1. Tỉnh nào có nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Khác với quy trình làm ra các loại bánh tráng thường thấy, sau khi tráng bánh bằng bột gạo, phơi bánh, người dân Trảng Bàng thêm công đoạn nướng bánh, đem phơi bánh thấm đẫm sương đêm mới cho ra thành phẩm độc đáo, hấp dẫn. Ảnh: SDLHCM. |
2. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thường có đặc điểm nào sau đây?
Giữa nhiều loại bánh tráng khác nhau, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng của Tây Ninh có một số đặc điểm riêng, dễ nhận diện như có độ dày dai, deo dẻo nhờ kỹ thuật tráng 2 lớp, đậm vị mằn mặn nhờ lượng muối cho vào bột bánh... Người ta thường dùng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để cuốn thịt luộc cùng nhiều loại rau rừng, rau sông... Ảnh: Maryderoux. |
3. Ngoài bánh tráng phơi sương, Trảng Bàng còn được nhiều người biết đến với món ngon nào?
Ngoài bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh canh Trảng Bàng là món ngon nổi tiếng khác của Tây Ninh. Người ta sử dụng những sợi bánh canh dai, thơm, trắng ngần, không bở nát, kết hợp nước dùng ngọt thanh, có thêm những khoanh móng giò heo giòn sựt hấp dẫn... Ảnh: Lê Quân. |
4. Địa danh Trảng Bàng ở Tây Ninh có ý nghĩa gì?
Theo Trang TTĐT huyện Trảng Bàng, địa danh Trảng Bàng có thể hiểu là vùng đất thưa, gọi là "trảng", có nhiều cỏ bàng, một loài cây thân thảo chuyên dùng trong việc đương đệm (đươn đệm, đan đệm). Đây cũng là cách lý giải được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Ảnh: Lê Quân. |
5. Bến Tre có nghề làm bánh tráng nào đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
Năm 2018, nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng Mỹ Lồng là gạo tẻ, nước cốt dừa, các loại phụ gia như mè, sầu riêng, sữa… Đặc sản thơm ngon này có hương vị nước cốt dừa béo ngậy đặc trưng. Ảnh: Nông thôn mới. |
6. Ngoài nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, nghề thủ công truyền thống nào sau đây ở Bến Tre cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
Để ca ngợi những đặc sản nức tiếng của xứ dừa Bến Tre, người ta lưu truyền câu: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc". Cùng với nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, nghề làm bánh phồng Sơn Đốc cũng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Địa danh Sơn Đốc nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nổi danh với loại bánh phồng nếp béo ngậy vị nước cốt dừa. Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre. |
7. Ước tính làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Bến Tre có lịch sử hình thành, phát triển trong bao nhiêu năm?
Theo Cổng TTĐT Bến Tre, lịch sử hình thành và phát triển làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc dường như chưa tìm thấy thư tịch cổ hoặc tài liệu ghi nhận. Song, qua quá trình điều tra, điền dã, sử dụng phương pháp hồi cố từ ký ức người dân... các nhà nghiên cứu có thể khẳng định nghề truyền thống này đã hơn 100 năm. Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre. |