Tôi là Phạm Trọng Thy, vận động viên tâng bóng nghệ thuật (Freestyle football). Nhiều người biết đến tôi qua vai trò YouTuber về bóng đá với cái tên Thy FreeStyle. Tôi đam mê, nghiêm túc với bộ môn này, nuôi sống gia đình cũng nhờ nó. Mỗi khi biểu diễn trước hàng nghìn khán giả, tôi đều lâng lâng niềm hạnh phúc rất khó tả. |
Trong một lần tập luyện, sau pha tiếp bóng sai tư thế, tôi ngã sụp ra sân. Cảm nhận rất rõ tiếng bụp trong khớp gối, tôi chắc chắn có điều gì đó không ổn so với những chấn thương hàng ngày anh em chơi đá bóng vẫn đối mặt. Vài ngày sau, đầu gối sưng nhiều hơn, đau, không co duỗi được. Tôi đi chụp cộng hưởng từ MRI và biết mình bị đứt dây chằng chéo trước. Với một người đam mê chơi bóng mà không thể co duỗi chân, thế giới như sụp đổ trước mắt. |
Người chơi bóng đá dễ bị đứt dây chằng chéo do thiếu kinh nghiệm, rướn mình quá sức, xoay gối đột ngột, tiếp đất sai tư thế… Với chấn thương này, chắc chắn phải phẫu thuật để nối lại hoặc cấy ghép dây chằng mới có thể phục hồi được phần nào khả năng vận động và sự linh hoạt, vững chắc của khớp gối. Nhiều danh thủ và người quen của tôi bị đứt dây chằng chéo đều phải mất 1-2 năm để trở lại sân cỏ. Người không đủ tiền phẫu thuật hoặc điều trị sai cách thậm chí phải từ giã bóng đá. |
Vợ đưa tôi đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - BVĐK Tâm Anh TP.HCM để khám và chụp chiếu vì ở đây có tiếng về điều trị chấn thương thể thao, lại có máy móc chụp chiếu hiện đại. Bác sĩ Trần Anh Vũ (Trưởng khoa Y học thể thao - Phó giám đốc Trung tâm) thăm khám và kết luận chấn thương cho tôi từ ngày đầu, cũng là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Trước ngày mổ, anh thường qua phòng bệnh trò chuyện với tôi. Sự ân cần của anh cũng như các điều dưỡng khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều. |
Theo ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, nếu đến BVĐK Tâm Anh sớm hơn, tôi có thể nối bảo tồn được dây chằng chéo và hồi phục nhanh hơn. Vì điều trị muộn, dây chằng bị đứt hoàn toàn nên không thể bảo tồn, tôi phải thực hiện phẫu thuật tái tạo bằng ghép gân tự thân hoặc áp dụng phương pháp mới nhất là sử dụng dây chằng nhân tạo. Tôi muốn chia sẻ với anh em "đồng banh" rằng đừng chần chừ, hãy cấp cứu dây chằng sớm nhất khi có thể nếu gặp chấn thương. |
BS Trần Anh Vũ tư vấn dây chằng nhân tạo không chỉ giúp tôi mau phục hồi phong độ hơn các phương pháp phẫu thuật cũ mà còn đảm bảo độ vững chắc với cường độ vận động cao sau này, rất khó xảy ra trường hợp “tái đứt”. Điều quan trọng nhất là tôi không phải lấy gân tự thân, không bị mất thêm sợi gân nào. Đó là lý do tôi không ngần ngại chọn phương án thay dây chằng nhân tạo. Tôi cảm thấy may mắn vì đã gặp đúng người, đặt đôi chân sự nghiệp ở đúng nơi. |
Ngày phẫu thuật cũng đến, trong lúc chờ bác sĩ làm các thủ tục trước mổ, tôi không ngừng nghĩ về sân khấu biểu diễn - nơi có ánh đèn và khán giả hò reo. Tôi nhớ cảm giác chạy theo bóng đến thở dốc trên sân cỏ. 2 tháng qua, tôi đã hụt hẫng và lo lắng quá nhiều nhưng giờ tôi tin tưởng các bác sĩ tại BVĐK Tâm Anh sẽ giúp mình vượt qua chấn thương này. |
Vợ tôi đi ngay cạnh, sụt sùi khi điều dưỡng đề nghị cô ấy quay về phòng chờ. Tôi nắm tay động viên vợ dù khá hồi hộp trước ca phẫu thuật. |
Trong lúc chờ bác sĩ Vũ vào phòng mổ, tôi được điều dưỡng vệ sinh chân, chuẩn bị gây tê. Bác sĩ nói tôi sẽ hoàn toàn tỉnh táo và có thể trò chuyện với ê-kíp trong suốt quá trình phẫu thuật. Ca mổ dự kiến diễn ra nhanh chóng, không tới 30 phút. |
Cách đây 5-10 năm, dây chằng nhân tạo còn nhiều hạn chế nên ở Việt Nam và thế giới không ứng dụng, tiếp tục nghiên cứu để cải tiến. Khoảng một năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu dây chằng nhân tạo thế hệ mới nhất với cải tiến vượt bậc về chất liệu và thiết kế. |
Tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh leng keng của dụng cụ phẫu thuật. Bác sĩ Vũ đến gần, vỗ vai tôi trấn an. Không gian phòng mổ hiện đại và sự chuyên nghiệp nhưng gần gũi của mọi người trong ê-kíp mổ khiến tôi không còn cảm giác sợ nữa. Đây là trải nghiệm đáng nhớ mà chắc chắn tôi sẽ kể lại cho những người anh em chơi thể thao. |
Bác sĩ Vũ ngâm dây chằng nhân tạo trong collagen thủy phân. Thao tác này giúp sợi dây phủ lớp collagen, tránh kích ứng, đồng thời kích thích mô xơ phát triển và thúc đẩy quá trình hình thành sợi dây chằng mới. |
“Em thấy dây chằng của em không Thy? Nó bị đứt thế này”, bác sĩ Vũ chỉ tay về phía màn hình. Tôi thấy rõ hai đầu dây chằng bị đứt của mình. Anh nói tôi có bệnh nền gout nên quá trình mổ cần cặn kẽ hơn. Vết nứt ở bề mặt sụn xương được bác sĩ Vũ giải quyết bằng cách tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc collagen thủy phân |
Để đưa dây chằng nhân tạo vào đúng vị trí điểm bám tự nhiên, bác sĩ rạch đường nhỏ trên da và khoan tạo đường hầm xương chày từ bên trong bằng kỹ thuật nội soi. Bác sĩ Anh Vũ vừa thao tác vừa giới thiệu loại dây chằng nhân tạo thay cho tôi được cấu thành từ hàng nghìn sợi mảnh polyethylene mềm mại nhưng vô cùng vững chắc, có thể chịu lực lên đến 350 kg. |
Tôi tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật. Nữ điều dưỡng đứng ngay cạnh hỗ trợ, thỉnh thoảng hỏi tôi cảm thấy trong người thế nào. Hai chị em trò chuyện thoải mái, tôi tạm quên đi sự căng thẳng. |
Sau 20 phút, dây chằng nhân tạo vào đúng vị trí và được cố định bằng hai vít titan. Bác sĩ Vũ tỉ mỉ, tập trung cao độ cho công đoạn sau cùng. Thực ra, dây chằng bị đứt không bị cắt đi, bác sĩ chỉ luồn thêm dây chằng nhân tạo vào để làm giàn cho các mô xơ mọc lên. “Em cứ hình dung sợi dây chằng này như chiếc giàn vững chắc. Mô xơ của em sẽ phát triển dần dần như cây leo trên chiếc giàn này cho đến khi phủ kín và hình thành một sợi dây chằng mới, khỏe mạnh thậm chí hơn dây chằng cũ”, bác sĩ Vũ nói với tôi. |
5 phút sau, ê-kíp thông báo ca mổ hoàn tất. Tôi bất ngờ vì nhanh quá sức tưởng tượng. Bác sĩ cho biết kế hoạch và quy trình phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương đều được lập định sẵn bằng phần mềm chuyên dụng. Do đó, mọi khâu đều diễn ra rất thuận lợi. Trong ngoại khoa, thời gian phẫu thuật càng kéo dài, nguy cơ phơi nhiễm càng cao, nên các bác sĩ luôn phải tranh thủ và rút ngắn thời gian thao tác. Lúc này, tôi rất muốn bắt tay cảm ơn anh. |
Bất ngờ hơn, chỉ 2 ngày sau mổ, tôi có thể đứng dậy, vận động nhẹ nhàng. Đến ngày thứ 3, tôi có thể đi lại, không mệt mỏi. Khá hoang mang, tôi đã gọi bác sĩ Vũ và được biết đây là điều hoàn toàn bình thường. Bác sĩ khuyên tôi để tinh thần thoải mái, có thể tập luyện phục hồi chức năng nhưng không nên quá sức. |
Ngay sau đó, tôi được tập phục hồi chức năng và đi những bước chân đầu tiên. Huấn luyện viên y học thể thao theo sát và hỗ trợ tôi từng bước đi. |
Trong giai đoạn đầu, bác sĩ phục hồi chức năng đưa ra các bài tập nhẹ nhàng để tôi tập luyện. Sau đó, tôi được tập các bài nặng hơn để phát triển sức mạnh cơ đùi. |
Song song tập luyện, tôi được điều trị laser giảm sưng, tiêm dịch nhờn vào khớp gối. Bác sĩ Vũ thường xuyên nhắc nhở tôi lưu ý tuân thủ phác đồ tập luyện, tránh vận động quá sức, ăn uống lành mạnh và tăng cường collagen để nhanh chóng lấy lại phong độ đỉnh cao. |
Với người chơi thể thao chuyên nghiệp, chấn thương là nỗi ám ảnh bởi chỉ một trục trặc có thể đánh mất cả sự nghiệp. Tôi biết chính bác sĩ cũng áp lực không kém mỗi khi đứng trước chấn thương của chúng tôi. |
Không gian tập luyện của Khoa Y học thể thao - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Hệ thống BVĐK Tâm Anh được trang bị thiết bị hiện đại, huấn luyện viên chuyên nghiệp, ân cần. Nhờ đó, tôi quên việc mình là bệnh nhân mà có cảm giác như đang tham gia buổi tập luyện, chơi bóng với những người bạn. Cùng thời điểm điều trị của tôi, khá nhiều anh em chơi bóng đá từ Bình Dương, Vũng Tàu… cũng chăm chỉ luyện tập chờ ngày bình phục trở lại sân cỏ. |
Khoa Y học thể thao, BVĐK Tâm Anh TP.HCM còn trang bị máy kiểm tra sức khỏe dây chằng. Chiếc máy này thường chỉ thấy ở những câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Tôi là một trong những người đầu tiên được trải nghiệm thiết bị này để đánh giá chức năng dây chằng sau mổ. |
Tôi nhớ như in giai đoạn sau chấn thương, mọi sinh hoạt, đi đứng đều phụ thuộc vào mẹ và vợ. Vậy mà sau ca mổ tại BVĐK Tâm Anh, chân trái hồi phục ngoạn mục. Hiện tại tôi có thể tự sinh hoạt tại nhà và tập luyện với tạ thường xuyên để rèn độ linh hoạt của chân. |
Hiện nay, song song các buổi tập phục hồi chức năng tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, tôi đã có thể ra sân để chơi bóng nhẹ nhàng cùng anh em. Khoảng một tháng sau mổ, tôi đã tự tin tâng bóng trở lại. Cảm giác chân trái của tôi đã hoàn toàn linh hoạt và kiểm soát bóng tốt. |
Mọi chuyện tốt đẹp đang đến và kỳ vọng một ngày không xa, tôi lại được là chính mình khi biểu diễn tâng bóng. |