Rạng sáng 22/11, Vũ Quốc Toản (24 tuổi), Đặng Tiến Sơn (22 tuổi) thuê Nguyễn Hải Đăng (23 tuổi, cùng quê Yên Bái) chở ôtô từ Yên Bái sang Vĩnh Phúc để đón bạn. Tới địa phận huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm này bị 2 ôtô chở 7 người khác chặn đường.
Sợ bị đánh, Đăng quay xe bỏ chạy về hướng Tuyên Quang. Khi dừng để xăng ở huyện Sơn Dương, xe của Đăng bị nhóm chặn đường đuổi kịp. Thấy 2 cô gái trong nhóm này nhảy lên nắp capo, Đăng lùi xe hất 2 người ngã xuống đất rồi bỏ chạy. Bị xe cán qua, một người đã tử vong, người còn lại bị thương nặng.
Trường hợp này, lái xe sẽ bị xử lý ra sao?
Dấu hiệu của 3 tội danh
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) cho biết để xác định trách nhiệm pháp lý của Đăng, cần làm rõ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như nguyên nhân dẫn tới vụ va chạm; ý chí chủ quan, nguyên nhân, động cơ của Đăng khi thực hiện hành vi, cũng như tính chất, mức độ hành vi của nhóm người chặn đầu xe của tài xế này.
Trước thông tin Đăng tăng ga bỏ chạy vì lo sợ bị đánh, luật sư Quynh cho rằng trước tiên cần xác định nhóm người chặn xe đã có lời nói, hành động như thế nào; mức độ ra sao và đó có phải nguyên nhân khiến Đăng thật sự lo sợ bị đánh, hoặc rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không.
Thứ hai, luật sư nhìn nhận phải làm rõ ý chí chủ quan của Đăng ở thời điểm đạp ga bỏ chạy. Cần xác định người này lao xe đi chỉ nhằm mục đích bỏ chạy hay có chủ đích nhắm vào các nạn nhân; tương quan vị trí giữa chiếc xe với 2 cô gái ra sao, cũng như có hay không việc các nạn nhân cố tình chắn đường chiếc xe ở thời điểm Đăng nhấn ga bỏ chạy.
"Cần làm rõ nguyên nhân sự việc, động cơ, mục đích của tài xế khi thực hiện hành vi cũng như ý thức chủ quan của người này ở thời điểm đó. Tùy thuộc kết quả xác minh, các tội danh phù hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 có thể được áp dụng", ông Quynh nói.
Chiếc xe do Đăng điều khiển. Ảnh: Công an Tuyên Quang. |
Còn luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) nhìn nhận tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan điều tra, có thể xảy ra 3 tình huống như sau:
Thứ nhất, Đăng cố tình lao xe vào 2 nạn nhân. Luật sư cho rằng theo quy định pháp luật, ôtô và các phương tiện giao thông khác được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển nếu cố ý sử dụng các phương tiện để gây vụ tai nạn nhằm sát hại người khác thì đây là hành vi Giết người.
Luật sư Trang cho biết ôtô có thể tạo ra lực đâm và sức đè rất lớn nếu di chuyển tốc độ cao, có thể gây ra hậu quả chết người. Một người bình thường, đầy đủ nhận thức phải biết rằng việc lao xe vào người khác, đặc biệt chèn qua những người đang nằm dưới đất hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Quá trình điều tra, nếu xác định tài xế có đầy đủ năng lực hành vi, cố tình lao xe nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc nhận thức được điều đó nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu bị khởi tố về tội danh này, tài xế còn có thể chịu tình tiết định khung giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Thứ hai, nếu Đăng lao xe để bỏ chạy, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân hay không ý thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, việc có người tử vong nằm ngoài ý chí chủ quan của tài xế này thì có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ ba, nếu xác định nhóm người chặn đầu xe đã có những hành vi khiến Đăng lo sợ, rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn tới mất kiểm soát và gây ra hậu quả chết người thì tài xế có thể bị xử lý về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp Đăng cố tình thực hiện hành vi trong tình trạng tinh thần bị kích động nhưng chưa thuộc trường hợp "kích động mạnh", tài xế này sẽ bị xử lý về tội Giết người. Khi đó, trạng thái tinh thần bị kích động có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho người này.
Tài xế Nguyễn Hải Đăng. Ảnh: Công an Tuyên Quang. |
Cần xem xét trách nhiệm của 2 người đi cùng xe
Ngoài trách nhiệm của Đăng, luật sư Trang cho rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò của Sơn và Toản, những người thuê xe của tài xế này trước khi sự việc xảy ra.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân mâu thuẫn có phải bắt nguồn từ 2 thanh niên này hay không. Thời điểm sự việc xảy ra, Sơn và Toản đã nói với Đăng những gì.
Nếu xác định 2 thanh niên này chỉ đạo Đăng cố tình lao xe vào nạn nhân, họ có thể bị xử lý về tội Giết người với vai trò đồng phạm. Trường hợp họ không chỉ đạo Đăng cán chết nạn nhân nhưng biết rõ về hành vi giết người của tài xế này mà không tố giác với cơ quan chức năng, 2 người này có thể bị xử lý về tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm, tùy thuộc tính chất hành vi.
Trường hợp Sơn và Toản chỉ yêu cầu Đăng bỏ chạy, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân, 2 thanh niên có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.