Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tôi vượt qua ung thư ở tuổi 29 cùng yoga

Chỉ sau một ca sinh thiết, hai chữ "ung thư" đã làm cuộc đời tôi rẽ hướng. Chỉ trong 3 năm, tôi trải qua 2 lần mổ. Sau đó là những viên thuốc cháy tận ruột gan, sặc mùi kim loại.

chien thang ung thu anh 1

Nằm bất động trên giường trong phòng cách ly, tôi cảm nhận rõ từng luồng thuốc iod phóng xạ đang âm thầm lan khắp cơ thể. Thứ chất lỏng vô hình nhưng nóng rẫy, khiến từng tế bào trong tôi như cháy ran. Mỗi khi khép mắt, tôi như đang bị thiêu đốt trong chính thân xác mình.

Mọi giác quan trở nên nhạy cảm đến cực độ. Tiếng kim đồng hồ tích tắc, tiếng xe cộ nối đuôi nhau ngoài phố... tất cả đều khiến tôi giật thót. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm, tai tôi ù đi, tim như bị ai đó siết chặt trong lồng ngực.

"Ba ơi, cứu con!", tôi hét lên, tiếng thét lạc giữa không gian tĩnh mịch.

Từ phòng bên cạnh, ba tức tốc chạy sang ôm tôi, miệng ông lặp đi lặp lại câu nói: “Có ba đây rồi, út đừng sợ nữa!”.

Tôi là Trần Thỵ Cẩm Tú. Năm 29 tuổi, tôi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp.

Hai lần phẫu thuật

Không có những cơn đau quặn đến tận xương tủy, cũng chẳng có những trận ho đến ra máu như tôi từng thấy trong phim ảnh, căn bệnh ung thư đến với tôi một cách nhẹ nhàng đến lạ. Trong một lần tái khám định kỳ, bác sĩ phát hiện bướu ở cổ tôi đang tiến triển theo chiều hướng lạ. Tôi được chỉ định sinh thiết để kiểm tra kỹ hơn. Vài ngày sau, kết quả được trả về: ung thư tuyến giáp.

Ngồi ở bệnh viện, tay cầm kết quả. Không khóc, không hoảng loạn, tôi chọn im lặng với chính mình.

“Con còn sống được bao lâu hả bác sĩ?”, tôi nhớ mình đã hỏi thế. Bác sĩ không đưa ra một câu trả lời chính xác, chỉ đáp lại tôi bằng một lời động viên: “Con chỉ cần phẫu thuật thôi, loại ung thư này vẫn có thể chữa khỏi”.

chien thang ung thu anh 2

Cuộc đời tôi rẽ lối khi mắc ung thư ở tuổi 29.

Trong phòng phẫu thuật, tôi vẫn nhớ khoảnh khắc chiếc mặt nạ gây mê được áp sát vào mặt. Sau đó, dao mổ, máy móc cật lực làm việc rồi trả lại cho tôi một cơ thể không còn nguyên vẹn với một vết sẹo dài trên cổ. Thùy trái tuyến giáp của tôi đã bị cắt bỏ.

Dao mổ, máy móc cật lực làm việc rồi trả lại cho tôi một cơ thể không còn nguyên vẹn với một vết sẹo dài trên cổ. Thùy trái tuyến giáp của tôi đã bị cắt bỏ.

Trần Thỵ Cẩm Tú

“Ung thư không đáng sợ như mình nghĩ”, ở tuổi 29, tôi khẳng định một cách chắc nịch thời điểm đó.

Thế nhưng, ba năm sau, ác mộng mới thật sự đến. Một lần tái khám, bác sĩ phát hiện thùy cổ còn lại của tôi có khối u bị di căn. Tôi một lần nữa bị đẩy vào phòng mổ. Lần này, mọi thứ diễn biến tồi tệ hơn. Sau ca phẫu thuật, tôi phải uống thuốc iod phóng xạ.

Sự dày vò tinh thần

Viên thuốc nhỏ như hạt đậu nhưng đủ khiến tôi cảm thấy cơ thể mình như một lò phản ứng thu nhỏ. Thuốc vừa trôi tuột xuống cổ họng, cả người tôi nóng bừng lên, cháy tận ruột gan, miệng sặc mùi kim loại. Tôi được căn dặn phải tránh xa mọi người để tránh ảnh hưởng xấu đến họ. Đó là điều khiến tôi khổ sở nhất trong hành trình điều trị.

Tôi thuê một phòng trọ cách bệnh viện vài chục mét để cách ly. Ba tôi bỏ công việc ở quê, đến thuê một phòng trọ ngay sát phòng tôi để phòng “tình huống xấu nhất”. Cả ngày giam mình trong bốn bức tường không có ánh sáng mặt trời, tâm trạng của tôi rơi xuống tận đáy.

Từng là nhân viên tổ chức sự kiện, quen sống giữa tiếng nhạc xập xình và đám đông ồn ã, tôi sợ khoảng lặng này đến tận cùng. Có những đợt, tôi thức trắng 5 đêm. Cơ thể mỏi mệt, tinh thần kiệt quệ, một tiếng động khẽ cũng khiến tôi hoảng loạn.

Những lần tái khám cho tôi gặp gỡ những người bệnh mà ở đó mỗi người bị ung thư dày vò theo những cách riêng. Có người mẹ phải xa đứa con còn đỏ hỏn, chưa thôi sữa mẹ để tạm cách ly trong những ngày uống thuốc iod.

Có những người thời gian điều trị trong bệnh án đã lên đến con số 7 năm, họ kiệt sức đếm ngược xem còn bao nhiêu lần bản thân phải bị dày vò như thế. Nhưng chính bản thân họ cũng không thể biết con số chính xác là bao nhiêu. Tôi sụp đổ khi nhận ra đó có thể là tương lai của chính mình.

Thỉnh thoảng, tôi nghĩ về cái chết. Thế nhưng, cái ôm của ba trong đêm hôm ấy, những lời động viên của mẹ đã níu tôi lại cuộc sống này. Tôi biết, mình không thể bỏ cuộc.

Vài lần tái khám, vài đợt nhốt mình trong bốn bức tường, tôi lui bệnh trong chính sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.

Lớp học đặc biệt tại một nơi đặc biệt

Từ bỏ công việc ổn định với mức lương đủ cho tôi một cuộc sống sung túc, tôi tìm đến yoga. Nhiều bạn bè cho rằng đây là một quyết định khó hiểu. Chỉ tôi mới biết, đó là cách tìm về bên trong mình sau những tháng ngày lạc lối.

Nhờ có yoga, những mảng khuyết trong tâm hồn tôi dần được lấp đầy. Tháng 3/2025, tôi nhận được lời mời đặc biệt: dạy yoga cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong số họ, có những người cũng mang "án tử ung thư" như tôi. Không một chút ngần ngại, tôi nhận lời ngay. Cái gật đầu ấy với tôi là một sự “trả ơn đời” vì đã để tôi được sống.

Từng đứng không biết bao nhiêu lớp học, dạy hàng trăm học viên, thế nhưng, đây mới là lớp học đặc biệt nhất trong đời của tôi.

Quá nửa học viên trong lớp không thể thực hiện đúng kỹ thuật. Có người chỉ vừa đưa tay lên khỏi đầu đã run rẩy, bàn tay không thể duỗi thẳng. Một vài học viên cố xoay người theo hướng dẫn, nhưng cột sống như bị khóa chặt, không cử động được.

Những vết mổ chưa lành, cơn đau từ những lần hóa trị, xạ trị vẫn còn dư âm khiến họ không thể thực hiện nhiều hơn thế. Mấy ngày đầu tiên, tôi phải cố kiềm lại sự xúc động khi thấy những nỗ lực nhỏ bé ấy.

Ở lớp học này, các bài tập đều được tôi thiết kế nhẹ nhàng nhằm mục tiêu giãn cơ thể, vận động nhẹ. Và hơn hết là để trí óc người bệnh thư giãn sau nhiều ngày đau đáu về bệnh tật, sau những tính toán lo toan làm thế nào để xoay xở kịp viện phí đợt này.

Giờ đây, tôi không còn sợ hãi khi nhắc đến bệnh tật. Tôi gọi đó là hành trình trưởng thành trong đau đớn nhưng cũng rất đỗi nhiệm màu.

Trần Thỵ Cẩm Tú

Tôi vẫn nhớ cảm giác tim thắt lại khi chạm vào cơ thể của người phụ nữ ngoài 50 tuổi bị u não. Nửa người trái của chị liệt hẳn, những cử động dù nhẹ nhàng, với chị là cả một sự cố gắng. Khoảnh khắc chị mím môi để cố nhấc cơ thể lên, cả người rung bần bật, tôi thấy được sự đau đớn vì bệnh tật dày vò của mình trước đây. Thật may mắn, cả tôi lẫn chị đều chọn cách chiến đấu đến cùng.

Ung thư từng là cơn bão quét qua cuộc đời tôi. Nhưng sau tất cả, tôi học được cách đứng vững giữa tâm bão, bằng niềm tin, tình yêu của gia đình, và cả vòng tay của ba trong đêm tôi yếu lòng nhất. Giờ đây, tôi không còn sợ hãi khi nhắc đến bệnh tật. Tôi gọi đó là hành trình trưởng thành trong đau đớn nhưng cũng rất đỗi nhiệm màu.

Chiến Thắng Ung Thư là một series đặc biệt của Tri Thức - Znews, kể về hành trình vượt qua căn bệnh ung thư - một trong những thách thức lớn nhất với con người. Qua mỗi câu chuyện, độc giả không chỉ hiểu thêm về tâm lý, cuộc sống của những người từng phải đối mặt với bệnh K, mà còn cảm nhận được sức mạnh phi thường từ nghị lực sống của họ.

Series này mang đến niềm hy vọng, động viên và truyền cảm hứng, đặc biệt dành cho những bệnh nhân hoặc người thân đang chiến đấu với ung thư, để tin rằng "ung thư không phải là dấu chấm hết".

Sau sáp nhập, TP.HCM quản lý ATTP như thế nào?

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết địa bàn rộng, số trường học tăng mạnh sau sáp nhập khiến công tác kiểm tra, phòng chống ngộ độc thực phẩm trở nên thách thức hơn, đặc biệt trong môi trường học đường.

Quyết định sai khiến nạn nhân bị rắn cắn ngừng tim, tổn thương não

Một người đàn ông 50 tuổi ở Lào Cai rơi vào tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tuần hoàn sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn.

Bộ Y tế thu hồi 2 loại kem chống nắng giả, SPF thấp hơn 70%

Theo kết quả giám định tại Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, chỉ số SPF của hai sản phẩm kem chống nắng Vitamin C và Sun Cream đạt dưới 70% so với mức công bố trên bao bì.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm