Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giúp trẻ mắc tay chân miệng đỡ khó chịu

Chúng ta chưa có vaccine và thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu. Cha mẹ có thể áp dụng một số cách để giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh.

Bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Ảnh: Ikns.edu.

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra với các triệu chứng như loét bên trong hoặc xung quanh miệng và phát ban hoặc mụn nước ở tay, chân, mông. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị.

Tay chân miệng dù có tên gần giống nhưng không liên quan đến bệnh bàn chân miệng (đôi khi được gọi là bệnh lở mồm long móng). Bệnh bàn chân miệng do virus truyền nhiễm gây ra, virus này được tìm thấy ở trên cừu, lợn, gia súc.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tay chân miệng là nhiễm trùng coxsackie virus A16 thuộc về một nhóm virus nonovio enterovirus. Các loại enterovirus khác đôi khi cũng gây ra bệnh tay chân miệng. Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người với người bị nhiễm bệnh, thông qua:

  • Dịch tiết mũi hoặc dịch tiết họng.
  • Nước bọt.
  • Chất lỏng từ mụn nước.
  • Phân của người bệnh.
  • Các giọt nước li ti bắn vào không khí sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
  • Trẻ sau khi tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh bằng tay như đồ chơi, sau đó cho tay vào miệng hoặc dụi mắt.
  • Bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở trẻ em vì thường xuyên phải thay tã và khi ngồi bô đi vệ sinh, trẻ nhỏ thường đưa tay vào miệng hoặc dụi mắt.

Một số trường hợp, đặc biệt ở người trưởng thành, có thể bị nhiễm virus mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh.

Triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng sớm bao gồm sốt và đau họng. Các vết loét có thể xuất hiện ở bên trong miệng của trẻ hoặc lưỡi.

Trẻ có thể bị rát đỏ ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân một hoặc hai ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Rát đỏ này có thể biến thành mụn nước. Các đốm hoặc vết loét phẳng nổi lên trên đầu gối, khuỷu tay hoặc mông.

Hiện nay, chúng ta chưa có vaccine và thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu. Bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, những phương pháp dưới đây có thể được áp dụng cho trẻ em bị bệnh để giảm bớt các triệu chứng khó chịu:

  • Sốt cao ở trẻ sơ sinh có thể giảm bớt bằng cách quấn bắp chân. Nếu điều đó không giúp ích, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen, liều lượng tùy theo tuổi và cân nặng, để hạ sốt. Chú ý, bạn không nên cho trẻ em uống aspirin.
  • Điều khó chịu nhất đối với trẻ em bị bệnh là những vết loét ở miệng gây đau đớn. Người bệnh có thể dùng nước súc miệng với tía tô đất hoặc cỏ xạ hương. Một số loại gel và thuốc mỡ làm từ hoa cúc sẽ làm dịu và mát miệng. Trà hoa cúc để uống hoặc súc miệng cũng có hiệu quả trong việc giảm đau do mụn nước ở miệng và loét cổ họng. Sử dụng các món ăn lạnh như sữa chua hoặc sinh tố sẽ làm dịu cơn đau họng.
Benh tay chan mieng anh 1

Chúng ta chưa có vaccine và thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu. Ảnh: Publika.

  • Miệng có thể nhạy cảm và tình trạng viêm gây ra cảm giác đau trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Do đó, cha mẹ tránh cho trẻ ăn đồ cay, nóng trong thời gian này. Trái cây chua, nước trái cây cũng có thể gây khó chịu. Đặc biệt, vì cảm giác khó chịu khó chịu trong miệng, bạn phải đảm bảo rằng trẻ uống đủ nước. Thức ăn lỏng và mềm như cháo, rau củ quả xay nhuyễn giúp trẻ dễ nuốt. Ngoài ra, nước đá có thể giảm đau miệng và cũng có thể có tác dụng giảm đau tại chỗ ngắn hạn.
  • Kem bôi có chứa kẽm oxit chống viêm có thể làm dịu phát ban ngứa và đau. Nhiều sản phẩm kem chứa kẽm oxit được bán ở dạng lotion giúp thuốc lan tỏa tốt trên da, có tác dụng làm mát và củng cố hàng rào bảo vệ da. Kem chống ngứa như calamine có thể giúp chống lại rát đỏ. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế về loại kem bôi phù hợp cho con của mình; tránh tùy tiện sử dụng các loại kem không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Nếu con bạn bị ngứa dữ dội, hãy đảm bảo móng tay được cắt ngắn. Cha mẹ có thể đeo găng tay bằng vải cho trẻ vào ban đêm để giúp tránh vô tình gãi vào mụn nước. Giữ nhiệt độ phòng mát mẻ ở mức 20-25 độ C để làm giảm cảm giác ngứa ngáy của trẻ.
  • Việc kiêng tắm cho con trong giai đoạn bị bệnh cũng không cần thiết. Phụ huynh có thể tắm, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ miễn là mụn nước không bị làm mềm và vỡ ra. Cách tốt nhất là cho trẻ tắm bằng vòi hoa sen, không nên ngâm mình trong bồn nước và trong thời gian ngắn dưới 10 phút.
  • Điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tay chân miệng là uống đủ chất lỏng để ngăn ngừa mất nước. Nếu không thể uống đủ chất lỏng để tránh mất nước, người bệnh sẽ được các bác sĩ cân nhắc truyền nước qua tĩnh mạch.

Phòng bệnh tay chân miệng

Một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh tay chân miệng:

- Rửa tay cẩn thận: Hãy rửa tay thường xuyên, kỹ lưỡng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, trước khi chuẩn bị ăn uống. Khi xà phòng và nước sạch không có sẵn, bạn có thể sử dụng khăn lau tay hoặc gel có chứa cồn để tiêu diệt vi trùng.

- Khử trùng khu vực chung: Trước tiên, hãy tập thói quen làm sạch các khu vực, bề mặt có nhiều người qua lại trong gia đình bằng xà phòng và nước. Sau đó, bạn sử dụng dung dịch pha loãng gồm chất tẩy clo, nước.

- Cha mẹ chỉ cho con cách thực hành vệ sinh tốt và giữ sạch sẽ: Giải thích cho trẻ tại sao không nên cho ngón tay, bàn tay hoặc bất kỳ đồ vật nào khác vào miệng.

- Cách ly người nhiễm bệnh: Những người mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác khi có các dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Cha mẹ cho trẻ bệnh nghỉ học cho đến khi hết sốt và vết loét miệng đã lành. Nếu người lớn bị bệnh, hãy làm việc ở nhà.

Biến chứng của cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh thường kéo dài 3-10 ngày. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng dễ gây nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng xoang, viêm phế quản, viêm phổi nếu biến chứng.

TS.DS Tạ Thanh Sơn

Bạn có thể quan tâm