Khi thời tiết nóng bức, cơ thể cần uống nước giải khát. Các đồ uống ướp lạnh là lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Một số đồ uống tưởng như giải nhiệt, làm giảm cơn khát rất nhanh nhưng có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Dưới đây là một số đồ uống nên tránh lạm dụng.
Nước giải khát có gas
Rất dễ hiểu khi đang nóng bức, uống nước có gas mát lạnh sẽ cảm giác giải nhiệt nhanh chóng và rất sảng khoái. Tuy nhiên, nước giải khát có gas chỉ đánh lừa cơ thể. Thực tế, loại nước này còn có thể làm mất nước và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trong nước giải khát có gas thường chứa hàm lượng caffeine. Caffeine là chất gây kích thích, tăng hưng phấn - đây là lý do mà sau khi uống nước giải khát có gas khiến người ta sảng khoái.
Nhưng caffeine cũng là một chất lợi tiểu, khiến cơ thể bài tiết nhanh hơn, nhiều hơn. Vì thế, cơ thể rất dễ mất nước khi uống nhiều loại nước này.
Uống nhiều nước giải khát có gas sẽ gây bất lợi cho sức khỏe. |
Ngoài ra, nước ngọt có gas thường chứa chất ngọt nhân tạo. Nếu mỗi ngày đều uống hết một chai nước ngọt có gas, tức đã tăng thêm một lượng đường vào cơ thể và tích lũy lâu dài. Từ đó, nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch và sức khỏe răng miệng.
Thêm vào đó, thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết nước ngọt có gas sẽ dễ bị tổn thương hơn. Các hóa chất cũng như chất ngọt trong loại nước này cũng làm thận dễ bị oxy hóa và tổn thương.
Chất ngọt, caffeine là những chất gây hại cho da, tình trạng oxy hóa khiến da dễ bị viêm, mụn trứng cá, lão hóa, sạm, da không đều màu. Quá nhiều chất ngọt và cafein còn gây khó ngủ, khiến mắt quầng thâm, nhiều nếp nhăn.
Nước tăng lực
Người có hoạt động với cường độ mạnh, đổ mồ hôi nhiều khi thời tiết nắng nóng rất dễ thích uống và lạm dụng nước tăng lực. Loại nước này giúp cơ thể đang háo nước, mệt mỏi lấy lại được năng lượng và cảm giác dễ chịu rất nhanh.
Nhưng cũng như nước giải khát có gas, nước tăng lực chứa nhiều chất lợi tiểu caffeine, khiến cơ thể dễ bị mất nước nhiều hơn.
Không chỉ có caffeine, các loại nước tăng lực thường chứa nhiều đường. Khi uống nước tăng lực, để đã cơn khát, người ta không uống nhấm nháp, nhâm nhi từng ngụm nhỏ, mà thường tu một hơi với lon nước tăng lực lớn. Vì thế, cơ thể sẽ phải tiêu thụ một lượng lớn caffeine và đường trong một thời gian ngắn.
Tiêu thụ lượng caffeine và đường nhiều dẫn tới những hệ lụy xấu. Ngoài các bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa, bạn có thể bị mất ngủ, tăng huyết áp, nhịp tim thất thường, trào ngược dạ dày, thực quản.
Cũng như nước giải khát có gas, nước tăng lực chứa nhiều chất ngọt, caffeine... sẽ gây ra tình trạng lão hóa và các vấn đề về da trở nên tồi tệ hơn.
Nước lạnh đóng chai chứa đường
Hầu hết loại nước ép trái cây đóng hộp, đóng chai sẵn hoặc đồ uống ướp lạnh đều chứa hàm lượng đường rất lớn.
Lượng đường này có thể tạm thời làm tăng mức độ năng lượng của cơ thể nhưng cũng có thể làm giảm năng lượng nhanh chóng sau đó. Vì vậy, thay vì uống nước ép trái cây đóng chai/hộp sẵn, chúng ta nên ăn trái cây tươi hoặc tự dùng nước ép trái cây tươi và hạn chế đường.
Uống nước đá quá nhiều
Khi đang nóng bức, không nên giải khát ngay bằng nước đá. |
Nước đá giúp giải cơn khát tức thì, đem lại cảm giác mát lạnh sảng khoái. Đặc biệt khi đi ngoài trời nắng nóng về, nếu có cốc nước mát lạnh, nhiều đá để giải cơn khát sẽ rất tuyệt vời.
Nhưng đây lại là thời điểm không thích hợp để uống các loại nước đá mát lạnh. Khi cơ thể đang nóng bức, các mạch máu đang giãn nở, nếu uống nước đá lạnh sẽ làm cho các mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, làm giảm chức năng dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng cấp.
Sau khi đi ngoài trời nắng nóng về, dù có khát đến mấy, bạn cũng không nên uống nước lạnh để cơ thể hạ nhiệt mà từ từ và thích nghi dần với nhiệt độ mới, tránh lạnh đột ngột làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trà và cà phê
Nếu có thói quen uống trà hay cà phê nhiều mỗi ngày, bạn nên cố gắng hạn chế uống vào mùa hè. Như trên đã phân tích, đồ uống chứa caffeine sẽ làm mất nước nhiều hơn. Ngoài caffeine, trà và cà phê còn có tanin và carbon sẽ làm cơ thể nóng hơn.
Sử dụng cà phê hay trà có đá hoặc không có đá, đặc hay loãng đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
Các chất caffeine, tanin, carbon trong cà phê và trà đều là những chất gây hại cho da. Hơn nữa, các chất này gây kích thích, khó ngủ.
Vì thế, làn da không được tái tạo, phục hồi đúng thời điểm tốt nhất trong giấc ngủ, sẽ dẫn đến quầng thâm ở mắt, nám sạm, lão hóa...
Nên hạn chế uống trà và cafe trong ngày hè. |
Uống nước như thế nào để giải nhiệt khi trời nắng nóng?
Khi khát nước, nhiều người có xu hướng uống từng ngụm lớn với lượng lớn nước một lúc để thỏa cơn khát. Mặc dù cơ thể có cơ chế cân bằng, nhưng nếu uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc, cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng nhược trương. Khi này, cơ thể bị thiếu natri, dẫn đến cảm giác khó chịu, buồn nôn và mệt hơn.
Giải pháp tốt nhất là phải uống nước đều đặn và uống trước khi thực sự có cảm giác khát. Nước giải khát lý tưởng nhất là nước lọc, nước đun sôi để nguội.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các loại nước thanh nhiệt (rau má, nước vối), nước ép từ rau hoặc trái cây, chè đậu đen, đậu xanh.
Với các loại quả, bạn nên chọn các loại quả ít đường như dưa (hấu, chuột, gang), chanh, mướp đắng, lê, cam, quýt...
Cuốn sách về dinh dưỡng và lối sống
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.