![]() |
Nhà văn, nhà giáo dục Theo Wolf (Mỹ) đã có nhiều năm làm việc với hàng trăm học sinh và phụ huynh. Ông đã chứng kiến học sinh của mình đạt được nhiều thành tựu đáng nể, ví dụ như giành giải thưởng lớn, gọi vốn đầu tư, khởi nghiệp và thực hiện các dự án ấn tượng. Nhờ đó, họ đã nổi bật trong quá trình xét tuyển đại học, trúng tuyển vào các trường danh tiếng như Stanford, Harvard và Princeton. Dựa trên kinh nghiệm làm việc với những gia đình này, viết trên CNBC, Theo Wolf chỉ ra 4 điều mà các phụ huynh thông thái không làm để giúp con đạt được thành công. Ảnh: Freepik. |
![]() |
1. Không xem một trường đại học cụ thể là con đường duy nhất dẫn đến thành công: Nhiều cha mẹ đặt trọn kỳ vọng vào những trường đại học danh tiếng, xem đó như mục tiêu duy nhất của con. Từ đó, họ vạch ra lộ trình để đạt được mục tiêu đó, thúc ép con luyện thi và chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm. Cha mẹ thông thái không làm như vậy. Thay vì bị ám ảnh bởi việc con phải đỗ vào một trường cụ thể nào đó, họ tập trung vào những điều có thể kiểm soát. |
![]() |
Họ giúp con phát triển tính chủ động, khả năng lập kế hoạch, tư duy phản biện, sự sáng tạo và kỹ năng giao tiếp - những yếu tố then chốt của thành công, bất kể con học ở đâu. Đây cũng chính là những phẩm chất mà các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm. Ông Wolf cho rằng việc con đỗ vào đại học chỉ nên là một kết quả tự nhiên của quá trình phát triển toàn diện. Cha mẹ đừng đặt nặng câu hỏi “Liệu con có vào được đại học danh giá không?”. Thay vào đó, hãy tự hỏi “Liệu con tôi có đủ năng lực để thành công ở bất kỳ môi trường nào không?”. |
![]() |
2. Không chạy theo số đông: Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, nhưng đôi khi, chính cha mẹ cũng không tránh khỏi áp lực con nhà người ta. Ông Wolf thường thấy phụ huynh đăng ký cho con tham gia hàng loạt hoạt động chỉ vì sợ con thua kém. Thói quen này vô tình tạo ra những đứa trẻ với hồ sơ năng lực mờ nhạt. Và quan trọng hơn, chúng đánh mất cơ hội khám phá và xây dựng bản sắc riêng. |
![]() |
Cha mẹ cần nhớ rằng hòa nhập xã hội là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành, nhưng trẻ cũng cần được khuyến khích nuôi dưỡng ý thức về bản thân. Chúng thực sự thích thú điều gì? Chúng muốn dành thời gian cho những hoạt động nào? Cha mẹ có vai trò định hướng và làm gương trong việc này. |
![]() |
3. Không thay con giải quyết những "cuộc chiến": Việc cha mẹ gánh vác những khó khăn hay giải quyết vấn đề thay con không còn xa lạ. Họ luôn cố gắng loại bỏ mọi chướng ngại vật trên đường con đi. Ông Wolf từng nghe nhiều giáo viên kể về việc thường xuyên nhận được email từ phụ huynh, họ than phiền về điểm số thấp hay mâu thuẫn giữa những đứa trẻ. Hành động này dù xuất phát từ sự thương con nhưng lại vô tình cản trở sự phát triển khả năng tự chủ của trẻ. |
![]() |
Theo vị chuyên gia, đôi khi, sự can thiệp của cha mẹ là cần thiết. Nhưng trước khi hành động, hãy tự hỏi liệu đây có thực sự là "trận chiến" mà bạn cần đứng ra giải quyết hay không. Bởi lẽ, rất có thể chính những khó khăn đó lại là cơ hội quý giá để con học cách tự mình đối diện và khẳng định bản thân. |
![]() |
4. Không che chắn con khỏi sự từ chối và thất bại: Học sinh của ông Wolf thường được yêu cầu nhìn lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời. Bên cạnh những cột mốc quen thuộc như chuyển nhà, đổi trường, các em thường nhắc đến việc bị từ chối vào đội tuyển của trường. Những trải nghiệm bị từ chối này trao cho các em sự tự tin để mạnh mẽ đứng lên hoặc thay đổi cách nhìn nhận bản thân một cách tích cực hơn. Việc đối diện với sự từ chối cũng giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho thực tế cuộc sống. |
![]() |
Cha mẹ thường vô thức áp đặt những nỗi sợ của mình lên con cái. Thực tế, trẻ em không cần người lớn đặt ra giới hạn cho những khả năng tiềm ẩn của mình. Thay vì ngăn cản con mạo hiểm, vị chuyên gia khuyên cha mẹ hãy dạy con cách vực dậy sau những thất vọng. Thất bại và sự từ chối có thể là những bài học vô giá. Ngay cả khi không trực tiếp dạy dỗ điều gì, chúng vẫn giúp trẻ rèn luyện sự bền bỉ, bản lĩnh và tạo nền tảng cho thành công sau này. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.