Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 nữ sinh Ngoại thương với dự án giúp giới trẻ uống trà sữa văn minh

“Thế hệ trẻ có lối sống hiện đại nhưng thói quen uống trà sữa của họ đang tác động xấu đến môi trường”, Phương Hoa, thành viên của dự án CHÀ nhận định.

‘Uống trà sữa văn minh có thể góp phần bảo vệ môi trường’ Phương Hoa, thành viên của dự án CHÀ cho rằng trào lưu trà sữa của giới trẻ hiện nay đang gián tiếp thải ra một lượng rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường.

Vượt qua 37 đối thủ cạnh tranh gắt gao, dự án CHÀ góp mặt trong top 5 của cuộc thi Greenovation Challenge (Thử thách Sáng tạo Xanh), với ý tưởng được đánh giá là bắt kịp xu hướng của giới trẻ.

Trò chuyện về ý tưởng ấp ủ của mình, hai thành viên của CHÀ, Nguyễn Phương Hoa và Vũ Thu Phương, không giấu được nỗi trăn trở mang dự án đến gần hơn với người trẻ, đồng thời thay đổi phong cách sống và tạo nên một trào lưu uống trà sữa kiểu mới, thân thiện hơn với môi trường.

Hai cô sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại thương đang ấp ủ kế hoạch hiện thực hóa thói quen sử dụng bình nước cá nhân đựng trà sữa, thay vì cốc nhựa dùng một lần hiện nay.

Trao luu uong tra sua anh 1

Phương Hoa (trái) và Thu Phương, 2 thành viên sáng lập Dự án CHÀ. Ảnh: NVCC.

CHÀ - cái tên gây tò mò

CHÀ là dự án truyền thông tích hợp, kết nối các hãng giải khát, nhằm thúc đẩy việc bán đồ uống vào bình cá nhân tái sử dụng lâu dài.

Nói về CHÀ, Thu Phương - nhóm trưởng, chia sẻ cái tên gây tò mò nhưng cũng khá nhiều hiểu nhầm: “Thú thật, nhiều người ngay cả bạn bè, người thân hoài nghi chúng mình viết sai chính tả. Tuy nhiên, chữ CHÀ chỉ là phát âm giống với trà sữa. Bên cạnh đó, dự án muốn gửi gắm một ý nghĩa khác: đó còn là từ cảm thán, biểu lộ cảm xúc ngạc nhiên, vui thích khi sử dụng ‘bình CHÀ’ sạch, góp phần bảo vệ môi trường”.

Bình CHÀ được sử dụng chất liệu nhựa PP, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Thiết kế linh hoạt, phù hợp với cá tính, thị hiếu của người trẻ. Đặc biệt, bình có mã vạch riêng giúp khách hàng được hưởng các chương trình khuyến mãi, tích điểm tiện lợi.

Ở giai đoạn đầu, dự án tập trung hướng tới khách hàng trẻ, sinh viên và nhân viên văn phòng, những người thường xuyên có thói quen uống trà sữa hay đồ uống take away (mang đi).

Theo Thu Phương, trào lưu trà sữa luôn hấp dẫn giới trẻ và chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Song, điều đáng buồn là nhiều bạn uống trà sữa chỉ quan tâm tới mùi vị, giá cả và thương hiệu của trà. Một cách vô ý hoặc hữu ý, họ dường như quên đi việc chất lượng của cốc nhựa, túi nylon đựng trà sữa, ống hút có thể góp phần gây ô nhiễm môi trường.

"Cũng là ‘con nghiện’ trà sữa, mình nghĩ rằng cuộc thi là cơ hội để chúng mình lên tiếng và hành động”, Thu Phương thể hiện quan điểm.

Trao luu uong tra sua anh 2

Mô hình bình CHÀ "sạch" của dự án. Ảnh: NVCC.

 

Với Phương Hoa, chính những điều tưởng chừng đơn giản, thân thuộc với cuộc sống hàng ngày lại là nguồn cảm hứng cho cô bạn cùng đồng đội ‘dám’ ấp ủ và dần thực hiện ý tưởng.

Trào lưu trà sữa gián tiếp gây ô nhiễm môi trường

Hai cô gái mong muốn tạo ra trào lưu, xu hướng sống mới văn minh hơn, phong cách hơn với người trẻ. “Quá trình hiện thực hóa dự án và thay đổi quan điểm, thói quen của mọi người có thể sẽ mất một khoảng thời gian khá dài. Chúng mình hy vọng rằng bình CHÀ như một món phụ kiện tô điểm, tăng thêm giá trị của người dùng”, Phương Hoa hào hứng chia sẻ về dự án tâm huyết.

Theo khảo sát của CHÀ, trung bình mỗi cửa hàng trà sữa sử dụng 200-300 cốc nhựa/ngày. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn của Zing.vn, 70% người được hỏi tiết lộ rằng trà sữa là một trong những thức uống họ yêu thích nhất. Những con số phần nào phác họa viễn cảnh khối lượng rác thải nhựa khổng lồ từ hành vi uống trà sữa.

Trao luu uong tra sua anh 3

Uống trà sữa văn minh, sử dụng cốc cá nhân cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường.

 Ảnh: Minh Khoa.

 

“Thế hệ trẻ có lối sống hiện đại, tiếp cận với những tư tưởng văn minh nhưng thói quen uống trà sữa của họ đang tác động xấu đến môi trường”, Phương Hoa nhận định. Hai 9X đồng tình với quan điểm “Uống trà sữa văn minh cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường” và tự tin về tính khả thi của dự án mà họ đang theo đuổi.

Ban đầu, dự án tập trung khai thác thị trường trà sữa đầy tiềm năng. Trong tương lai, nhóm sẽ sẽ tiếp cận nhiều loại đồ uống khác như nước có gas, cà phê, nước ép cũng như mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước.

Tuy nhiên, các thành viên cũng trăn trở về nguồn vốn hoạt động của CHÀ. Bởi vậy, dự án cần tập trung huy động các nhà đầu tư, đối tác đề cùng bắt tay nhân rộng, quảng bá sản phẩm bình CHÀ “sạch” và thay đổi thói quen mua trà sữa của giới trẻ.

Nói về thời gian thực hiện dự án tâm huyết, 9X cho biết quá trình đem lại cho họ nhiều kiến thức về môi trường, những kỹ năng mềm cũng như cơ hội gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia tâm huyết, có chuyên môn cao.

Chính vì thế, 2 nữ sinh hy vọng CHÀ sẽ ngày càng được lan tỏa, phát triển, góp phần giảm bớt lượng rác thải nhựa ra môi trường, thay đổi thói quen dùng bình CHÀ sạch để chung tay vì một xã hội văn minh, hiện đại.

Cuộc thi Greenovation Challenge 2017- Thử thách Sáng tạo Xanh ra đời với sứ mệnh cổ vũ cho các sáng tạo đột phá của các bạn sinh viên, nhằm đưa ra những giải pháp bền vững và khả thi cho vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.

Với thông điệp "Bớt một vỏ chai, Cứu tương lai" (Save a bottle, Shape our future), Cuộc thi do Hội sinh viên trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Hội sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức với sự đồng hành, bảo trợ chuyên môn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và một số đơn vị khác.  

Trào lưu trà sữa ở Sài Gòn đã 'dậy thì thành công' như thế nào?

Không còn là thức uống giải khát đơn thuần, giờ đây trà sữa đã trở thành "nét văn hoá" mới của giới trẻ Sài thành.



Trà My

Bạn có thể quan tâm