Ở tuổi 48, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh được thỏa mơ ước khi cùng đồng nghiệp gây dựng một trung tâm chấn thương chỉnh hình tiêu chuẩn chất lượng quốc tế bằng tâm huyết, kinh nghiệm, kiến thức cùng sự thấu hiểu nỗi lòng người bệnh: “Khi không thể đi, đứng, ta mới hiểu cái giá của tự do”.
Gặp TS.BS Tăng Hà Nam Anh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi bất ngờ với rất nhiều sách và nhạc cụ. Ông nói nghề bác sĩ phải học hỏi không ngừng và biết thấu cảm cuộc sống. Âm nhạc giúp ông cũng như các y bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình thư giãn sau giờ phút căng thẳng.
Trong câu chuyện chia sẻ với Zing, bác sĩ Nam Anh cho biết Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh là nơi ông đặt trọn tâm huyết để đưa ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam vươn tầm thế giới, nơi người bệnh được hưởng kỹ thuật tốt nhất với nhiều lợi ích nhất.
Từ 1/6, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh chính thức trở thành một trong những Trung tâm Đào tạo chất lượng cao trên toàn cầu về thay khớp gối và khớp háng của tổ chức Microport. Sự kiện này mở ra cơ hội học tập và nghiên cứu các kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cho nhiều phẫu thuật viên trên thế giới, Việt Nam. TS.BS Tăng Hà Nam Anh cũng nhận chứng nhận International Center of Excellent về kỹ thuật thay khớp gối Medial Pivot và thay khớp háng SuperPath - hai kỹ thuật mới với nhiều ưu điểm, được giới thiệu bởi nhóm nghiên cứu của công ty Microport (Mỹ).
- Chấn thương chỉnh hình không phải một trong tứ đại môn phái được sinh viên y khoa yêu thích. Cơ duyên nào đưa ông đến và gắn bó với lĩnh vực có phần khô khan này?
- Những năm 1997, ngành chấn thương chỉnh hình hết sức thô sơ, thiếu thốn trang thiết bị. Trong lớp bác sĩ đăng ký thi nội trú ngày ấy, hầu hết nghiêng về tứ đại môn phái là nội - ngoại - sản - nhi.
Tôi là người duy nhất thi đỗ bác sĩ nội trú chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình. Tôi kết thúc 4 năm nội trú với nhiều lấn cấn và trăn trở về tương lai của ngành Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, bởi quanh đi quẩn lại vẫn bấy nhiêu thiết bị, vẫn là gãy xương, vẫn bế tắc không tìm được hướng phẫu thuật, hoặc tìm được thì không có thiết bị. Mảng chỉnh hình gần như không ai đụng đến. Vậy là sau giai đoạn này, tôi quyết định sang nước ngoài tu nghiệp.
- Những năm 1997, 1998, ngành chấn thương chỉnh hình của Việt Nam còn lạc hậu. Điều này có lẽ đã cướp đi nhiều cơ hội trở về cuộc sống bình thường của người bệnh?
- Những năm 1997, 1998, tai nạn đứt dây chằng gần như không có trang thiết bị để mổ. Thời gian này, Việt Nam cũng chứng kiến làn sóng cầu thủ sang Singapore phẫu thuật dây chằng.
Trong khi đó, những người bị gãy xương không có đinh nẹp ốc vít, phải dùng nẹp tự chế bằng vật liệu composite cacbon chứ không có hợp kim đặt vĩnh viễn vào cơ thể.
Một số người bệnh bị gãy xương vùng liên lồi cầu đùi, gãy xương vùng háng… đành chấp nhận sống chung với di chứng hay nằm một chỗ hoặc thậm chí mất mạng vì biến chứng khác. Chính những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và thiết bị lúc bấy giờ khiến nhiều người mất đi cơ hội trở về cuộc sống bình thường.
- Những trăn trở này đã đưa ông đến quyết định “tầm sư học đạo” trên đất Pháp. Hành trình ấy hẳn có nhiều câu chuyện thú vị?
- Một phần cơ duyên đến từ niềm đam mê tiếng Pháp khi tôi còn học bác sĩ nội trú. Khi có chương trình tuyển bác sĩ chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình qua Pháp làm chức năng nội trú (SFI), tôi đăng ký không chần chừ. Vậy là tôi bắt đầu cuộc đời bác sĩ nội trú lần 2 trên đất Pháp, tại trường Ambroise Pare - Boulogne Billancourt thuộc Đại học Paris 13, trong một năm. Đúng thật là có nhiều câu chuyện thú vị. Bệnh viện Ambroise Pare có khoa Chấn thương chỉnh hình rất mạnh. Tại đây, tôi được học sâu về y học thể thao, nội soi khớp từ cố GS Philippe Hardy và phẫu thuật thay khớp - thay khớp do nhiễm trùng từ GS Alain-Lortat Jabcob. Tôi xin ở lại thêm 6 tháng để học tập. Và sau đó, tôi đã mang 2 kỹ thuật này về Việt Nam.
Con đường đưa tôi đến Chấn thương chỉnh hình rất tình cờ nhưng càng làm lĩnh vực này, càng thấy hay. Tôi luôn đặt câu hỏi rằng phải làm cách nào tốt nhất giúp người bệnh thoát khỏi cơn đau, trở về cuộc sống bình thường. Vậy nên tôi đi sâu vào mảng chỉnh hình, chẳng hạn y học thể thao, phẫu thuật khớp, tái tạo khớp và thay khớp. Đây là kỹ thuật mang tính cách mạng trong ngành Chấn thương chỉnh hình.
- Tiên phong mang công nghệ mới về nước cũng như hành trình của một người dò dẫm trong rừng rậm tìm kho báu. Hành trình này chắc hẳn không dễ dàng?
- Tôi về nước năm 2005 và những ca nội soi đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM năm 2006. Tôi cũng là một trong thế hệ đầu làm làm nội soi khớp, nhất là nội soi khớp vai.
Tôi có nhiều vốn liếng được học và thực hành ở Pháp, nhưng điều kiện nước mình rất khó khăn. Khi tôi về nước, thiết bị không có, dụng cụ mổ khan hiếm, người bệnh không biết đến công nghệ mới. Lúc đó, tôi phải viết thư tay xin thầy (ở Pháp) gửi dụng cụ qua Việt Nam. Ca mổ lúc này mới thực hiện được bằng những dụng cụ chắp vá. Sau đó, tôi kết nối dần với các hãng sản xuất, rồi tìm nhà phân phối trang thiết bị…
Tôi nhớ ca nội soi khớp vai cho bệnh nhân 50 tuổi kéo dài đến 5 giờ, dùng khoảng 110 lít nước. Sau khi hoàn tất, nước chảy lênh láng phòng mổ, bác sĩ cũng mồ hôi đầm đìa. Sau này, dụng cụ có nhiều hơn, thời gian mổ ngày càng rút ngắn lại. Hiện tại, ca dây chằng chéo thực hiện tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh chỉ mất khoảng 30-45 phút, nội soi khớp vai chỉ một giờ.
Là người tiên phong bao giờ cũng khó khăn bởi phía sau không ai chỉ bảo cả. Họ phải dò dẫm, tìm đường, kết nối để tạo ra đường đi và sau đó dẫn dắt nhóm người phía sau đi theo. Lối đi đó phải đúng, nếu sai thì bị lạc lối ngay.
- Ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn này thế nào?
- Giai đoạn sau đó, tôi viết các bài tư vấn thường thức về sống khỏe trên báo chí. Nhờ vậy, người dân có kiến thức về khám chữa bệnh chấn thương chỉnh hình.
Song song đó, tôi kết hợp đào tạo, dạy nghề cho lớp bác sĩ trẻ để có thế hệ kế thừa. Đến nay, tôi có thể tự hào đã đào tạo được đến thế hệ F11. Các lớp dạy về nội soi và thay khớp luôn đầy học viên.
Từ 2008, tôi bắt đầu hành trình chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi từ Bắc vào Nam. Năm 2010, tôi vinh dự cùng một tiến sĩ người Đức mổ dây chằng chéo biểu diễn kỹ thuật nội soi khớp vai cho người bệnh bị trật khớp vai tái hồi, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
- Có giai đoạn nào ông cảm thấy cô đơn trên hành trình mở đường?
- Cô đơn ở chỗ mình đi trước và đi xa, luôn luôn tìm phương pháp mới, cố gắng đưa Việt Nam gần sát thế giới.
Kỹ thuật phát triển nhanh nhưng để làm chủ một kỹ thuật mới lại rất lâu, trong khi sức ỳ của con người lại lớn. Khi đã quen sử dụng chiếc xe này và được đề nghị chuyển sang xe khác, bạn sẽ khó điều khiển hoặc nản lòng khi học kỹ thuật lái xe khác.
Y khoa cũng vậy. Lấy ví dụ với Superpath - kỹ thuật thay khớp háng ít xâm lấn, không cắt cơ - gặp nhiều khó khăn để ứng dụng tại Việt Nam. Giai đoạn trước, phẫu thuật viên thay khớp háng bằng đường mổ phía sau. Người bệnh phải cắt hết cơ nên nguy cơ trật khớp háng sau khi thay khớp nhân tạo rất cao. Đồng thời, người bệnh sau khi thay khớp bị hạn chế vận động, không thể ngồi xổm, không vắt chéo chân…
Một ca mổ với kỹ thuật cổ điển này mất khoảng 45 phút. Lúc đó, tôi nhận thấy Superpath rất hay nên gửi các bác sĩ trẻ theo học và đề nghị áp dụng kỹ thuật này. Nhưng phải mất đến 2-3 giờ để thực hiện thành công một ca mổ với Superpath. Điều này đã khiến không ít người nản lòng. Một số khuyên tôi làm kỹ thuật mổ đường sau. Song, tôi nhận ra với những ca mổ bằng Superpath, người bệnh hồi phục rất tốt, không gặp di chứng, dù phẫu thuật viên mệt và tốn công sức hơn.
Hiện các bác sĩ của BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã thạo việc, chỉ mất khoảng 1 giờ là hoàn thành ca mổ. Tôi đã trải qua 3 năm theo đuổi áp dụng kỹ thuật này. Những người tiên phong làm kỹ thuật mới sẽ cô đơn vì không nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp và người xung quanh. Người mở đường, nếu không có sự kiên định trong đầu, có lẽ rất dễ nản lòng và buông bỏ.
- Công nghệ y khoa hiện đại làm thay đổi cuộc sống của người bệnh như thế nào?
- Sau ca mổ thay khớp háng, người bệnh có thể đi lại, sinh hoạt gần như bình thường. Họ không cảm giác đó là khớp háng nhân tạo, có thể tham gia chạy và các môn thể thao, ngồi xổm hay bắt chéo chân. Điều này, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống họ. Khi bị đau, phải ngồi một chỗ hay không thể di chuyển, chúng ta mới thật sự hiểu được giá trị của sự tự do. Chúng ta tưởng tượng một người ngồi xe lăn, sau đó được đứng dậy, đi đứng bình thường. Đây là điều hạnh phúc không thể diễn tả.
Hiện tại, Hệ thống BVĐK Tâm Anh đã triển khai khá nhiều công nghệ khám chữa bệnh hiện đại hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo - “Mắt thần” vào quy trình thay khớp gối nhân tạo. Công nghệ hiện đại giúp các ca thay khớp gối chính xác và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, sự phát triển về kỹ thuật gây mê, hồi sức… giúp bệnh nhân giảm đau đớn, hồi phục nhanh hơn. Tỷ lệ thành công của chúng tôi lên đến 93-94%, kết quả mang lại từ tốt đến rất tốt.
- Với người trẻ, đặc biệt trong độ tuổi lao động, sẽ là điều đau đớn nếu không thể đi đứng bình thường. Những nỗi đau này có lẽ là một phần động lực để ông luôn tìm tòi, phát triển kỹ thuật mới?
- Đúng là như thế. Có những người bị hư khớp háng, nhưng không thể phẫu thuật, một phần vì kinh phí, một phần vì sợ. Họ phân vân giữa mổ và không mổ, để rồi cứ thế sống trong sự đau đớn.
Tôi lấy ví dụ về 2 trường hợp điển hình mà chính công nghệ y khoa hiện đại đã giúp cuộc sống người bệnh thay đổi hoàn toàn. Đầu tiên là một anh đến thay khớp háng nhưng bị ám ảnh nằm viện. Anh đã có thể bước đi chỉ sau ngày hậu phẫu thứ 2. Ngày thứ 3, anh xin thay khớp háng còn lại. Ngày thứ 4, anh ấy bắt đầu đi lại bằng chính 2 chân của mình.
Cùng thời điểm này, một thanh niên sinh năm 1995 nhập viện với hai khớp háng hư hoàn toàn do hoại tử chỏm hai bên. Thấy người cùng phòng hồi phục nhanh sau khi thay 2 khớp háng, bệnh nhân xin được mổ nhưng thay hai khớp háng cùng lúc. Sau khi hội chẩn, chúng tôi thống nhất áp dụng kỹ thuật thay khớp háng SuperPath. Một ngày sau mổ thay hai khớp háng, bệnh nhân đã được tập đi với khung. Ngày thứ hai sau mổ, bệnh nhân đã có thể tự đi mà không cần mang nạng hay khung.
Hiện nay, nhiều bệnh viện có thể thay được cùng lúc 2 khớp háng, nhưng thay hai khớp háng cùng lúc mà bệnh nhân có thể tự đi được bằng chính đôi chân của mình và được xuất viện vào ngày thứ hai sau mổ, thì có lẽ đây là ca đầu tiên ở Việt Nam.
- Bên cạnh thành công, có lẽ thầy thuốc cũng gặp và chứng kiến không ít câu chuyện buồn. Điều ông nuối tiếc nhất từ trước đến nay là gì?
- Điều đáng tiếc trong phẫu thuật thay khớp là tình trạng nhiễm trùng. Tôi và nhiều đồng nghiệp đã gặp một vài tình huống như thế trong điều kiện làm việc khó khăn trước đây, có lẽ bây giờ ở nhiều nơi vẫn gặp phải.
Thông thường, sau mỗi cuộc mổ, thành hay bại chúng tôi đều ngồi lại để rút kinh nghiệm. Việc thất bại ở môi trường làm việc thiếu thốn điều kiện khiến chúng tôi quyết tâm khắc phục tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Tại đây, chúng tôi có đội ngũ bác sĩ nội lão khoa riêng, rất mạnh, đặc biệt về tim mạch và đái tháo đường, hô hấp để hỗ trợ chăm sóc những ca bệnh nặng.
Chúng tôi cũng được đầu tư tối đa khả năng cũng như áp dụng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn khắt khe để giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng sau mổ.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Để đặt lịch tư vấn và thăm khám tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, độc giả liên hệ hotline 02871026789 (TP.HCM) / 18006858 (Hà Nội), inbox trực tiếp fanpage hoặc đặt lịch trực tuyến tại đây.