Trưa 30/4, sau 73 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Hà Nội phát hiện 3 người dương tính với nCoV. Đến nay, thành phố là nơi có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước.
Nhiều chùm ca bệnh
Trong vòng 10 ngày (29/4-8/5), Hà Nội đối mặt cùng lúc nhiều chùm ca bệnh Covid-19 nhiều nơi. Tổng số bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố là 72 người.
Huyện Đông Anh ghi nhận 2 ổ dịch Covid-19. Đầu tiên là 3 trường hợp liên quan bệnh nhân 28 tuổi, ở Hà Nam (dương tính sau khi hết thời gian cách ly tại Đà Nẵng).
Đến 6h ngày 8/5, chùm ca bệnh liên quan ca mắc Covid-19 tại Hà Nam tạm thời đã được ngăn chặn, Hà Nội không ghi nhận thêm trường hợp F1, F2 nhiễm nCoV.
Ổ dịch Covid-19 thứ 2 ở huyện này là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung). Sau khi phát hiện 14 ca mắc Covid-19 vào chiều 5/5, đến nay, cơ sở y tế này đã ghi nhận tổng cộng 78 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, liên quan nhiều tỉnh, thành phố. Họ gồm 6 nhân viên y tế, 30 bệnh nhân, 33 người nhà và 9 F1.
Trong đó, hai trường hợp điều dưỡng, một người nhà nhiễm nCoV mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội thông tin chưa được Bộ Y tế công bố.
Xe binh chủng phun khử trùng toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ảnh: Việt Linh. |
Trong cuộc họp chiều tối 7/5, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch cho biết qua giải trình tự gene, chùm ca mắc Covid-19 tại cơ sở y tế này nhiễm biến chủng virus được phát hiện tại Anh (B.1.1.7) và Ấn Độ (B.1.617).
Qua phân tích khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong viện, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định nguồn lây ở cơ sở y tế này là từ cộng đồng.
Tại huyện Thanh Trì, ổ dịch Covid-19 phức tạp khác vừa được phát hiện trong Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết nguồn lây của chùm ca bệnh tại đây xuất phát từ một trường hợp từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đến sáng 8/5, tổng số người dương tính với nCoV tại ổ dịch Bệnh viện K là 12 (6 bệnh nhân, 6 người nhà). Bên cạnh đó, toàn bộ 169 F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Cả 3 cơ sở của Bệnh viện K đã bị cách ly y tế từ 5h30 ngày 7/5.
Thống kê ban đầu cho thấy có hơn 5.000 người liên quan bao gồm y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K. Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), đánh giá "dịch lây lan sang Bệnh viện K, tình hình rất phức tạp".
Bệnh viện K Tân Triều "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Ảnh: Quốc Vương. |
Tại huyện Thường Tín, chùm ca bệnh đều là người thân trong một gia đình. Ca bệnh đầu tiên của ổ dịch này là ông L.V.C. (BN3092, 41 tuổi, ở chợ Tía, Tử Dương, Tô Hiệu, Thường Tín), mắc Covid-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, nguồn lây của bệnh nhân này liên quan chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19, ở tại khách sạn Mường Thanh, đường Võ Nguyên Giáp.
Tính đến 6h ngày 8/5, tổng số ca bệnh tại huyện Thường Tín là 10 người, đều là những người thân trong một gia đình. Trung tâm Y tế huyện Thường Tín đã xác minh được 29 F1 (5 người trong gia đình, 4 người tại trạm thú y và 20 người bạn cùng lớp) và khoanh vùng xung quanh nhà bệnh nhân (khoảng 20 hộ gia đình, 120 nhân khẩu ở ngõ phố chợ Tía).
Liên quan chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19, quận Bắc Từ Liêm cũng phát hiện một trường hợp là BN2985, nhiễm nCoV sau khi đi chung chuyến bay VN160 ngày 29/4 (từ Đà Nẵng về).
Một bệnh nhân Covid-19 khác cũng liên quan nguồn lây này là trường hợp 2 nữ nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc), có địa chỉ cư trú tại quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai.
Ngoài ra, ngày 4/5, CDC Hà Nội phát hiện thêm một trường hợp là người nhập cảnh mắc Covid-19 sau khi hết thời gian cách ly tập trung. Ông là chuyên gia Ấn Độ, trú tại KĐT Times City, Hoàng Mai.
Toàn bộ F1 của những ca bệnh trên đều đã âm tính với nCoV.
Phong tỏa Park 10 Times City vì ca mắc Covid-19 mới. Ảnh: Đức Anh. |
Biện pháp ứng phó
Trong cuộc họp chiều 6/5, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng có 3 nguyên nhân khiến dịch tại Hà Nội đáng báo động.
Thứ nhất, các ca dương tính đang tăng nhanh với nhiều F0 trong cộng đồng. Thứ hai, chủng virus ghi nhận tại đợt bùng phát này lây lan nhanh, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 rất lớn. Thứ ba, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trên địa bàn thành phố đang trở thành ổ dịch rất lớn.
Cùng với đó, nguồn lây nhiễm đối với Hà Nội cũng rất đa dạng. Đó là các trường hợp F0 đang âm thầm trong cộng đồng, từ các cơ sở cách ly tập trung, từ nguồn nhập cảnh và nhập cảnh trái phép và từ việc người dân các tỉnh lân cận đến sinh hoạt, làm việc, học tập tại Hà Nội.
Ngay từ khi phát hiện chùm 3 ca bệnh liên quan người mắc Covid-19 ở Hà Nam vào ngày 30/4, lãnh đạo Hà Nội nhanh chóng truy vết, khoanh vùng để dập dịch nhanh nhất có thể.
Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: "Chủng virus này lây lan khá nhanh nên truy vết sớm ngày nào càng tốt ngày ấy”. Ông cũng đề nghị Hà Nội khoanh vùng với 3 cấp độ. Ở vòng lõi có ca bệnh, địa phương cần rà soát kỹ rồi tiếp đó thực hiện từng bước với các vòng tiếp theo và từng bước nới lỏng.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhiều địa điểm phát hiện bệnh nhân Covid-19 như xã Việt Hùng, xã Uy Lỗ (Đông Anh), tòa Park 10, KĐT Times City, Hoàng Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K (3 cơ sở) bị cách ly y tế nhằm cắt đứt đường lây của virus.
Tối 5/5, UBND TP vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu một m khi tiếp xúc.
Hà Nội cũng yêu cầu dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao tại vườn hoa, công viên.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.