Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

24 học sinh xã đảo ở TP.HCM và ước mơ đổi đời sau kỳ thi tốt nghiệp

Tháng 6 dần lui về những ngày cuối cùng, đó cũng là thời điểm 24 học sinh cuối cấp trên xã đảo Thạnh An chuẩn bị cho "bước chuyển mình" quan trọng của cuộc đời.

24 HỌC SINH XÃ ĐẢO Ở TP.HCM VÀ ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI SAU KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT

Tháng 6 dần lui về những ngày cuối cùng, đó cũng là thời điểm những học sinh lớp 12 trên xã đảo Thạnh An nuôi dưỡng ước mơ lên thành phố học đại học, một "bước chuyển mình" quan trọng của cuộc đời.

- Năm nay tụi nhỏ học lớp mấy rồi chị?

- 6 đứa nhưng bỏ học đi làm muối hết rồi. Học hành tốn tiền, ở nhà còn kiếm sống chứ tiền đâu mà học.

Cuộc trò chuyện của hai người phụ nữ đi cùng thuyền hòa lẫn vào tiếng sóng nước, tiếng gió biển rót thẳng vào tai cậu học sinh 18 tuổi. Hai chữ “bỏ học” đủ để khiến em trầm ngâm.

Sơn bất giác cúi xuống nhìn chiếc balo đi học rồi lại đưa mắt nhìn về phía xã đảo Thạnh An chỉ mới hiện lên như một chấm nhỏ xíu. Hòn đảo nhỏ trước mắt là nơi có ngôi trường mà em cùng 24 học sinh khác đang theo học, nơi những đứa trẻ miền biển khắc khoải niềm hy vọng rời xa những ruộng muối nồng đậm hơi thở biển cả, những buổi sớm giăng buồm đánh cá để tìm đến cuộc sống tốt hơn.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 1

Đường đến trường của Sơn gắn liền với những chuyến đò hoặc vỏ lãi.

Vượt biển tới trường

Từ khi lên lớp 6, Sơn đã phải học cách làm quen với những chuyến vỏ lãi chòng chành nối liền Thiềng Liềng - Thạnh An. Ấp đảo nhỏ bé nơi em sinh sống chỉ có trường mầm non và trường tiểu học. Để đến được trường THCS - THPT Thạnh An, nơi duy nhất đào tạo bậc THCS và THPT của cả xã, em phải di chuyển bằng vỏ lãi với quãng đường 7 km đường sông và biển.

Trong năm học, học sinh, lũ trẻ ở ấp đảo này được đi đò đến trường với mức giá rẻ hơn. Nhưng khi kết thúc năm học, cả ấp chỉ còn Sơn và 3 người bạn khác đến trường ôn thi, các em đành phải đi vỏ lãi với giá 150.000 đồng/chuyến.

Đò và vỏ lãi đều là những phương tiện đi lại do người dân ở Thiềng Liềng tự sắm để hỗ trợ người trong ấp di chuyển. Cũng vì là phương tiện “của nhà trồng được”, hành khách trên thuyền phải đánh cược với thủy thần vì không chuyến đi nào có áo phao hay dụng cụ cứu hộ.

Dù con trai út đã lớn, bà Trương Thị Gái (52 tuổi), mẹ của Sơn, vẫn không ngừng lo lắng về chuyện đi lại của con, đồng thời lo con mải mê học không chịu ăn, không có sức thi tốt nghiệp THPT.

Một tối chủ nhật trong căn nhà cấp bốn ở Thiềng Liềng, gia đình Sơn tranh thủ ăn bữa tối để em tiếp tục ôn bài. Cả tuần, Sơn chỉ có hai ngày cuối tuần mới về nhà, bà Gái và chồng là ông Nguyễn Văn Mới không ngừng trò chuyện với con. Vẫn là những câu chuyện lông gà vỏ tỏi liên quan việc làm muối, chuyện xóm làng xung quanh, Sơn vẫn chăm chú nghe bố mẹ kể, thi thoảng lại bật cười thích thú.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 4

Lo lắng cho con trai mệt mỏi khi bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, bà Gái thường chuẩn bị thêm nhiều đồ ăn để Sơn tẩm bổ.

Kết thúc bữa cơm, Sơn tự giác dọn dẹp bát đũa để anh trai rửa rồi em lại lên phòng khách, mở chiếc bàn con ra giữa phòng rồi ngồi học bài. Nhờ chăm chỉ, tự giác học tập, thành tích của Sơn vẫn luôn duy trì ở tốp đầu của lớp. Năm học vừa qua, em đạt 9 điểm trung bình cả năm học, xếp thứ 4 của lớp.

Bạn đồng hành của Sơn suốt nhiều năm qua chỉ là chiếc bàn gấp nhỏ, không ghế ngồi, không giá sách. Đôi khi, Sơn cũng muốn có bàn học mới, nhưng đó chỉ là điều em ấp ủ trong lòng, chưa nói với bố mẹ vì sợ bố mẹ tốn tiền. Nam sinh dự tính khi lên đại học, sau khi đi làm kiếm ra tiền, em sẽ tự mua một bộ bàn ghế mới chất lượng tốt hơn.

“Em chọn được ngành và trường học em thích rồi, nhưng em muốn giữ bí mật đến phút cuối để cả nhà bất ngờ”, nam sinh úp mở về kế hoạch tương lai.

Ngồi từ phòng bếp nhìn ra phòng khách, bà Gái trầm ngâm ngắm con trai một lúc lâu rồi bà lại quay ra kể những câu chuyện về con trai út Ngọc Sơn (sinh năm 2006) và con cả Ngọc Trai (sinh năm 1995) đã bỏ học đi làm muối từ năm lớp 10.

Nhắc đến chuyện học hành của con, bà Gái tự hào chỉ về phía bức tường ở phòng khách, nơi treo chục tấm giấy khen mà Sơn nhận được suốt 12 năm học.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 7

Với những tấm bằng khen treo kín tường, Sơn xem đây như một “chiến tích” trong suốt 12 năm đi học, đồng thời cũng là lời nhắc nhở cậu tiếp tục cố gắng.

Giấy khen còn nhiều lắm mà mua khung tốn tiền quá, tôi bảo con cất đi chứ khỏi treo thêm nữa. Treo từng đó là đủ tự hào lắm rồi”, mẹ của Sơn nói.

Con trai út ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thảo, bà Gái vui không biết để đâu cho hết. Nhưng điều khiến bà đau đáu suốt thời gian qua chính là con trai vẫn chưa thể tiếp tục phẫu thuật hở hàm ếch do vướng lịch thi cử.

“Nhiều khi nghĩ đến chuyện trả nợ cũng ngán lắm, nhưng tôi không cho con nghỉ được. Con tôi học giỏi, lại thích học, giờ bắt con nghỉ ngang thì thương lắm”, bà Gái nói.

Làm mẹ, điều bà Gái luôn mong mỏi là con trai khỏe mạnh, được học hành đến nơi đến chốn. Đứng giữa lựa chọn cho con nghỉ học theo bố mẹ làm muối như nhiều đứa trẻ chung ấp, bà Gái vẫn quyết khuyên con theo đuổi đại học.

Chỉ riêng việc học của Sơn, bà Gái nhẩm tính trung bình một năm hết 40-50 triệu đồng. Dù phải vay nợ khắp nơi, khoản nợ gần 100 triệu đồng chưa trả hết, gia đình bà vẫn cố gắng để con mình được đi học. Trong bà còn thường trực nỗi lo con đi học gặp nguy hiểm vào những ngày mưa bão, gió to sóng lớn.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 10

Gia đình 4 người quây quần bên bàn ăn trong căn bếp nhỏ, những lời kể chuyện hỏi han nhau hòa vào tiếng tivi nép mình ở góc nhà.

Ngồi trong căn bếp nhỏ hẹp, tiếng tivi hòa lẫn với tiếng ếch nhái kêu sau trận mưa lớn, bà Gái chậm rãi kể lại câu chuyện 18 năm trước, khi sinh Sơn, gia đình mới phát hiện con bị hở hàm ếch.

May mắn, nhờ các nhà hảo tâm, Sơn được hỗ trợ chi phí để phẫu thuật 3 lần. Hiện tại, nam sinh có thể sinh hoạt bình thường như mọi người, nhưng vẫn cần thêm 2 lần phẫu thuật cuối cùng để hoàn thiện lộ trình chữa trị.

Đường đến với con chữ của Sơn đôi lúc hơi vất vả vì phải đi đò, rồi băng qua những con hẻm nhỏ ở Thạnh An. Em kể rằng Thạnh An mùa nắng rất đẹp, nhưng đến mùa mưa, sóng đánh dữ dội, nước tràn lên đến đường. May mắn, trường em được xây trên một gò đất cao nên dù nằm ngay sát biển, phòng học không chịu ảnh hưởng của mưa bão.

Sống ở nơi trẻ con phải nghỉ học sớm để đi làm, nhiều lần, Sơn cũng nhận được những lời “lôi kéo” bỏ học để đi làm vì “học làm gì cho tốn tiền ra”. Bị nói nhiều thành quen, em học cách bỏ ngoài tai những lời nói đó và tập trung cho việc học của mình.

Chạy nước rút

- Bắt đầu sửa bài nhé! Câu 1 chọn đáp án nào?

- Dạ câu B.

- Năm 1968, nền kinh tế của quốc gia nào “đứng thứ hai trong thế giới tư bản”?

- Nhật Bản ạ.

- Đúng rồi. Câu này mà sai là rớt tốt nghiệp đấy nhé!

Sau câu nói của cô Trần Thị Hà My (giáo viên chủ nhiệm lớp 12/1), cả lớp học bật cười nắc nẻ. Đâu đó ở cuối lớp, vài học sinh tinh nghịch nói vọng lên bục giảng: “Thế thì em rớt tốt nghiệp rồi cô ơi”.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 15

Những ngày tháng 6 oi ả, giữa hành lang vắng lặng như tờ, lớp 12 duy nhất của trường THCS - THPT Thạnh An vẫn mở cửa, sáng đèn. Kết thúc năm học vào cuối tháng 5, học sinh lớp 12 tại đây có khoảng một tháng luyện đề để “chạy nước rút”.

Khi còn học bậc THCS, lứa học sinh sinh năm 2006 tại THCS - THPT Thạnh An được chia làm hai lớp. Qua từng năm, số lượng cứ thế giảm dần từ 50, 40 xuống 30 học sinh. Những đứa trẻ nghỉ học theo chân ba mẹ để mưu sinh. Người vẫn trụ lại Thạnh An để làm nghề chài lưới, cào hàu, có người bôn ba đến Bình Dương, Đồng Nai để “đi làm hãng”.

Giờ đây cả xã đảo chỉ còn 24 đứa trẻ lớp 12 miệt mài ôn tập để chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 18

Dù chỉ là luyện đề trên lớp, các bạn vẫn cất hết tài liệu, làm đúng thời gian cho phép để quen dần với áp lực phòng thi.

Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM… là những cái tên được xuất hiện phiếu đăng ký nguyện vọng của những đứa trẻ tại Thạnh An.

Tổng kết năm học 12, cả lớp có 9 học sinh giỏi, 13 học sinh tiên tiến và 2 học sinh học lực trung bình. Nhiều học sinh quyết định thi để lấy tấm bằng tốt nghiệp rồi kiếm việc làm. Ngược lại, một số bạn trẻ nơi đây vẫn khát khao giảng đường đại học.

“Cả lớp chú ý đi thi các bạn cần mang theo 3 bộ quần áo, khăn tắm, bàn chải đánh răng. Bàn ủi thì cô sẽ mang theo cho cả lớp mượn”, cô Hà My dặn dò khi vừa chữa xong câu cuối cùng của đề thi thử.

Hành trang đi thi của những đứa trẻ miền biển không chỉ là tri thức mà còn là các vật dụng thiết yếu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 27/6 sắp tới, 24 học sinh trường THPT Thạnh An sẽ thi tại hai điểm trường THPT An Nghĩa và THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ).

Cả lớp di chuyển đến điểm thi bằng xe của trường từ sáng 26/6 để kịp làm thủ tục dự thi.Các em sinh hoạt, lưu trú gần đó trong suốt 3 ngày thi.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 21

Ngày 26/6, 24 bạn học sinh sẽ rời đảo, lên tàu vào đất liền để tham dự kỳ thi THPT.

Muốn lên thành phố để "chữa lành"

Không như ở đất liền, những đứa trẻ ở xã đảo không có nhiều thứ để giải trí. Những nam sinh lớp 12 lại kéo nhau ra biển nghịch nước vào giờ ra chơi hay giờ nghỉ trưa. Biển là nơi các em tìm về mỗi khi rảnh rỗi. Nhìn thấy biển, những đứa trẻ vội vàng xắn quần để chuẩn bị cho “trận chiến”.

Chẳng cần nói thành lời, cả nhóm tự động chia ra thành hai đội tấn công - phòng thủ. Những chiếc áo sơ mi trắng thấm đẫm vị mặn của muối biển. Tiếng cười đùa của nhóm nam sinh khuấy động cả một góc trời.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 22

Không phải đồ điện tử, chính bãi biển, tiếng sóng mới là điều gắn liền với những đứa trẻ miền biển.

“Người ở thành phố hay xuống đây để ‘chữa lành’, còn em chỉ muốn thi xong sẽ lên thành phố để ‘chữa lành’”, Sầm Vĩnh Tường cười tươi nói, dù chiếc áo sơ mi trắng trên người đã ướt nhem.

Thi THPT Quoc Gia TP.HCM anh 23

Nhóm bạn đùa giỡn cho quần áo ướt nhẹp, cũng không ngại phơi nắng đến đỏ cả da.

Trong ca học buổi sáng của lớp 12/1, chúng tôi đề xuất tặng cho từng học sinh một bức hình kỷ niệm. Ban đầu, những đứa trẻ miền biển ngại ngùng từ chối do chưa quen với cảm giác đứng trước ống kính máy ảnh.

- Em nên tạo dáng thế nào ạ?

- Em cứ tạo dáng thế nào thể hiện được cá tính của em.

- Nhưng em không biết cá tính của em là gì.

Nhiều năm làm MC cho các sự kiện của trường, thế nhưng hôm nay, Trần Quỳnh Nguyệt Quế lại có phần thẹn thùng. Cô bạn mãi loay hoay tìm dáng chụp phù hợp. Tiếng trêu đùa ầm ĩ của nhóm bạn từ dưới góc lớp khiến nữ sinh vừa bực vừa buồn cười, chỉ muốn lao xuống đánh cho mỗi người một cái.

24 học sinh là 24 mảnh ghép với màu sắc rất riêng. Sơn trầm tính, ít nói, Tín vui vẻ, lạc quan, Bảo mạnh mẽ, độc lập còn Quế lại có phần cá tính… Những màu sắc, cá tính ấy tạo nên bức tranh lớp 12/1 trọn vẹn.

Thạnh An tháng 6, khi nắng còn nhuộm vàng mặt biển và đường đê chắn sóng, những đứa trẻ vẫn mải mê chơi đùa, người lớn vẫn đan lưới, ra khơi, phơi muối, nhịp sống ở hòn đảo nhỏ vẫn như mọi ngày, không có gì thay đổi. Nhưng chỉ ít ngày nữa, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra, 24 học sinh lớp 12/1 ở trường THCS - THPT Thạnh An sẽ bước vào hành trình quyết định tương lai và cuộc đời mình.

Sau kỳ thi đó, một số em chọn tiếp tục lên đất liền học đại học, một số em có thể bám đảo, theo cha mẹ đi làm muối, đánh cá. Dù chặng đường tiếp theo ra sao, 12 năm học ở Thạnh An, những ngày ôn thi nước rút ở trường vẫn là kỷ niệm không thể xóa khỏi ký ức của các em.

Thái An - Kỳ Duyên - An Khương

Bạn có thể quan tâm