Hệ miễn dịch kém có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh, đau ốm thường xuyên. Ảnh: Romper. |
Hệ thống miễn dịch giữ cho trẻ khỏe mạnh bằng cách bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh nhận biết sự hiện diện của các mầm bệnh như vi khuẩn và virus. Sau đó, nó phát triển các kháng thể để bảo vệ chống lại tác nhân gây hại. Sau khi loại bỏ mầm bệnh xâm nhập ra khỏi cơ thể, các kháng thể giúp lưu giữ ký ức về chúng, để có thể đối phó tốt hơn trong lần tiếp theo.
Để bảo vệ trẻ khỏi những bệnh nhiễm trùng như vậy, điều cần thiết là cha mẹ phải biết tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh mẽ cho con.
Dấu hiệu trẻ có hệ miễn dịch kém
Ốm đau thường xuyên
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), trẻ em trung bình bị 4-8 lần nhiễm trùng đường hô hấp mỗi năm. Con số này có thể thay đổi, tùy thuộc vào các yếu tố như những bệnh nhiễm trùng mà trẻ tiếp xúc; các yếu tố nguy cơ bao gồm việc trẻ có đi học hay không, hoặc có anh chị em ruột hay không.
Trẻ em có hệ thống miễn dịch bình thường sẽ nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh trẻ lại sau những căn bệnh như vậy. Tuy nhiên, nếu con bạn liên tục bị cảm lạnh, sổ mũi hoặc nhiễm trùng dạ dày ruột hay tai, có thể đã đến lúc bạn cần tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ để bảo vệ con khỏi bị ốm nhiều lần. Điều này cũng giúp trẻ phục hồi nhanh chóng khi bị bệnh.
Vết cắt không dễ lành
Vết cắt và vết xước là một phần của quá trình lớn lên nhưng may mắn là trẻ em có xu hướng phục hồi nhanh chóng. Nếu vết thương của con bạn mất nhiều thời gian hơn bình thường, có thể là do hệ miễn dịch kém của chúng.
Hệ thống miễn dịch của chúng ta đóng vai trò lớn trong quá trình chữa lành vết thương cũng như phục hồi da. Vì vậy, nếu trẻ có khả năng miễn dịch thấp, sẽ mất nhiều thời gian hơn để các vết cắt và vết xước đó thuyên giảm.
Biếng/kén ăn
Thông thường trẻ em thích thức ăn nhanh hơn trái cây và rau quả, nhưng con bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm để tăng trưởng và phát triển tốt. Những đứa trẻ kén ăn có thể bị suy giảm hệ miễn dịch. Điều này là do chúng không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch.
Cách tăng cường miễn dịch cho trẻ
Bảo vệ hệ thống miễn dịch của trẻ là cách để con luôn sẵn sàng đối mặt với hầu hết mối đe dọa. Cha mẹ cần ghi nhớ những lời khuyên dưới đây để đảm bảo con không bị mầm bệnh xâm nhập.
- Tập thể dục: Theo tiến sĩ Ranjit Chandra, nhà miễn dịch học nhi khoa tại Đại học Memorial of Newfoundland (Canada), cho biết tập thể dục làm tăng số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên ở người lớn - và hoạt động thường xuyên có thể có lợi cho trẻ em theo cách tương tự.
Để trẻ rèn thói quen tập thể dục, cha mẹ hãy là tấm gương tốt. Hãy tập thể dục với trẻ thay vì chỉ thúc giục con ra ngoài và chơi đùa. Các hoạt động vui chơi dành cho gia đình bao gồm đạp xe, đi bộ đường dài, trượt băng, bóng rổ và quần vợt.
Cha mẹ tập thể dục cùng con cái sẽ giúp trẻ rèn được thói quen tốt này để tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh: Bmgresearch. |
- Cho trẻ ăn đúng cách: Theo tạp chí Parents, cho con bạn ăn thực phẩm tươi sống, hạn chế thực phẩm đã qua chế biến hoặc đóng gói. Bổ sung trái cây và rau quả, đặc biệt là 5 phần ăn/ngày (một phần ăn là khoảng hai muỗng canh cho trẻ mới biết đi và một cốc cho trẻ lớn hơn) là chế độ ăn uống tốt cần tuân theo. Cha mẹ cần đảm bảo rằng đồ ăn vặt như bánh ngọt và bánh quy chỉ là thức ăn không thường xuyên.
- Đảm bảo giấc ngủ ngon cho trẻ: Trẻ em thiếu ngủ dễ bị ốm hơn. Điều này là do thiếu ngủ làm giảm số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên cần thiết cho hệ thống miễn dịch để đối phó với các bệnh nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh nên ngủ 18 giờ mỗi ngày, trẻ mới biết đi cần ngủ đến 13 giờ và trẻ từ 3 đến 12 tuổi nên ngủ tới 12 giờ mỗi ngày.
- Cải thiện sức khỏe đường ruột của trẻ: Bạn có biết rằng khoảng 70% tế bào miễn dịch của cơ thể chúng ta nằm trong ruột? Đây là lý do sức khỏe đường ruột tốt là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Hàng nghìn tỷ vi khuẩn trong ruột được gọi chung là hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm cả vi khuẩn tốt và xấu. Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa probiotics và prebiotics (sữa chua, kefir) để tăng cường số lượng vi khuẩn tốt, kiềm chế các vi khuẩn xấu.