Tối 21/11, Thân Văn Hiếu (25 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tạt axit rồi dùng dao truy sát, đâm vợ là chị N.T.T. tử vong. Nguyên nhân được xác định do ghen tuông. Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Hiếu để điều tra vụ việc.
Trường hợp này, nghi phạm sẽ đối diện với tội danh cùng các tình tiết định khung, tăng nặng nào?
Thân Văn Hiếu. Ảnh: Công an Bắc Giang. |
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Vì ghen tuông, Hiếu đã tạt axit rồi dùng dao truy đuổi, sát hại khiến chị T. tử vong. Hành vi này thể hiện sự manh động, côn đồ và coi thường pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự việc và áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết nhằm xử lý nghi phạm theo quy định.
Axit là loại hoá chất nguy hiểm, có khả năng gây bỏng nặng ngay lập tức khi tiếp xúc với da của con người. Hành vi tạt axit vào người nạn nhân là hành động nguy hiểm, có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 cùng tình tiết định khung "Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo điểm b, khoản 1 Điều này.
Sau khi tạt axit, Hiếu tiếp tục dùng dao truy sát và đâm nhiều nhát vào cổ, lưng, sườn khiến nạn nhân tử vong tại hiện trường. Đây là hành vi cho thấy sự côn đồ, hung hăng và có dấu hiệu cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu bị xử lý hình sự về tội danh này, nghi phạm có thể chịu tình tiết định khung "Có tính chất côn đồ" theo khoản 1 Điều này. Mức án khi đó Hiếu có thể đối mặt là 12-20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, với việc cố ý truy sát và tấn công cho tới khi nạn nhân tử vong, nghi phạm còn đối diện tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Tổng hợp các tội danh, các tình tiết định khung và tình tiết tăng nặng, mức án tối đa nghi phạm có thể đối mặt là tử hình.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.