phải lúc nào cũng khả thi”, bác sĩ Triệu chia sẻ.